Thời gian vận hành thử tiếp theo được tăng dần lên theo các mức tiêu chuẩn thiết kế, vận hành ban đêm, chạy có tải trọng.
Ngoài ra, dự án còn vận hành thử toàn bộ hệ thống ở Depot (khu lập tàu, bảo dưỡng, sửa chữa), nhà ga, công tác lập biểu đồ chạy tàu, các tiện ích phục vụ hành khách...
Liên quan đến nhân sự vận hành thử tàu, Ban QLDA Đường sắt thông tin, trong thời gian đầu chỉ những người được phân công nhiệm vụ mới tham gia và đều là nhân lực thuộc Tổng thầu Trung Quốc. Đến giai đoạn hệ thống vận hành ổn định, Ban sẽ từng bước đưa nhân sự Việt Nam vào để đào tạo thực hành.
Quá trình vận hành thử dự án thực hiện theo chu trình từ đơn giản đến phức tạp; hoạt động và kết quả vận hành thử có sự giám sát, đánh giá của liên danh tư vấn độc lập Apave-Certifier-Tricc.
Dự án sẽ thực hiện căn chỉnh, chạy thử toàn bộ 11 hệ thống thiết bị theo kế hoạch Bộ Giao thông đã báo cáo Thủ tướng. Sau 3-6 tháng vận hành thử, tuyến đường sắt đô thị đầu tiên của Việt Nam sẽ phục vụ người dân đi lại.
Ban QLDA Đường sắt cho biết, hoạt động chạy thử nhằm xác định toàn bộ công trình đã đạt được các thông số kỹ thuật theo thiết kế đảm bảo hoạt động ổn định, tin cậy cũng như các điều kiện liên quan trước khi nghiệm thu toàn bộ công trình.
"Thời gian vận hành thử liên động từ 3 đến 6 tháng (bắt đầu từ 20-9-2018) với mục tiêu Dự án đủ điều kiện để đưa vào vận hành thương mại trước tết Âm lịch 2019", đại diện Ban QLDA Đường sắt tiết lộ.
Theo kế hoạch ban đầu, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được đưa vào vận hành thử nghiệm toàn hệ thống vào tháng 10-2017 và quý 2-2018 sẽ khai thác thương mại. Tuy nhiên, dự án chậm tiến độ do nguồn vốn vay bổ sung được rót chậm, Bộ GTVT đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ xin lùi thời gian hoàn thành tuyến đường sắt đô thị này vào cuối năm nay.
Theo Bảo Ngọc (Thương Hiệu & Công Luận)