"Nam thanh niên có biểu hiện không bình thường, cố tình không tuân thủ hiệu lệnh dừng xe của một cảnh sát trong tổ công tác nên tôi đã ra để dừng xe. Nhưng anh ta không chấp hành, lao thẳng xe vào người tôi, buộc tôi giơ chân bật nhảy để tránh nguy hiểm", trung úy Anh khẳng định và cho rằng do không làm chủ được tay lái nên nam thanh niên lao vào dải phân cách giữa và bị ngã.
Trung uý Hoàng Anh, Đội cảnh sát giao thông số 3. Ảnh: Sơn Dương |
Chiều cùng ngày, đại tá Đào Vịnh Thắng, Trưởng phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội, cũng cho rằng việc cảnh sát giao thông Đội số 3 giơ chân là theo phản xạ phòng vệ né tránh, không để người điều khiển phương tiện đâm vào mình. Nếu không chặn kịp thời, rất có thể nam thanh niên bỏ chạy gây tai nạn cho những người khác.
"Quan sát từ clip, có thể thấy việc trung úy Anh giơ chân không phải để đạp người vi phạm và chân anh Anh chưa chạm vào người, xe người đi xe máy", đại tá Thắng nói và cho biết thêm trước mắt để làm rõ, xử lý vụ việc thấu đáo, Phòng đã tạm để trung úy Hoàng Anh làm nhiệm vụ ở đội, không ra ngoài đường.
Trao đổi với VnExpress, luật sư Vũ Tiến Vinh, Công ty luật Bảo An, Hà Nội, phân tích việc chiến sĩ cảnh sát giơ chân để ngăn chặn người vi phạm có được coi là hợp pháp hay không phụ thuộc vào tính chất và mức độ vi phạm của người lái xe.
Trường hợp thứ nhất, người lái xe máy có dấu hiệu phạm tội hình sự (trước đó gây tai nạn làm thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác) thì việc giơ chân (hoặc đạp ngã), thậm chí dùng gậy vụt cũng không bị coi là trái pháp luật mà đây được xác định là hành vi phòng vệ chính đáng. Thực tế hoạt động trấn áp tội phạm, đặc biệt khi bắt giữ kẻ phạm tội thì người thực thi công vụ cũng như người dân đều có thể gây thương tích cho người bị bắt giữ ở mức độ nhất định (chống trả lại một cách cần thiết) và pháp luật không coi đây là hành vi trái pháp luật.
Tuy nhiên, trường hợp giơ chân mà làm người điều khiển bị ngã dẫn đến hậu quả người đó tử vong hoặc thương tích nghiêm trọng thì có thể bị xem xét trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng. Người có hành vi vượt quá phải chịu trách nhiệm hình sự.
Trường hợp thứ hai, người điều khiển xe máy không có dấu hiệu phạm tội hình sự mà hành vi của họ chỉ đơn thuần là vi phạm hành chính thì hành vi giơ chân hoặc đạp ngã không được coi là phòng vệ chính đáng bất luận có gây thương tích cho người vi phạm hay không.
Việc người vi phạm không bị thương tích, không bị thiệt mạng là ngẫu nhiên chứ bản thân chiến sĩ cảnh sát giao thông phải biết được hành vi của họ là rất nguy hiểm cho người lái xe, có thể gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe của người lái xe, thậm chí cho cả những người xung quanh.
"Do vậy, cách thức ngăn chặn này của chiến sĩ cảnh sát giao thông không được pháp luật cho phép mặc dù động cơ của người chiến sĩ là rất tốt", luật sư Vinh nhấn mạnh.
Trước đó khoảng 17h ngày 18/7, nam thanh niên không đội mũ bảo hiểm chở theo một người phụ nữ trên xe máy chạy ngược chiều, luồn lách trên phố Xã Đàn (Đống Đa, Hà Nội). Cảnh sát giao thông ra tín hiệu dừng tuy nhiên người này vẫn phóng xe với tốc độ cao. Khi cảnh sát nhoài người giơ chân ngăn lại, xe lạng sang trái rồi đâm vào dải phân cách, hai người trên xe ngã văng xuống đường. Với lỗi không đội mũ bảo hiểm, chạy ngược chiều, không có bằng lái..., nam thanh niên này đã bị phạt hơn 2 triệu đồng. |