Trung ương yêu cầu thay thế cán bộ năng lực hạn chế

29/11/2022 15:56:02

Trung ương khuyến khích cán bộ từ chức khi có khuyết điểm và kịp thời thay thế những người bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa thay mặt Trung ương Đảng ký ban hành Nghị quyết 28 Hội nghị T.Ư 6 khóa XIII về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới.

Theo đó, Trung ương Đảng đánh giá sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 15 của Trung ương khoá X, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động của hệ thống chính trị đã có nhiều đổi mới, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị vẫn còn những hạn chế như một số chủ trương, định hướng lớn của Đảng chưa được thể chế kịp thời, đầy đủ hoặc đã thể chế nhưng không khả thi.

Trung ương đánh giá, mô hình tổng thể của hệ thống chính trị chưa hoàn thiện; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ công tác của tổ chức, cá nhân, người đứng đầu có nội dung chưa rõ; phân cấp, phân quyền chưa mạnh.

Với mục tiêu tạo chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng đối với hệ thống chính trị, Trung ương Đảng đề ra hàng loạt nhiệm vụ, giải pháp trong đó đặc biệt nhấn mạnh việc đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cán bộ.

Trung ương yêu cầu thay thế cán bộ năng lực hạn chế
Nghị quyết tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng đối với hệ thống chính trị trong giai đoạn mới được Hội nghị T.Ư 6 thông qua

Về công tác cán bộ, Trung ương yêu cầu đảm bảo nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo trực tiếp, toàn diện công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị. Đảng trực tiếp lãnh đạo, xem xét, phân công, giới thiệu cán bộ vào các vị trí lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, tổ chức.

"Cần hoàn thiện quy định lựa chọn, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ của các cấp ủy, tổ chức đảng theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch; tổng kết việc thí điểm thi tuyển một số chức danh lãnh đạo, quản lý", nghị quyết nêu.

Ngoài ra, Trung ương cũng nêu rõ, hoàn thiện quy định lựa chọn, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ của các cấp uỷ, tổ chức đảng theo hướng dân chủ, công khai, minh bạch, bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện quy định.

Tổng kết việc thí điểm thi tuyển một số chức danh lãnh đạo, quản lý. Thực hiện nghiêm quy định của Đảng về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền...

Nghị quyết cũng đề cập đến việc tiếp tục cụ thể hoá, thực hiện có hiệu quả chủ trương của Đảng về xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ.

Đồng thời xây dựng cơ chế, chính sách thu hút, tuyển dụng nhân tài vào làm việc trong hệ thống chính trị; thể chế chủ trương của Đảng về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung.

Ban chấp hành Trung ương khuyến khích cán bộ từ chức khi có khuyết điểm; kịp thời thay thế cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút mà không chờ hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm; kiên trì thực hiện "có vào, có ra, có lên, có xuống" trong công tác cán bộ; yêu cầu thực hiện nghiêm kết luận của Bộ Chính trị về bố trí công tác cán bộ sau kỷ luật.

Trung ương yêu cầu thực hiện nghiêm quy định của Đảng về việc lấy phiếu tín nhiệm trong lãnh đạo cấp ủy, các cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, minh bạch vì kết quả lấy phiếu tín nhiệm là cơ sở quan trọng cho việc đánh giá, bố trí, sử dụng cán bộ.

Quốc hội cần nâng cao chất lượng lập pháp, giám sát tối cao, quyết định vấn đề quan trọng của đất nước. Hệ thống pháp luật phải đặc biệt coi trọng, đảm bảo đầy đủ, đồng bộ, thống nhất, khả thi, ổn định; lấy quyền và lợi ích chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm; chống lợi ích nhóm.

Theo nghị quyết, Chính phủ phải xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, hiệu quả; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, làm rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng tổ chức, cá nhân trong bộ máy. Các cơ quan tư pháp nâng cao chất lượng của tòa án nhân dân, viện kiểm sát nhân dân, cơ quan điều tra, thi hành án, bổ trợ tư pháp, để xây dựng nền tư pháp chuyên nghiệp, hiện đại, liêm chính, phụng sự Tổ quốc và nhân dân.

HL (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật