Đồ họa máy bay của Trung Quốc đi vào FIR Hồ Chí Minh. Ảnh: VTV |
Xét về mặt kỹ thuật hay hàng không, hành động của Trung Quốc hoàn toàn đi ngược lại tất cả quy tắc của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO).
Khu vực không phận mà máy bay Trung Quốc di chuyển qua nằm trong vùng đã được ICAO giao cho cơ quan quản lý Vùng thông báo bay (FIR) Hồ Chí Minh quản lý. Do đó, việc Trung Quốc tuyên bố rằng họ không có nghĩa vụ phải không thông báo cho phía Việt Nam và không chịu sự điều khiển của FIR hoàn toàn là hành động trái pháp luật.
Hơn thế nữa, với tư cách là một thành viên của tổ chức ICAO, việc Trung Quốc giả vờ không hiểu hoặc cố tình không chấp hành các quy tắc là hành vi sai trái. Nếu Trung Quốc tiếp tục thực hiện các chuyến bay tương tự, điều này có nghĩa là họ đã chà đạp lên tổ chức đang có tác dụng rất lớn trong điều phối hoạt động bay dân sự quốc tế.
- Các chuyến bay phi pháp của Trung Quốc có mức độ nguy hiểm của ra sao?
- Hành động của Trung Quốc có thể dẫn tới những vụ đụng độ của các chuyến bay dân sự, kéo theo hậu quả về thương vong. Đó là hiểm họa vô cùng lớn và tội ác nghiêm trọng đối với nhân loại.
Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ. Ảnh: Hồng Duy |
- Nhiều ý kiến quan ngại Trung Quốc không chỉ dừng ở việc bay thử phi cơ dân sự, mà còn có những động thái hung hăng hơn nữa như điều máy bay quân sự ra đường băng trái phép?
- Đây là nhận định hoàn toàn đúng. Việc Trung Quốc tuyên bố thử nghiệm phi cơ dân sự trên đường băng trái phép ở đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam chỉ nhằm "đánh lừa dư luận". Bởi đá Chữ Thập vốn là một thực thể nằm dưới mực nước biển khi thủy triều xuống và bị Bắc Kinh bồi lấp thành đảo nhân tạo rồi sau đó xây đường băng trái phép dài 3.000 m. Đá Chữ Thập mà họ chiếm của Việt Nam không thích hợp cho con người ở, cũng như chắc chắn không có đời sống kinh tế riêng.
Vì vậy, việc Trung Quốc tuyên bố xây dựng trái phép trên các đảo nhân tạo là để phục vụ hoạt động dân sự là hoàn toàn không chính xác. Mục đích thực sự là nhằm phục vụ hoạt động quân sự.
- Động thái này của Trung Quốc làm phức tạp tình hình Biển Đông ra sao?
- Trung Quốc muốn khống chế Biển Đông và dần độc chiếm hoàn toàn khu vực này, gây khó khăn cho an ninh hàng hải. Đây là mục tiêu cuối cùng của họ. Điều này trái ngược với những tuyên bố ngoại giao của Bắc Kinh.
Họ đang và sẽ tiếp tục thực hiện âm mưu quân sự hóa Biển Đông bất chấp cộng đồng quốc tế quan ngại và kêu gọi từ bỏ.
Trước tất cả những động thái của Trung Quốc trên Biển Đông thời gian qua, cộng đồng quốc tế không thể nào bị họ lừa bịp được nữa
- Việt Nam cần phản ứng như thế nào nếu Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế để tiếp tục đưa máy bay tới Trường Sa?
- Theo tôi, Việt Nam đã thực hiện mọi phản ứng đáp trả cần thiết về mặt ngoại giao. Tuy nhiên, về mặt kỹ thuật, tôi cho rằng Việt Nam cần cảnh báo cho Trung Quốc và cộng đồng quốc tế biết rằng hành động của họ có thể gây ra các tai nạn hàng không.