Mất tiền vẫn không được đi Nhật
Thời gian qua, Nhật Bản nổi lên như một thị trường hết sức tiềm năng trong việc tiếp nhận lao động nước ngoài sang làm việc. Riêng năm 2018, Việt Nam đã đưa 68.000 lao động sang Nhật làm việc ở hầu hết các ngành nghề. Nhiều nhất phải kể tới ngành xây dựng, dịch vụ, nông nghiệp, điều dưỡng. Từ chỗ xếp thứ 4-5, gần đây, Nhật Bản đã vươn lên thành thị trường trọng điểm, đứng thứ 2 trong số các thị trường XKLĐ và chỉ xếp sau Đài Loan.
Chính bởi sự tăng trưởng nhanh chóng, ổn định này mà thời gian qua, nhiều đối tượng cả trong và ngoài nước đã nắm được điểm yếu của người lao động là cần tiền, nhưng lại thiếu hiểu biết luật để lừa đảo, trục lợi.
Trên các diễn đàn mạng xã hội, người ta không khó để tìm thấy các dòng trạng thái đăng tải nhu cầu tìm lao động đi làm việc ở Nhật với mức lương từ 30-50 triệu đồng, đi làm không mất phí. Ban đầu, nhiều người vì tò mò nên chỉ có ý định tham khảo thì sau đó đã bị những kẻ cò mồi, dụ dỗ nghe theo.
Chị Nguyễn Thị N (Hoằng Đồng, Hoằng Hoá, Thanh Hoá) cho biết, vừa qua chị thấy trên facebook của Hội đồng hương Hoằng Đồng có người đăng tuyển lao động đi Nhật làm đầu bếp. Lương 33 triệu đồng/tháng không phải đóng một khoản phí nào. Tò mò nói chuyện thì được biết công ty này miễn 100% chi phí đi học còn xuất cảnh vẫn phải đóng. Tuy nhiên, chi phí để đi làm việc mất khoảng 150 triệu đồng. Thêm vào đó, mỗi lao động phải trả cho công ty 50 triệu đồng để đặt cọc.
“Nghe xong mình đã thấy có gì đó không ổn, liên hệ với mấy bạn cùng quan tâm trong nhóm thì được biết, có người đã nộp chục triệu đồng chờ làm hồ sơ đi học tiếng mà không được” - chị N nói. Không chỉ lừa đảo theo kiểu dụ dỗ lao động về việc sẽ có công việc lương cao, đi làm không mất phí mà gần đây còn xuất hiện tình trạng cò mồi quảng cáo đưa lao động đi làm việc ở Nhật bằng visa tị nạn không mất phí.
Cảnh báo về xin tị nạn để ở lại làm việc
Mới đây, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam đã phải ra lời cảnh báo về việc một số người môi giới XKLĐ có thể đã xúi giục với người lao động rằng “sau khi xin tị nạn 6 tháng thì có thể làm việc”.
Theo Đại sứ quán Nhật Bản, việc xin tị nạn là trường hợp người dân bị Chính phủ nước sở tại bức hại đến mức phải bỏ trốn đến Nhật Bản cầu xin sự bảo vệ của Chính phủ Nhật Bản. Trong khi đó, thực tập sinh kỹ năng nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ nước sở tại để đến Nhật Bản không thể là người tị nạn.
Kể từ tháng 1.2018, chế độ chứng nhận tị nạn đã được chấn chỉnh tại Nhật Bản. Trong trường hợp người xin chứng nhận tị nạn nhưng không thực sự là người tị nạn, đại sứ quán Nhật Bản thông báo: Họ không được phép làm việc, cư trú và có thể bị cưỡng chế về nước. Cũng theo Đại sứ quán Nhật Bản, cho tới nay chưa từng có thực tập sinh kỹ năng Việt Nam nào được chứng nhận là người tị nạn ở Nhật Bản.
Không chỉ lừa đảo bằng những hình thức trên mới đây cơ quan công an Việt Nam đã tiếp nhận đơn trình báo, tố cáo của một người Nhật Bản về việc ông này bị lợi dụng tham gia vào một đường dây lừa việc làm.
Theo đó, ông Komatsu Seiichi, quốc tịch Nhật Bản (địa chỉ: Nagano-ken, Matsumoto-shi, Takamiyakita 1-15; số hộ chiếu: TK7860218) đã tố cáo nhóm người giả danh có quen biết với các nghiệp đoàn và các công ty có nhu cầu tuyển dụng thực tập sinh Việt Nam rồi tạo các đơn hàng giả. Sau khi có đơn hàng giả, nhóm này tổ chức đoàn người Nhật trong vai các công ty tuyển dụng sang Việt Nam để phỏng vấn lao động, mục đích để nhận tiền môi giới của các công ty xuất khẩu lao động Việt Nam.
Trước đó, năm 2016 cũng đã xảy ra vụ việc lừa đảo đình đám. Công ty cổ phần Du lịch dịch vụ dầu khí Hải Phòng (OSC) đến Trường Cao đẳng Y Hải Phòng để phát tờ rơi, tư vấn đưa điều dưỡng đi Nhật Bản và thu phí trái phép 1 triệu đồng/người của hơn 50 sinh viên vụ việc chưa kịp lắng xuống, thì mới đây, hàng trăm lao động ở các tỉnh Tây Ninh, Bến Tre và TP.HCM lại phát hiện là nạn nhân của tình trạng lừa đảo XKLĐ.
Ngang nhiên tuyển chọn ứng viên là điều dưỡng và hộ lý sang Nhật Bản làm việc dù không được cấp giấy phép và không có chức năng, một số doanh nghiệp còn thu phí cao của thực tập sinh sang Nhật Bản làm việc. Rồi giữa các doanh nghiệp cũng xảy ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh, chộp giật người lao động.
Ông Tống Hải Nam - Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) cho biết: Khác với các nước tiếp nhận lao động khác, Nhật Bản không tiếp nhận lao động phổ thông mà tiếp nhận lao động dưới dạng thực tập sinh kỹ năng. Hơn 20 năm qua, đã có gần 100. 000 lao động Việt Nam sang tu nghiệp và thực tập kỹ năng tại Nhật Bản.
Tuy nhiên, cùng những kết quả đạt được, việc đưa thực tập sinh sang Nhật Bản làm việc đã bộc lộ những bất cập: “Trong hơn 20 năm triển khai vừa qua đã có một số vấn đề phát sinh. Đó là tình trạng tu nghiệp sinh Việt Nam vi phạm hợp đồng, bỏ trốn ở Nhật Bản trong những năm gần đây gia tăng. Đồng thời, bắt đầu xuất hiện tình trạng doanh nghiệp giảm các điều kiện hoặc nâng phí thu của người lao động để đưa thực tập sinh sang Nhật Bản” – ông Nam chia sẻ.
Để phát triển ổn định thị trường xuất khẩu lao động Nhật Bản, mới đây, Bộ LĐTBXH đã có cuộc họp với hơn 180 doanh nghiệp đưa thực tập sinh đi Nhật Bản, đồng thời xây dựng dự thảo đề án chấn chỉnh thị trường này. Một trong những giải pháp được Bộ nêu rõ là: Doanh nghiệp có tỷ lệ thực tập sinh tại Nhật Bản bỏ hợp đồng cao hơn 8% sẽ bị tạm đình chỉ hoạt động trong thời hạn 90 ngày để thực hiện các biện pháp chấn chỉnh. Nặng hơn có thể sẽ bị chấm dứt việc được phái cử tu nghiệp sinh sang Nhật Bản.
Ông Doãn Mậu Diệp - Thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết: “Cố gắng làm sao để các thông tin đến với các ứng viên muốn đi làm việc tại Nhật Bản nó phải minh bạch, làm sao để các ứng viên có thể tiếp cận được các thông tin một cách thuận tiện dễ dàng và đầy đủ nhất”.
“Khát” lao động càng làm tăng nạn lừa đảo
Theo nhận định của nhiều chuyên gia, hiện nay nhu cầu tiếp nhận lao động của các quốc gia trong đó có Nhật Bản đang ngày càng tăng. Lợi dụng thông tin này, nhiều kẻ lừa đảo đã tung chiêu để tuyển lao động. Mặc dù vậy, việc tuyển lao động không hề đơn giản bởi cung chưa đáp ứng hết cầu.
Cố gắng làm sao để các thông tin đến với các ứng viên muốn đi làm việc tại Nhật Bản nó phải minh bạch, làm sao để các ứng viên có thể tiếp cận được các thông tin một cách thuận tiện dễ dàng và đầy đủ nhất”
ông Doãn Mậu Diệp
Doanh nghiệp làm ăn chân chính bị ảnh hưởng
“Tình trạng lừa đảo lao động đang tác động xấu tới các doanh nghiệp XKLĐ, khiến cho doanh nghiệp khó hoạt động, lao động mất niềm tin. Chắc chắn không có bất cứ chương trình tuyển dụng lao động nào đi Nhật Bản được miễn phí 100%. Dù ít hay nhiều lao động đều phải trả phí”.
Ông Vũ Quang Hoàn - Giám đốc Công ty XKLĐ Laco
Tạo việc làm cho lao động khi về nước
“Ngoài chính sách hỗ trợ lao động đi làm việc ở nước ngoài như vay vốn, miễn phí tiền học tiếng… theo tôi chúng ta cần phải làm tốt hơn nữa khâu tạo việc làm cho lao động sau khi về nước. Hiện nay, tôi thấy có một số trung tâm lao động việc làm ở Hà Nội và các địa phương phụ cận cũng đã mở các phiên giao dịch việc làm cho lao động đi XKLĐ về nước, tuy nhiên số lượng là không nhiều. Đây thực sự là nguồn lao động rất dồi dào, có tay nghề, kỹ năng tốt, vì vậy cần phải được tái sử dụng cho thị trường lao động Việt Nam”.
Bà Nguyễn Thị Lan Hương - chuyên gia lao động việc làm
Khó tiếp cận nguồn tin chính thống
“Bản thân những người lao động như chúng tôi rất mong muốn được tiếp cận với những thông tin đi XKLĐ chính thức từ phía cơ quan Nhà nước. Tuy nhiên, việc tiếp cận thông tin khá khó khăn với chúng tôi bởi công việc bận rộn không có điều kiện đến tham gia các buổi truyền thông chính thống. Nếu có lên mạng thì thông tin cũng rất “nhiễu”. Chính bởi vậy, có nhiều người hàng xóm của tôi đã nghe theo lời của môi giới để đi xuất khẩu lao động. Cũng có người may mắn có một công việc tốt, một số người khác thì bị lừa. Thậm chí có người đi theo sự giới thiệu của anh em, họ hàng hoặc người quen cũng bị lừa. Chính bởi vậy tôi dù rất muốn cho con đi XKLĐ kiếm tiền cũng cảm thấy lo sợ”.
Chị Nguyễn Thị Lan (Hoằng Đồng Hoằng Hóa, Thanh Hóa)
Theo Nguyệt Tạ (Dân Việt)