Phó thủ tướng: Chọn lãnh đạo đặc khu theo quy trình chặt chẽ

06/06/2018 14:38:00

Ông Vương Đình Huệ cho hay, nói là đặc khu là có tính chất đặc biệt, nhiệm vụ đặc biệt "thì chắc cán bộ cũng phải đặc biệt".

Phó thủ tướng: Chọn lãnh đạo đặc khu theo quy trình chặt chẽ
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ trả lời chất vấn chiều 6/6. Ảnh: Hoàng Phong

Hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá 14 khép lại với hơn 2 giờ đăng đàn của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ.

Đây là lần đầu tiên ông Huệ thay mặt Thủ tướng trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Trước đó ở Chính phủ nhiệm kỳ khoá 13, ông từng “lên ghế nóng” với tư cách Bộ trưởng Tài chính.

Chọn lãnh đạo đặc khu theo quy trình chặt chẽ

Đại biểu Nguyễn Văn Thân đặt câu hỏi, nếu Quốc hội thông qua Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc, Chính phủ có tiêu chí nổi trội gì về việc chọn cán bộ, đặc biệt là chức danh chủ tịch?.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho hay, nói là đặc khu là có tính chất đặc biệt, nhiệm vụ đặc biệt "thì chắc cán bộ cũng phải đặc biệt".

Phó thủ tướng trả lời câu hỏi về lựa chọn cán bộ ở đặc khu kinh tế

Theo ông, trong dự luật cũng quy định lựa chọn người đứng đầu là Chủ tịch đặc khu với quy trình chặt chẽ theo hướng: Chủ tịch tỉnh giới thiệu, Bộ Nội vụ thẩm định, HĐND bầu và Thủ tướng phê chuẩn.

"Tôi nghĩ chắc chắn sẽ chọn được người đủ đức, đủ tài", Phó thủ tướng nói.

Cũng trả lời câu hỏi liên quan tới mô hình đặc khu kinh tế được đại biểu Nguyễn Anh Trí nêu lên, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nói, trên thế giới việc ra đời đặc khu là để hình thành nơi thử nghiệm thể chế, tạo ra cực tăng trưởng. Dự luật Đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt mà Quốc hội đang thảo luận dựa trên tính toán tổng thể lợi ích kinh tế, thu hút đầu tư, đảm bảo an ninh quốc phòng...

Giải đáp băn khoăn của đại biểu Trí "khi có đặc khu thì các vùng khác ra sao?", ông Huệ khẳng định, có hay không đặc khu thì Hà Nội, TP HCM vẫn là đầu tàu kinh tế cả nước; cùng với đó 7 khu kinh tế trọng điểm trên toàn quốc vẫn được quan tâm phát triển.

"Việc ra đời đặc khu không ảnh hưởng gì tới nguồn lực của Trung ương, địa phương tập trung cho phát triển 2 đầu tàu kinh tế và 7 khu kinh tế trọng điểm", Phó thủ tướng nói.

Chưa hài lòng với câu trả lời của ông Vương Đình Huệ, đại biểu Nguyễn Anh Trí nhắc lại câu hỏi: Xin Phó thủ tướng cho một vài phác thảo về phát triển kinh tế - xã hội tại Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc; mối quan hệ phát triển kinh tế 3 đặc khu này với an ninh quốc phòng, sự vẹn toàn lãnh thổ cả nước theo thời gian ra sao?

Trước câu hỏi của đại biểu, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhận xét, Quốc hội đang bàn Luật đơn vị hành chính kinh tế đặc  biệt, hiện chưa ban hành, để có câu trả lời đầy đủ vấn đề đại biểu nêu thì cần nghiên cứu chặt chẽ hơn. "Xin đại biểu cho phép Phó thủ tướng trả lời bằng văn bản", bà Ngân nói.

Lạm phát năm 2018 sẽ dưới 4%

Đại biểu Lê Thu Hà nêu thực trạng năm 2017 chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thấp dần cuối năm nhưng tháng 5/2018 lại tăng trở lại; CPI bình quân tăng 0,55% so với năm trước. "Cử tri lo lắng khả năng lạm phát tăng cao trong năm 2018, Chính phủ có giải pháp gì", bà Hà nêu câu hỏi.

Phó thủ tướng: Chọn lãnh đạo đặc khu theo quy trình chặt chẽ - 1
Đại biểu Lê Thu Hà, Uỷ ban đối ngoại của Quốc hội. Ảnh: QH

Giải thích về nguyên nhân CPI tăng trở lại, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nói vừa qua giá xăng dầu thế giới có lúc lên tới 88 USD một thùng, tăng 25-30%; giá thịt lợn hơi cũng tăng trở lại; riêng nhóm thực phẩm làm CPI tăng 0,25%; điều chỉnh giá xăng dầu theo giá thế giới 2 lần cũng đã tác động tới chỉ số giá tiêu dùng 0,16%. Tổng cộng xăng dầu, thịt lợn hơi đã tác động CPI tăng 0,45%.

Chính phủ đang chỉ đạo các cơ quan quản lý sử dụng Quỹ bình ổn giá để kìm giữ giá xăng dầu, không tăng mạnh như mức tăng giá thế giới. Cụ thể, giá xăng dầu thành phẩm thế giới đã tăng bình quân 25%, nhưng giá xăng trong nước mới điều chỉnh 9,3%.

Ngoài ra, năm 2018 sẽ không tăng giá điện, dù áp lực đầu vào tăng giá điện khoảng 4.600 tỷ đồng; việc điều chỉnh giá dịch vụ công do nhà nước quản lý, ví dụ y tế sẽ chờ tới cuối năm nếu thuận lợi, không thì để sang năm. Chính phủ cũng chỉ đạo sửa Thông tư 37 giảm 80 loại dịch vụ y tế và tăng đấu thầu giá thuốc, vật tư y tế... để giảm giá thuốc.

"Với nhiều giải pháp đồng bộ, chúng tôi tin CPI năm nay từ 3,72 - 3,94% là mức cao nhất nếu không có vấn đề đột xuất xảy ra", Phó thủ tướng khẳng định.

"Chống tham nhũng gay gắt có ảnh hưởng tới môi trường kinh doanh"?

Trả lời câu hỏi của đại biểu Giàng A Chu, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, đấu tranh chống tham nhũng vừa qua, nhất là năm 2017 đã đạt kết quả căn bản, được dư luận trong nước, quốc tế ủng hộ, đánh giá cao.

Ông kể, khi tham dự diễn đàn kinh tế tại Davos, quan chức các nước, lãnh đạo một số tập đoàn hỏi rằng, "đấu tranh chống tham nhũng gay gắt như vậy có ảnh hưởng tới môi trường đầu tư kinh doanh hay không?". Câu trả lời của Phó thủ tướng là: "Không!".

Phó thủ tướng trả lời chất vấn về phòng, chống tham nhũng

Ông nêu bằng chứng, năm 2017 Việt Nam "thắng lợi toàn diện cả về đấu tranh phòng chống tham nhũng và thực hiện các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô:".

Theo lãnh đạo Chính phủ, hiện nay cần làm 2 nhiệm vụ kép: một mặt tạo mô hình sản xuất mới, đổi mới mô hình tăng trưởng để có năng suất, chất lượng hiệu quả cao hơn và giải quyết nút thắt tồn tại trong nền kinh tế như đất đai, cổ phần hoá, tài chính ngân hàng, hải quan, công tác cán bộ…

Vừa qua Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt. Thanh tra Chính phủ vào cuộc, kết quả thanh tra đã báo cáo Quốc hội; cơ quan cảnh sát điều tra đã tiến hành khởi tố nhiều đối tượng liên quan tới vụ án tham nhũng, kinh tế.

"Thời gian tới Chính phủ nghiêm túc chấp hành chương trình công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về chống tham nhũng; kết hợp với cơ quan tư pháp, lập pháp và sự giám sát của Quốc hội đẩy mạnh hơn công cuộc đấu tranh chống tham nhũng", Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Phát biểu kết thúc 3 ngày chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay, đã có hơn 250 lượt đại biểu nêu câu hỏi và tranh luận. Việc đổi mới hình thức chất vấn "hỏi nhanh, đáp gọn" đạt kết quả tích cực, được đại biểu và cử tri hoan nghênh. Qua các phiên chất vấn cho thấy, những vấn đề Quốc hội chọn đều được dư luận quan tâm. "Nhìn chung không khí chất vấn diễn ra dân chủ, thẳng thắn và trách nhiệm", Chủ tịch Quốc hội đánh giá.

Dự án Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đã được Quốc hội thảo luận ở hội trường lần cuối vào ngày 23/5, dự kiến biểu quyết thông qua vào 15/6.

Theo Võ Hải - Hoài Thu (VnExpress.net)

Nổi bật