Bộ trưởng Công an đề xuất biện pháp điều tra đặc biệt đối với tội xâm hại trẻ em

05/06/2018 10:42:00

Ông Tô Lâm cho hay, trong 5 tháng đầu năm 2018 đã xảy ra 682 vụ xâm hại trẻ em, trong đó số lượng vụ xâm hại tình dục chiếm 84%.

Từ 10h30 sáng nay 5/6, Bộ trưởng Lao động Thương binh Xã hội đăng đàn trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Ông Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn về: Thực trạng thị trường lao động ở Việt Nam hiện nay, vấn đề giải quyết việc làm trong nước và đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng; các giải pháp nâng cao chất lượng dạy nghề; dạy nghề theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp và theo nhu cầu xã hội; công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em; giải pháp khắc phục tình trạng bạo hành và xâm hại trẻ em.

16h50

Quốc hội kết thúc chất vấn Bộ trưởng Lao động, thương binh & xã hội

Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Lao động, thương binh & xã hội Đào Ngọc Dung có 51 đại biểu đặt câu hỏi, 18 đại biểu tranh luận. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, thẳng thắn. 

15h50

Cần có quy trình điều tra đặc biệt đối với án xâm hại tình dục trẻ em

Tham gia giải trình về tình trạng xâm hại trẻ em, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho hay, chỉ riêng 5 tháng đầu năm 2018 đã xảy ra 682 vụ trong lĩnh vực này, số lượng vụ xâm hại tình dục chiếm 84%, giảm gần 8% so với cùng kỳ năm 2017.

"Diễn biến xâm hại tình dục trẻ em rất phức tạp, không chỉ trẻ em gái mà trẻ em trai cũng là nạn nhân. Tội phạm có cả người Việt Nam và đối tượng từ nước ngoài vào Việt Nam tập hợp trẻ để nuôi dưỡng rồi xâm hại tình dục", Thượng tướng Tô Lâm cho hay.

Theo ông, việc tố cáo tội phạm xâm hại trẻ em thường diễn ra chậm nên điều tra thu chứng cứ, dấu vết khó khăn; nhiều trường hợp nạn nhân cũng như người thân giấu thông tin khiến nhiều tội phạm thực hiện thời gian dài mới bị phát hiện; có những gia đình không hợp tác điều tra vì sợ ảnh hưởng tới tâm lý trẻ.

Mặt khác, Bộ trưởng Công an nêu vụ án xâm hại tình dục thường không có nhân chứng trực tiếp, nạn nhân nhỏ tuổi nên khai báo không chính xác, không thống nhất, hoặc khai theo hướng dẫn của cha mẹ nên khó khăn điều tra; đánh giá chứng cứ giữa các cơ quan tố tụng cũng chưa thống nhất.

Tuy nhiên, bên cạnh khó khăn, Bộ trưởng Lâm cho rằng hệ thống pháp luật hiện đã quy định chặt chẽ là một thuận lợi khi đấu tranh với loại tội phạm trên. Cụ thể, Bộ luật Hình sự 1999 quy định 5 tội về xâm hại tình dục, nhưng Bộ luật này sửa đổi năm 2015 quy định thành 6 tội rõ ràng.

Về phương hướng chỉ đạo hoạt động của lực lượng công an, ông Lâm nêu ra một số nhóm giải pháp như: tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thưc phòng chống xâm hại tình dục; chấn chỉnh công tác xử lý tin báo tố giác tội phạm;…

Bộ trưởng Công an cũng đề nghị có quy trình điều tra đặc biệt với loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em. Theo ông Lâm, Ủy ban Tư pháp sẽ đứng ra làm trọng tài, tạo điều kiện cho việc điều tra, truy tố, xét xử tội phạm trong lĩnh vực này theo quy trình đặc biệt chứ không thể theo trình tự thông thường.

15h10

Nút thắt trong mô hình đào tạo nhân lực 

Đại biểu Bùi Sỹ Lợi tranh luận về cơ cấu nguồn nhân lực. Ông không đồng tình với quan điểm Bộ trưởng Dung nêu bất hợp lý cơ cấu nguồn nhân lực do chuyển dịch nhân lực không đi đôi với chuyển dịch kinh tế và năng suất lao động thấp. 

Phó chủ nhiệm Uỷ ban về các vấn đề xã hội nhận xét, để khắc phục cơ cấu lao động bất hợp lý hiện nay, cơ bản là giải quyết quy mô đào tạo quá lớn song không theo nhu cầu. 

Cho rằng ý kiến của ông Lợi "hoàn toàn thoả đáng", Bộ trưởng Dung nói cơ cấu đào tạo nhân lực của Việt Nam hiện bất hợp lý. "Không có nước nào cơ cấu đào tạo là đại học 1; cao đẳng 0,35; trung cấp 0,38 và công nhân kỹ thuật 1,35. Chúng ta đang có mô hình đào tạo hình đáy to, nhưng bị thắt ở giữa. Trong khi mô hình đào tạo lý tưởng phải là hình khoai tây, nghĩa là lao động có tay nghề phải nhiều hơn", ông Dung nêu thực tế. 

15h00

"Nhiều vụ xâm hại trẻ em xử lý kéo dài, chưa nghiêm minh"

Vẫn tiếp mạch tranh luận về xâm hại trẻ em, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho biết cảm thấy xót xa khi tiếp cận và tìm hiểu một vụ xâm hại trẻ em xảy ra ở huyện Thủ Đức (TP HCM), tới nay chưa có cơ quan nào kết luận rõ ràng. "Không nên để những câu chuyện đau lòng này tiếp tục xảy ra. Không nên để các gia đình có con em bị xâm hại cảm thấy đơn độc", ông Nhưỡng nói và mong Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội cần có thái độ rõ ràng, kiên quyết hơn vấn đề này.

Bộ trưởng Công an đề xuất biện pháp điều tra đặc biệt đối với tội xâm hại trẻ em
Bộ trưởng Lao động Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung. Ảnh: QH

Tán thành cao ý kiến đại biểu Nhưỡng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung một lần nữa khẳng định, hệ thống pháp luật cơ bản đồng bộ, rõ trách nhiệm trong bảo vệ quyền lợi của trẻ em.

Theo Luật trẻ em, Bộ Công an hướng dẫn, tổ chức thực hiện các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn hành vi bạo lực, xâm hại tình dục, mua bán và tội phạm liên quan tới trẻ em; Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước; Bộ Lao động là cơ quan trực tiếp quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi trẻ em; UBND các cấp quản lý nhà nước ở địa phương về bảo vệ trẻ em...

Tuy nhiên, trưởng ngành lao động thừa nhận, thời gian qua một số vụ xử lý kéo dài, chưa nghiêm minh; nhiều vụ khi có ý kiến của lãnh đạo Đảng, Nhà nước thì mới tiến hành xử lý. "Các cơ quan quản lý cũng cần nhìn lại, đánh giá hoạt động của mình", ông Dung nói. 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng nhấn mạnh, Bộ này đã chủ động có ý kiến về hầu hết những vụ việc xâm hại trẻ em. "Nhiều vụ việc tôi trực tiếp báo cáo Chủ tịch nước, lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ có ý kiến", ông Dung chia sẻ.

Lấy ví dụ vụ việc Nguyễn Khắc Thuỷ xâm hại tình dục trẻ em ở Vũng Tàu, ông Dung cho hay, ngay khi kết thúc phiên xử, ông đã gọi điện trực tiếp trao đổi với Viện trưởng Kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Toà án nhân dân tối cao, nói rõ quan điểm "không đồng tình với kết quả xét xử cho bị cáo hưởng án treo, đề nghị 2 cơ quan tư pháp cần xem xét lại, và đã được ghi nhận". 

Hay vụ Minh béo sau khi mãn hạn tù liên quan tới xâm hại tình dục trẻ em, từ nước ngoài về nước, Minh béo vẫn tổ chức các hoạt động văn hoá nghệ thuật liên quan tới trẻ em. "Cá nhân tôi và Bộ Lao động cũng có ý kiến vấn đề này tới các cơ quan liên quan và được chấp nhận", ông Dung nhấn mạnh.  

14h50

5 năm, hơn 8.000 tội phạm xâm hại tình dục trẻ em đã bị xử lý

Viện trưởng Kiểm sát nhân dân tối cao giải trình trước Quốc hội

Viện trưởng Kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí nhận định xâm hại trẻ em là vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội. Ông cho hay, chỉ 6 tháng đầu năm 2018, cơ quan tố tụng đã khởi tố 701 vụ, truy tố 753 vụ với hơn 800 bị can, trong đó có 486 vụ đã xét xử với 490 bị can.

Theo ông Trí, để giải quyết vấn đề này cần quyết tâm của cả hệ thống chính trị với các giải pháp đồng bộ và tiếp hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan. 

“Chúng ta cũng phải giáo dục kỹ năng cho các em và toàn xã hội lên án hành vi xâm hại này”, ông Trí nói và cho biết, tháng 12/2017, Bộ Công an và Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ban hành thông tư liên tịch để phối hợp trong việc tiếp nhận tin báo tố giác hành vi phạm tội, đặc biệt tội xâm hại tình dục trẻ em.

Ngoài ra, Viện kiểm sát nhân dân tối cao cùng Toà án nhân dân tối cao xây dựng thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành Bộ luật Tố tụng hình sự về đối tượng tham gia tố tụng dưới 18 tuổi; dự kiến đầu quý III sẽ ban hành. “Đây là cơ sở pháp lý hướng dẫn việc điều tra, truy tố, khởi tố, xét xử loại tội phạm này”, ông Trí nói.

Bộ trưởng Công an đề xuất biện pháp điều tra đặc biệt đối với tội xâm hại trẻ em - 1
Chánh án Toà án nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình. Ảnh: QH

Giải trình sau đó, Chánh án tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu số liệu thống kê, giai đoạn 2013-2017, Tòa án đã giải quyết 8.100 tội phạm liên quan tới xâm hại tình dục trẻ em với 5 tội danh khác nhau theo quy định của Bộ luật Hình sự 1999. Tuy nhiên, có 549 vụ xâm hại tình dục trẻ em phải trả hồ sơ (chiếm 6%); số còn lại 93% vụ xét xử đúng người, đúng tội.

Theo Chánh án Bình, số vụ trả hồ sơ, hủy, sửa không nhiều nhưng đã gây bức xúc trong xã hội. “Đây là những vụ không khó trong xét xử nhưng khó trong điều tra bởi đa số các vụ việc chỉ truy xét, không có chứng cứ, xảy ra đã lâu. Gia đình nạn nhân không khai báo, thậm chí che giấu. Có những loại tội giám định nạn nhân là bắt buộc nhưng gia đình từ chối”, ông Bình nêu khó khăn.

Chánh án tối cao cho hay, một trong những vấn đề đặt ra của ngành là phải hạ tỷ lệ số vụ trả hồ sơ, điều tra bổ sung, sửa án. Để làm được điều đó, ngành Tòa án phải làm rất nhiều việc, về hướng dẫn nghiệp vụ, Tòa đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, xuất bản ba tập giải đáp về nghiệp vụ, giáo trình riêng tập huấn về xử lý tội xâm hại tình dục trẻ em.

Hiện mô hình tòa thân thiện dành cho các vụ án hôn nhân gia đình, xâm hại tình dục trẻ em cũng được xây dựng, đang đưa vào thực thi trên toàn quốc. Với những vụ án xâm hại tình dục thì xét xử kín, thậm chí không ra tòa, chỉ phỏng vấn qua micro để không ảnh hưởng tâm lý người liên quan.

Chánh án Toà án nhân dân tối cao giải trình trước Quốc hội

14h25

18.000 ngư dân sang Hàn Quốc lao động sau sự cố Formosa

Trước câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Man "vì sao thời gian qua Bộ dừng đưa người lao động đi xuất khẩu ở Hàn Quốc một số tỉnh?", Bộ trưởng Dung khẳng định "đây không phải chủ trương của chúng tôi". 

Ông Dung lý giải, nhiều địa phương có người đi xuất khẩu nhưng hết thời hạn hợp đồng đã trốn ở lại. Vì vậy phía Hàn Quốc không đồng ý tuyển dụng lao động từ những huyện của Việt Nam có số người trốn ở lại với tỷ lệ trên 30%. 

Trong tình hình khó khăn đó, Bộ đã cố gắng thuyết phục phía Hàn Quốc nhận lao động của Việt Nam. "Riêng thời gian xảy ra ảnh hưởng do sự cố môi trường Formosa, Bộ đã đàm phán với Hàn Quốc nhận lao động làm nghề đánh bắt xa bờ ở các huyện có sự cố", ông Dung nói.

Sau đó, đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng Bộ trưởng lấy minh chứng đưa người lao động ở khu vực ảnh hưởng sự cố Formosa đi xuất khẩu Hàn Quốc "như một thành tích", tuy nhiên trong tương lai, Bộ có chính sách gì để khuyến khích ngư dân bám biển, phát triển kinh tế và góp phần bảo vệ chủ quyền lãnh thổ?.

Bộ trưởng Dung cho hay đây là vấn đề một mình Bộ Lao động không làm được. "Chúng tôi đã cố gắng trong khả năng tình thế, cố gắng đưa 18.000 lao động ở 4 tỉnh bị ảnh hưởng đi lao động ở nước ngoài. Đây không phải giải pháp lâu dài mà lâu dài phải ổn định công ăn việc làm cho người dân", ông Dung giãi bày.

Tư lệnh ngành lao động còn thông tin, sau kỳ họp này, Bộ Lao động sẽ bàn với Bộ Nông nghiệp về chiến lược biển với những vấn đề cụ thể liên quan đến nghề biển, tàu đánh cá…

14h20

Tình trạng xâm hại tình dục trẻ em đang gia tăng

Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp tranh luận với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung về vấn đề bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em đang gây bức xúc dư luận. "Số liệu Bộ trưởng đưa ra là 2.000 vụ bạo hành mỗi năm, nhưng riêng các cơ quan tư pháp báo cáo xâm hại tình dục mỗi năm đã là 1.500 vụ rồi", bà Nga nói và đề nghị Bộ trưởng trả lời kỹ hơn, đưa ra giải pháp mạnh mẽ chặn đứng tình trạng này. 

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp cũng đề nghị Bộ trưởng Công an, Viện trưởng kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án TAND tối cao đưa ra giải pháp để giải quyết bế tắc trong việc chứng minh tội phạm xâm hại trẻ em.

Cùng mạch ý kiến trên, ông Nguyễn Quang Tuấn lo ngại tình trạng xâm hại tình dục trẻ em đang gia tăng và ngày càng nguy hiểm, trầm trọng; 5 tháng đầu năm 2018 đã có 572 vụ xâm hại tình dục trẻ em, trong đó 562 trẻ bị xâm hại. Về nguyên nhân, 6% liên quan đến hàng xóm, người quen; 21% liên quan đến người thân trong gia đình.

"Giải pháp căn cơ, quyết liệt nào để ngăn chặn tình trạng hết sức đau lòng này?", ông Tuấn đặt câu hỏi hướng về phía Bộ trưởng Đào Ngọc Dung. 

Bộ trưởng Công an đề xuất biện pháp điều tra đặc biệt đối với tội xâm hại trẻ em - 2
Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội. Ảnh: Q.H

Nhìn nhận câu hỏi của đại biểu "rất sâu sắc",  ông Dung nói, cần phân loại đối tượng để cơ quan quản lý có giải pháp kiểm soát. Theo ông Dung, hiện 59% xâm hại trẻ em là người thân, quen. Vì thế, đây là diện cần quan tâm nhiều hơn để ngăn chặn tình trạng này.

Về giải pháp, ông Dung cho rằng, trước hết cần tăng cường quản lý nhà nước; tập trung phổ biến pháp luật; tăng cường tuyên truyền, giáo dục trong gia đình. Ông Dung nhấn mạnh, cần sự thay đổi, tăng cường trách nhiệm của "ông bố, bà mẹ, anh chị em trong gia đình, nhà trường".

Các cơ quan chức năng cũng cần phối hợp chặt chẽ trong thực thi pháp luật để bảo vệ quyền trẻ em; tập trung xử lý các vụ việc một cách nghiêm minh, kịp thời. "Thời gian qua việc này còn tồn tại nhất định", Bộ trưởng Dung thừa nhận và cho biết, Chính phủ sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc về tăng cường biện pháp chống xâm hại trẻ em ngay trong tháng 6 này. 

Câu trả lời và giải pháp Bộ trưởng Dung nêu chưa làm hài lòng đại biểu Nguyễn Quang Tuấn. Bấm nút tranh luận, ông Tuấn nói, đây là hành vi tội phạm đặc biệt, khó phát hiện.

"Bằng chứng mất dần qua thời gian, mà thời gian ở đây tính theo giờ, ngày chứ không phải theo tháng, năm. Do đó, việc tiếp cận tin báo, xử lý tố cáo phải làm nhanh, mạnh mẽ. Đối tượng bị hại - trẻ em khi bị xâm hại thường hoảng loạn, khó lấy lời khai. Ngoài ra, nhận thức của các cơ quan tố tụng khác nhau, chưa đảm bảo quyền lợi trẻ em", ông Tuấn nêu. 

Liên quan vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Bộ trưởng Công an, Viện trưởng Kiểm soát nhân dân tối cao, Chánh án toà án nhân dân tối cao tham gia giải trình thêm. 

14h00

Xem xét để doanh nghiệp tiếp cận Quỹ bảo hiểm thất nghiệp

Quốc hội tiếp tục phiên làm việc buổi chiều, chất vấn Bộ trưởng Lao động, Thương binh & Xã hội Đào Ngọc Dung. 

Đại biểu Trương Thị Bích Hạnh hỏi giải pháp để doanh nghiệp tiếp cận được nguồn lực từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp nhằm đảm bảo việc làm ổn định cho người lao động?

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Dung cho biết, hiện Quỹ bảo hiểm thất nghiệp kết dư 67.000 tỷ đồng. 10 năm qua quỹ này đã hỗ trợ 3,6 triệu lượt người thất nghiệp; 3,2 nghìn người học nghề.

Doanh nghiệp muốn được hỗ trợ từ quỹ này thì phải đảm bảo 3 điều kiện: đất nước suy giảm kinh tế, thay đổi cơ cấu doanh nghiệp, lý do bất khả kháng.

Ông Dung nói, tới đây Bộ sẽ đề xuất Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho giảm nhẹ các điều kiện để doanh nghiệp có thể cận được vốn từ quỹ này. Bộ cũng sẽ hoàn thiện chính sách bảo hiểm xã hội, nhất là bảo hiểm thất nghiệp để hỗ trợ doanh nghiệp theo thông lệ các nước đang áp dụng.

11h30

Phiên chất vấn Bộ trưởng Lao động Thương binh Xã hội Đào Ngọc Dung kết thúc lúc 11h30 sáng nay và ông sẽ tiếp tục đăng đàn trong buổi chiều.

11h25

Tỷ lệ lao động bỏ ra ngoài, trốn ở lại khi xuất khẩu lao động cao

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy chất vấn về thực trạng người Việt Nam đi xuất khẩu lao động có tỷ lệ bỏ trốn ra ngoài cao. "Bộ trưởng có giải pháp gì cho vấn đề này?", bà Thuý hỏi.

Đại biểu Huỳnh Cao Nhất thì cho rằng, thời gian làm việc quá dài trong khi mức lương thấp không đủ trang trải cuộc sống ở nước sở tại khiến người lao động bỏ trốn ra ngoài làm việc. 

Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là chủ trương của Nhà nước, với mục tiêu một triệu thanh niên, người lao động được đi làm việc, học tập ở nước ngoài.

Số liệu thống kê hiện có khoảng 500.000 lao động xuất khẩu ra nước ngoài, trong đó năm 2017 có 134.000 người.

Bộ trưởng Công an đề xuất biện pháp điều tra đặc biệt đối với tội xâm hại trẻ em - 3
Bộ trưởng Lao động Đào Ngọc Dung. Ảnh: QH

Một số thị trường xuất khẩu lao động chính của Việt Nam là Hàn Quốc, Nhật Bản... Song gần đây bị gián đoạn do xảy ra hiện tượng người lao động trốn ở lại sau khi hết hợp đồng lao động, hoặc bỏ ra ngoài làm việc... Hàn Quốc là thị trường lao động có tỷ lệ bỏ trốn, kết thúc hợp đồng không về nước cao nhất, với tỷ lệ khoảng 55%. Vì lý do này Hàn Quốc đã không ký biên bản ghi nhớ nhận lao động xuất khẩu từ Việt Nam trong 4 năm.

Sau 3 năm kiên trì khắc phục, tỷ lệ này tại thị trường Hàn Quốc giảm còn 35% và phía Hàn Quốc đã đề nghị ký lại biên bản ghi nhớ xuất khẩu lao động. "Với trách nhiệm quản lý của Bộ, chúng tôi sẽ tăng cường rà soát, kiểm tra để giảm hơn tình trạng này", ông Dung hứa.

Với doanh nghiệp xuất khẩu lao động, Bộ trưởng Dung nói, quan điểm là tạo điều kiện quan tâm tối đa cho người lao động, doanh nghiệp đi sâu vào các thị trường. Ông cũng thừa nhận có thực tế "loạn thu phí, cò mồi, trốn trách nhiệm từ phía doanh nghiệp xuất khẩu lao động" như đại biểu nêu. "Bộ sẽ chấn chỉnh một bước các vấn đề này", Bộ trưởng Lao động khẳng định.

Ông cũng cho biết, qua thanh tra 51 doanh nghiệp đã phát hiện sai phạm, xử phạt hành chính hơn 3 tỷ đồng, thu hồi giấy phép hoạt động 5 doanh nghiệp, đình chỉ tạm thời 25 đơn vị. Trong số này có doanh nghiệp hoạt động 20 năm cũng bị đình chỉ, thu giấy phép.

11h20

"Không có chuyện lao động sau 35 tuổi ở doanh nghiệp FDI bị sa thải hàng loạt"

Đại biểu Phùng Thị Thường nêu chất vấn về giải pháp bảo vệ quyền lợi cho người lao động khu vực FDI trước xu hướng thất nghiệp sau 35 tuổi tại khu vực này gia tăng, nhất là lao động nữ.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, doanh nghiệp FDI thời gian qua có vai trò quan trọng, đóng góp lớn về kinh tế. "2,68 triệu người làm việc ở khu vực này, phần đa doanh nghiệp FDI lớn đều quan tâm tới phúc lợi lao động, xảy ra sự cố chỉ ở doanh nghiệp nhỏ", Bộ trưởng Lao động nói.

Ông Dung cho biết thêm, bình quân thu nhập ở các doanh nghiệp FDI là 5,5 triệu đồng mỗi người; vừa qua Thủ tướng đã đối thoại với công nhân, doanh nghiệp FDI.

"Thời gian gần đây có nhiều ý kiến nói lao động sau 35 tuổi ở khu vực này có tỷ lệ bị sa thải cao. Có nghiên cứu còn đưa ra tỷ lệ bị sa thải ở độ tuổi lao động này lên tới 80%. Số liệu này không đúng", ông Dung khẳng định. 

Theo ông, qua kiểm tra thực tiễn một số tỉnh: Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, TP HCM…chỉ có 11% lượng lao động ở độ tuổi này mất việc, mà trong đó có cả số xin nghỉ việc, nghỉ một lần…"Tính ra thì chỉ có khoảng 1,9% số lao động ở độ tuổi ngoài 35 bị sa thải", ông Dung nói.

Bộ trưởng Lao động cho chia sẻ, cách đây một tuần ông trực tiếp tới công ty SamSung (Thái Nguyên). "Họ bỏ tiền ra đào tạo gần 2.000 người học cao đẳng. Một số người sau đào tạo, nâng cao tay nghề được tăng lương. Trước ý kiến đại biểu, chúng tôi tiếp thu và sẽ có giải pháp chăm lo hơn nữa cho người lao động", Bộ trưởng Dung nói.

11h00

Việt Nam đủ khung pháp lý xử lý hành vi xâm hại trẻ em

Đại biểu Nguyễn Tạo lo lắng trước tình trạng bạo lực, xâm hại trẻ em ngày càng tăng. "Với trách nhiệm của mình, Bộ trưởng có giải pháp như thế nào?", ông Tạo hỏi.

Dẫn số liệu thống kê về tình hình bạo lực trên thế giới, ông Đào Ngọc Dung cho hay, bình quân mỗi năm khoảng 150 triệu em bị bạo lực, trong đó 73 triệu là trẻ trai. Khu vực châu Á Thái Bình Dương là nơi có tỷ lệ bạo lực lớn nhất. 

Ở Việt Nam bình quân mỗi năm có 2.000 trường hợp bạo lực, xâm hại trẻ em, tuy nhiên thực tế có thể cao hơn do nhiều trường hợp không có thông tin. 

Bộ trưởng Lao động trả lời chất vấn về tình trạng xâm hại trẻ em

Ông Dung khẳng định, Việt Nam có đủ khung pháp lý để xử lý tình trạng trên, quy định trong Luật trẻ em và các Nghị định liên quan đã phân công rõ trách nhiệm từng ngành, địa phương. "Chúng ta có nhiều giải pháp, như tuyên truyền vận động, đường dây nóng, xử nghiêm một số vụ nổi cộm, trực tiếp lãnh đạo Chính phủ có ý kiến chỉ đạo và với trách nhiệm quản lý nhà nước, Bộ Lao động đã trực tiếp theo dõi, đôn đốc xử lý", ông Dung nói.

Tuy nhiên lãnh đạo ngành lao động thừa nhận, gần đây xảy ra một số vụ việc xâm hại trẻ em phức tạp, gây bức xúc xã hội và dư luận lên án hành vi này.

Giải pháp thời gian tới, Bộ trưởng Lao động nói, sẽ rà soát hệ thống pháp luật, cụ thể hoá trách nhiệm của ngành, đề cao trách nhiệm gia đình, nhà trường trong phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em. 

Nhiều đại biểu chưa yên tâm với câu trả lời của Bộ trưởng Lao động. Giơ biển tranh luận, bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp nói, trong số 2.000 vụ xâm hại, bạo hành trẻ em mỗi năm có 1.500 vụ xâm hại tình dục trẻ em. Do vậy, bà Nga muốn biết giải pháp mạnh mẽ của ngành lao động để "chặn đứng tình trạng này". Bà cũng hỏi đại diện ngành công an, cơ quan tư pháp, "có khó khăn gì trong chứng minh vấn đề xâm hại trẻ em?".

10h50

Tập trung giải quyết việc làm cho hơn 200.000 sinh viên ra trường thất nghiệp

Ông Đào Ngọc Dung cho biết, ngành lao động sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tập trung xử lý, giải quyết việc làm cho hơn 200.000 sinh viên ra trường đang thất nghiệp; tập trung đào tạo cho các lao động đang có việc làm nhưng đứng trước nguy cơ sa thải, đơn cử lao động trong lĩnh vực giày da. 

Cùng với đó, Bộ sẽ rà soát, tổ chức lại 1.954 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cùng với địa phương sắp xếp giảm 325 trường cao đẳng, 328 cơ sở giáo dục nghề nghiệp cấp huyện trên nguyên tắc tích hợp, sáp nhập. "Những trường nào không tuyển sinh được trong ba năm qua có thể xem xét đóng cửa", ông Dung khẳng định. 

10h40

Chọn khâu đột phá về chất lượng giáo dục nghề nghiệp

Đại biểu Trần Văn Hằng nêu chất vấn về nguồn nhân lực và vì sao Bộ Lao động chọn năm 2018 là năm mở đầu đột phá chất lượng giáo dục nghề nghiệp?

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, nguồn nhân lực góp vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội. Chất lượng nguồn nhân lực thấp cũng là nguyên nhân khiến năng suất lao động thấp. Trogn khi đó, cơ cấu đào tạo nghề còn bất hợp lý. Chất lượng đào tạo chưa đáp ứng các yêu cầu về kỹ năng, thu nhập... Do đó, Bộ đưa giáo dục nghề nghiệp là ưu tiên hàng đầu, qua đó để góp phần chuyển dịch, nâng cao năng suất lao động. 

Ba vấn đề Bộ Lao động quan tâm gồm: quy hoạch lại toàn bộ mạng lưới, chuyển mạnh sang tự chủ và kết nối doanh nghiệp - nhà trường. Đây là chủ trương mà nhiều quốc gia đã áp dụng thành công, như Đức, Singapore, Nhật Bản... Từ năm 2018, Bộ Lao động liên kết với 15 trường và đào tạo theo đơn đặt hàng, gắn với thị trường.

Theo VnExpress.net

Nổi bật