Trụ trì uống rượu tây, nhắm tiết canh “là phóng dật, buông thả, không phải tu”…

02/12/2015 07:06:41

Liên quan đến loạt phóng sự về sư trụ trì uống rượu tây, nhắm tiết canh gây chấn động dư luận, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Đại lão hòa thượng Thích Phổ Tuệ - Đức Pháp chủ Đệ tam của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Liên quan đến loạt phóng sự về sư trụ trì uống rượu tây, nhắm tiết canh gây chấn động dư luận, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Đại lão hòa thượng Thích Phổ Tuệ - Đức Pháp chủ Đệ tam của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

-Tôi thấy đấy là loại phóng dật, buông thả, sống buông thả theo thế gian chứ không phải tu. Tu là gì? Là sửa chữa những tai hại, sai lầm cho mình và cho người. Những điều ấy (ăn tiết canh, uống rượu tây, sống xa hoa) trong đạo Phật dạy là không nên. Theo chân lý của đạo Phật, làm như thế thì sai. Theo đạo Phật, tức là phải từ bi, không làm những chuyện hại người, lợi mình.

Đường lối của Đức Phật vẫn là đường lối riêng, không xa xỉ, vì xa xỉ sẽ làm tổn hại. Phóng dật, buông thả là không nên. Nhà chùa chúng tôi ăn chay là như thế này: Quan niệm thịt các loài vật với thịt mình thì cũng là thịt thôi. Trong sách có câu: “Ngã nhục chúng sinh nhục. Danh thù thể bất thù” (thịt tôi, thịt chúng sinh, tên khác nhưng cùng thể).

Ăn chay, nói đến chuyện bắt buộc hay không thì đức Phật không bắt. Nhưng chỉ đánh dấu hỏi rằng: Thịt mình mà người khác ăn thì có cho không? Thái thịt mình ra cho người khác ăn, mình có đồng ý không?
 

Đại lão hòa thượng Thích Phổ Tuệ - Đức Pháp chủ Đệ tam của Giáo hội Phật giáo Việt Nam


-Là một người tu hành dù là thời xưa hay thời mới thì có được ăn thịt không ạ?

-Chuyện ăn thịt là tu về phái Tiểu thừa, mà khi rơi vào hoàn cảnh miễn cưỡng, không có gì ăn khác, thì mới ăn. Ví như, vào cái xứ người ta chỉ ăn thịt thôi, vào đấy hóa độ, người ta ăn thịt, và, cũng không vì mình mà người ta giết các con vật, người ta thấy ai ăn được thì người ta cũng thết như thế - thì được.

Nhưng với cá nhân mình, nếu có tâm từ bi rộng lượng hơn, thì thịt nó với thịt mình cũng là thịt, chỉ khác cái hình thể thôi. Khổ não người ta cắt tiết nó, vặt lông nó, thái nó, băm nó rồi cho mình ăn. Thì nó khổ đau như thế nào, còn mình thì sướng mồm như thế nào. Thế thì, cái việc ăn thịt lúc đó là cái bất đắc dĩ mà thôi. Mình không muốn cho ai ăn thịt mình, sao mình lại ăn thịt nó! Họ đã làm sai với giáo lý nhà Phật, người ta đang tự “tạo nghiệp”

-Thưa, quý thầy có thể cho biết, quý thầy nghĩ thế nào khi chúng tôi phỏng vấn một số vị sư trụ trì ở miền Bắc nói rằng, họ có thể ăn tiết canh, một ngày có thể uống hết một lít rượu? Họ làm thế là đúng hay sai với giáo lý nhà Phật?

-Sai với giáo lý. Sai ở chỗ này: Lòng từ bi của đức Phật. Từ là đem lại cho người ta những sự vui vẻ, bi là giúp cho người ta tránh những khổ não. Thế mà mình cắt tiết gà, rồi mình mổ cá thì thế là đúng hay sai, có từ bi không? Khi họ cho họ cái quyền sống buông thả thì họ làm thế nào cũng được. Đã bước vào một hoàn cảnh của một giáo chủ đã viết ra một pho sách mà đã có tên là một tôn giáo thì phải - như tôi nghĩ – phải tuân thủ. Ở đây là, theo đạo Phật, phải theo tôn chỉ của đạo Phật.

-Vậy, bây giờ ai là người sẽ đứng ra nắn chỉnh điều đó, thưa quý thầy?

-Kinh sách của nhà Phật.

-Vâng, kinh sách nhà Phật đã dạy như vậy, nhưng lại có những người không tuân theo - như chúng ta đều thấy, phải làm sao ạ?

-Thì sai phạm, thì họ sai trái với kinh sách nhà Phật. Hiện tại không ai bắt được họ, nhưng sau này thì quả báo. Đã có tất cả những giáo lý Phật dạy cho rồi, chống lại, sẽ có những báo chướng. Hiện tại không có, sau khi nhắm mắt sẽ có, tin hay không tin - tự họ thôi. Chấn chỉnh - thực tế không gì bằng luật nhân - quả Phật dạy. Nhưng mà người ta cứ làm, đấy là người ta tạo nghiệp.

-Dạ thưa, chúng tôi và nhiều độc giả đã và đang gửi phản hồi đến báo, có lẽ, nếu không gặp quý thầy mà chỉ gặp, chỉ nghe những vị sư nói về “ăn tiết canh, uống rượu tây”, chúng tôi e rằng ai đó sẽ tin sư ăn tiết canh uống rượu là hợp lẽ thời mới?

-Đấy là họ chỉ mượn chùa làm nơi để sống thôi, chứ còn đạo Phật có kinh, có luật, lại có những bài luận để tìm ra chân lý. Kinh, luật để kiểm thúc con người, giáo dục con người đi vào khuôn khổ. Kinh dạy đường lối tu theo, luật để con người sống có quy luật, luận - giáo lý bàn ra lẽ phải, lẽ đúng, mà không phải chỉ đúng với mình, còn là phải đúng với chân lý của cả thế gian. Cho nên, người ta mới ca ngợi rằng luật thì nghiêm, luận thì sáng suốt, kinh thì thẳng thắn để đưa người tiến hóa.

-Xin cảm ơn những chia sẻ Đức pháp chủ!
 
Cuộc trò chuyện với Đại lão hòa thượng Thích Phổ Tuệ - Đức Pháp chủ Đệ tam của Giáo hội Phật giáo Việt Nam
 

Sư Thích Thanh Mão


Cũng trong các cuộc trao đổi cùng nhiều cơ quan chức năng liên quan khác, chúng tôi đã nghe họ tiết lộ thêm nhiều thông tin gây sốc về hai sư trụ trì, đặc biệt là trụ trì Thích Thanh Mão

Ông Nguyễn Đông Bình, Chủ tịch UBND xã Mễ Sở, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên: HĐND xã đã chất vấn sư Thích Thanh Mão về nhiều chuyện “nóng”

“Cách ứng xử của ông Mão đã không đúng với một nhà tu hành. Sư gì mà đi ăn sáng, uống rượu còn hơn cả thanh niên. Nhiều lúc chúng tôi tôn trọng ông ấy, mời ra họp, nhưng ông ấy có ra đâu. Khi chưa làm Chủ tịch xã, tôi là Phó Chủ tịch HĐND xã, chúng tôi cũng chất vấn ông ấy rồi.

Ví dụ, khi ấy còn có một tiểu là người nữ ở trong chùa (với dư luận ầm ĩ về quan hệ nam nữ), thì tôi hỏi: Xin hỏi nhà chùa về Phật pháp, trụ trì ở chùa Phú Thị mình là nam giới, nếu là sư nam thì tiểu cũng phải là nam, phải không ạ? Như tình trạng chùa hiện nay, thế có được không ạ ? Sư Thích Thanh Mão bảo "cái này cái kia...", rồi lảng đi không trả lời tôi.

Ông T. - cán bộ văn hóa xã Mễ Sở trả lời phóng viên tại trụ sở ủy ban - cho biết: “Ông này (sư trụ trì Thích Thanh Mão) rượu chè ghê lắm. Nói chuyện đàn bà thì không còn từ nào… Cứ văng "con này, con nọ". Có một năm, đêm 30 Tết, cán bộ xã chúng tôi ra các chùa chúc Tết, tôi ra chùa Phú Thị, ra đến nơi thấy 4 nồi lẩu, thanh niên đầy chùa. Vừa ra, ông ấy đã cầm luôn ca rượu bảo, chúc sức khỏe các bác...

Khi họp cấp ủy hội đồng thôn, tôi còn chất vấn ông ấy tại sao: Một là, đưa người về địa phương không báo cáo thôn, hai nữa, bà ấy là nữ mà ông lại ngủ chung? Ông ấy nói, ngủ 1 phòng nhưng… chia làm 2 gian. Đến khi, ông trưởng thôn mới lên gây áp lực nhiều, sư nữ kia (tên là H.) mới về chùa của mình”.
 

Bệ thờ trong chùa được sư Thích Thanh Mão dùng để phơi phóng


Nhà sư Thích Thanh Hiện, Ủy viên HĐTS TƯ GHPG Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hưng Yên:

“Chúng tôi cần bằng chứng cụ thể”

Liên quan nhà sư Thích Thanh Mão, trụ trì chùa Phú Thị ở huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên thừa nhận mình ăn tiết canh, uống rượu rồi làm nhiều điều gây bức xúc dư luận, chúng tôi đã liên lạc qua điện thoại với nhà sư Thích Thanh Hiện, Ủy viên HĐTS TƯ GHPG Việt Nam, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hưng Yên. Sư Thích Thanh Hiện cho biết: “Tôi chưa nghe thấy gì cả. Nhưng các sư có luật của Phật, có nội quy của Giáo hội, cái gì vi phạm thì sẽ xử lý. Ai vi phạm điều gì thì xử lý cái đó.

Các vi phạm đó của nhà sư (nếu có như nhà báo nói) thì không được, nhưng chúng tôi cần bằng chứng cụ thể. Về việc vi phạm giới luật, người ta kêu ca - có thể nó có thật hoặc không có thật, do người ta không thích vị sư ấy, người ta kêu ca. Buộc tội người ta phải có bằng chứng. Và nếu có ai (người tu hành nào) vi phạm giới luật của Phật, tội nhẹ là cảnh cáo, tội nặng thì kỷ luật...”.

Ban quản lý di tích Hưng Yên từng không vào chùa được

Trước đó, trả lời nhóm PV báo Lao Động, Trưởng Ban Quản lý di tích tỉnh Hưng Yên, bà Lương Thị Khánh Hiền, cho biết: Ban có nhận được thông tin về “vấn đề nóng” của các vị sư trên xã Mễ Sở và họ đã từng về kiểm tra. Chuyện mất tượng Phật họ cũng có nghe và muốn xác minh thêm. Nhưng về đến nơi, chùa đóng cửa, không vào được. Việc xây cất “như lô cốt” ở Di tích Quốc gia chùa Nhạn Tháp là không có giấy phép theo đúng quy định của Luật Di sản, họ sẽ kiểm tra các thông tin Lao Động phản ánh và có hồi âm sớm.
 
>> Lý luận kiểu “hàng tôm hàng cá” của sư trụ trì "ngày nào cũng say"
 
Theo Nhóm PV (Lao Động)

Nổi bật