Chỉ đến chùa Trăm Gian chữa bệnh một lần và không quay lại
Trao đổi với PV, Ni sư Thích Đàm Khoa, trụ trì chùa Trăm Gian (Tiên Phương, Chương Mỹ, Hà Nội) cho biết, vào tháng 4/2011, ông Võ Hoàng Yên cùng đoàn có về tại chùa khám chữa bệnh cho một số người dân từ các nơi đến.
"Khi đó, không phải chúng tôi mời về mà do một nữ phật tử tên N. ở Hà Nội đưa ông Yên cùng đoàn đi đâu đó nhưng biết chùa có phòng khám từ thiện nên ghé qua để thăm, khám cho mọi người.
Họ cũng không đặt vấn đề mượn địa điểm phòng khám mà chỉ ở đó khám, chữa trong một buổi rồi lại đi luôn", Ni sư Khoa nói.
Ni sư Khoa cho hay, thời điểm đó, do ông Yên cùng đoàn về khám có một buổi nên lượng người đến khám, chữa không phải quá đông và việc khám chữa do họ thực hiện nên nhà chùa không ghi, lưu danh sách bệnh nhân.
"Kết quả khám, chữa cho bệnh nhân lúc đó như thế nào tôi cũng không rõ và không hỏi lại những người được chữa nhưng tôi thấy, họ chỉ về khám, chữa có một lần thì cũng khó có thể nói tốt", Ni sư Khoa bày tỏ.
Đối với việc ông Yên khi đó, có đưa ra giấy tờ gì chứng nhận về việc khám, chữa bệnh của mình không, trụ trì chùa Trăm Gian nói, do phật tử đưa về và chỉ thực hiện trong một buổi nên bà không nắm rõ.
Trụ trì chùa Trăm Gian cũng khẳng định, sau lần về khám chữa năm 2011, ông Võ Hoàng Yên chưa lần nào trở lại khám, chữa bệnh cho người dân tại đây.
Bà Nguyễn Thị Minh, Phó Chủ tịch UBND xã Tiên Phương sau khi kiểm tra thông tin cũng cho biết, ông Võ Hoàng Yên chỉ về một lần duy nhất khám chữa bệnh tại chùa Trăm Gian vào năm 2011 và sau đó không quay lại.
Lãnh đạo xã cũng xác nhận, việc ông Yên về chùa thời điểm đó là do một số phật tử ở nơi khác đưa về chứ không phải do sư trụ trì mời.
Không đầy đủ theo các kinh điển mà chủ yếu dựa vào kinh nghiệm dân gian
Liên quan việc điều trị bệnh của Võ Hoàng Yên, trao đổi với PV, thầy thuốc nhân dân, bác sĩ Trần Văn Bản, nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cho hay, thời gian, ông Yên được kết nạp vào Hội Đông y tỉnh Hà Tĩnh và cấp đất, mở trung tâm chữa bệnh, ông có được tỉnh mời vào để theo dõi, xin ý kiến.
Khi đó, ông Bản có trao đổi, đề nghị Sở Y tế và Hội Đông y tỉnh Hà Tĩnh cùng phối hợp theo dõi và có đánh giá cụ thể về kết quả phương pháp chữa bệnh của ông Yên để quyết định cụ thể.
Sau đó, theo ông Bản, do nhiều lý do, ông Yên đã dừng hoạt động trung tâm khám chữa bệnh, trả đất lại cho Hà Tĩnh.
Đối với phương pháp của ông Yên, bác sĩ Bản nói, qua theo dõi việc biểu diễn, chữa cho một vài ca khi còn ở trung tâm tại Hà Tĩnh, ông thấy, phương pháp ông Yên thực hiện 'không đầy đủ theo các kinh điển mà chủ yếu dựa vào kinh nghiệm dân gian'.
"Trong Đông y, phương pháp gọi là Án ma thái yếu rất rộng gồm cả xoa bóp, bấm, huyệt, kéo nắn...
Đối với ông Yên khi chữa các bệnh nhân câm thường dùng cách rút lưỡi hay vỗ vào tai đối với người điếc cũng có trong Án ma thái yếu của Đông y nhưng để nói đúng trong kinh điển thì không hoàn toàn.
Bởi, có những thủ thuật chỉ cần làm bình thường nhưng ông Yên lại làm rất thô bạo, gây đau mạnh cho bệnh nhân", ông Bản nói.
Nguyên Chủ tịch Hội Đông y Việt Nam cũng nêu rõ, ông chưa được chứng kiến ông Yên chữa cho bệnh nhân nào một cách đầy đủ, qua bao nhiêu bước, khỏi hay không khỏi nên khó bình luận về hiệu quả của phương pháp này có thể chữa khỏi bệnh cho bệnh nhân không.
"Ở đây, muốn đánh giá cần phải xem xét cả quá trình điều trị từ đầu đến cuối, tiến triển hay không tiến triển mới biết chứ không phải chữa một hai lần rồi nói khỏi hay không", ông Bản nhấn mạnh.
Theo Hoàng Đan (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)