Sự kiện có sự tham dự của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện, các đồng chí nguyên Lãnh đạo Bộ Ngoại giao, các cán bộ lão thành của Bộ Ngoại giao và toàn thể đại biểu tham dự Hội nghị Ngoại giao 29.
Phát biểu tại buổi lễ, Vụ trưởng Vụ Văn hoá đối ngoại và UNESCO (Bộ Ngoại giao) Phạm Sanh Châu cho biết: Trụ sở Bộ Ngoại giao công trình kiến trúc nổi bật đại diện cho trường phái kiến trúc Đông Dương, do Kiến trúc sư Ernest Hébrard thiết kế năm 1925 và hoàn tất xây dựng năm 1928. Trong suốt hơn 60 năm qua, Bộ Ngoại giao liên tục quản lý và sử dụng Tòa nhà này, được ví như “Từ đường” của ngành Ngoại giao.
Ông Phạm Sanh Châu khẳng định: “Sự công nhận này thể hiện sự quan tâm của Bộ VH-TT&DL, UBND TP. Hà Nội, đáp ứng nguyện vọng bảo tồn di tích văn hóa lịch sử cũng như mong muốn giữ lại Tòa nhà Trụ sở Bộ Ngoại giao của hơn 2.000 cán bộ, viên chức Bộ Ngoại giao và 2.400 cán bộ hưu trí của Bộ.
Ông Trần Đình Thành, Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa – Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch cho biết: “Ngoài giá trị về kiến trúc thì từ sau năm 1954 đến nay, công trình này được Bộ Ngoại giao đóng làm Trụ sở. Trong quá trình đó có rất nhiều sự kiện liên quan đến ngành Ngoại giao và liên quan đến lịch sử nước nhà đã diễn ra tại đây. Với giá trị kiến trúc và lịch sử đó, Bộ VH-TT&DL đã quyết định xếp hạng đây là Di tích lịch sử cấp Quốc gia”.
Ông Thành cho biết thêm, sau khi được xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia, công trình này sẽ được bảo vệ bởi Luật Di sản Văn hóa và các văn bản liên quan đến bảo vệ các công trình di sản văn hóa.
Theo Bình Giang (Tiền Phong)