Triển lãm xác người thật đã được nhựa hóa ở Sài Gòn
Ngày 4/7, sự kiện triển lãm sức khoẻ cộng đồng mang tên "Sự bí ẩn đặc biệt của cơ thể người" vẫn đang diễn ra tại Nhà Văn hoá Thanh Niên (quận 1, TP. HCM), thu hút nhiều sự tò mò của công chúng.
Triển lãm được trưng bày với khoảng 131 mẫu vật cơ thể người thật (gồm 11 bộ mẫu vật toàn thân và 126 bộ mẫu vật là các bộ phận trên cơ thể người) đã được nhựa hoá (plastic hoá) bởi một công nghệ tiên tiến của y học trong bảo tồn xác người là công nghệ Plastination.
Công ty Mega Vina (đơn vị quảng bá và phát triển các nội dung chương trình Hàn Quốc tại Việt Nam) là đơn vị tổ chức sự kiện này cho biết, toàn bộ các mẫu vật là cơ thể người thật như đầu, tay chân, nội tạng,... thuộc quyền sở hữu của bảo tàng Mom (Hàn Quốc), được chuyển về Việt Nam và trưng bày công khai cho công chúng xem.
Theo đơn vị tổ chức, triển lãm có tính thương mại khi tiền vé vào cổng là 200.000 đồng/người lớn, sinh viên 180.000 đồng và học sinh - trẻ em là 150.000 đồng (trẻ em dưới 90cm miễn phí vé vào cổng).
Mục tiêu triển lãm cơ thể người là cung cấp kiến thức y học về cấu trúc và hoạt động sinh học bên trong cơ thể người, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức và xây dựng lối sống lành mạnh cho cộng đồng qua việc so sánh trực quan sinh động về cơ thể người giữa lối sống tốt và không tốt.
Đặc biệt các mẫu vật được triển lãm sẽ giúp người tham quan nhận thức được tác hại do bệnh tật và các chất độc hại đến từ thuốc lá, rượu bia… và thói quen sinh hoạt không lành mạnh đến cơ thể con người.
Bên cạnh đó, người xem triển lãm sẽ được khám phá một thế giới quan về cấu trúc sinh học bên trong cơ thể người thông qua 8 khu chủ đề: hệ cơ, hệ xương, hệ hô hấp, hệ tiêu hoá, hệ tuần hoàn, hệ thần kinh, hệ sinh sản, hệ tuần hoàn sơ sinh.
Sinh viên ngành Y hưởng ứng, trẻ em hoảng sợ
Tuy nhiên sự kiện triển lãm người thật hay còn gọi là trưng bày xác chết công khai có yếu tố thương mại đã gây ra nhiều ý kiến tranh cãi trong dư luận. Nhiều người ủng hộ, trong đó có sinh viên ngành y nhưng cũng không ít ý kiến phản đối vì tính nhân văn của sự kiện triển lãm không có.
Qua tìm hiểu, sự kiện triển lãm cơ thể người do Sở Văn Hoá - Thể Thao TP. HCM cấp phép tổ chức. Tuy nhiên được biết trước đó sự kiện cũng xin được tổ chức tại Hà Nội nhưng cơ quan chức năng không đồng ý cấp phép.
Theo Sở VH-TT TP. HCM, cấp phép triển lãm này vì nội dung triển lãm không sai phạm, mang ý nghĩa tốt, có tính cảnh báo về con người, ở góc độ người xem thì không có gì ghê rợn.
"Đây là lần đầu tiên tôi dẫn con xem những xác chết được trưng bày như thế này. Nhìn chung cũng sợ lắm, không chỉ mình tôi ám ảnh đâu, nhiều người cũng sợ hãi, đặc biệt là trẻ em", chị Hà (quận 3) chia sẻ.
Theo chị Hà, khách đến đây chủ yếu vì tò mò là chính chứ thật sự không biết nhiều về kiến thức y học, trưng bày trại các trường đại học Y cho sinh viên tìm hiểu có vẻ hợp lý hơn thay vì công khai cho tất cả.
"Thật sự triển lãm này không nên dành cho những người không thích xem phim kinh dị hay trẻ em, bà bầu vì quá nhiều thi thể người chết được mổ xẻ ghê rợn. Hơn nữa tôi cũng không biết nguồn gốc của xác người này từ đâu và thân nhân của những thi thể này có biết việc trưng bày này không?", anh Phong (quận 1) đặt câu hỏi.
Còn bạn Hoàng Anh (sinh viên ngành Y ở TP. HCM) thì bày tỏ sự hài lòng: "Triển lãm này thật bổ ích cho sinh viên ngành Y như mình. Các trường ĐH Y cũng có giải phẫu cơ thể người nhưng sự kiện triển lãm thú vị hơn. Lần đầu tiên mình được tiếp cận công nghệ ướp xác người bằng cộng nghệ Plastination".
Chúng tôi sẽ thông tin thêm về vụ việc này.
Theo Tứ Quý (Thời Đại)