Đi một vòng qua các quận, huyện ngoại thành TP.HCM có thể dễ dàng ngắm được những cánh đồng rau muống xanh mướt trải rộng ngút ngàn. Đây là những “vựa” cung cấp cho thành phố và các tỉnh lân cận hàng trăm tấn rau muống mỗi ngày. Thế nhưng, ít ai nghĩ rằng, đằng sau những cọng rau xanh mượt, ngọn vươn dài, mơn mởn… lại là cả một “công nghệ” trồng trọt kinh hoàng.
Theo chân anh Minh, người có thâm niên hơn chục năm sống bằng nghề trồng rau muống, chúng tôi tìm đến phường Thạnh Xuân, Q.12, nơi được ví von như “thủ phủ” của rau muống. Anh Minh cho rằng, việc trồng rau muống khá đơn giản, chỉ tỉa giống xuống ruộng một lần rồi cứ thế thu hoạch trong nhiều đợt. Còn với rau muống nước thì cứ thả dây muống giống, gặp nước thì dây tự ra rễ, kết lá rồi vươn dài phủ kín mặt nước. Nước càng ô nhiễm, rau sinh sôi càng nhanh. Công việc tưới nước vào buổi sáng là cho rau chịu được ánh nắng suốt ban trưa. Chiều tiếp tục tưới để cho về đêm, rau vươn mình cho kịp sáng hôm sau thu hoạch. Phun thuốc cũng vậy, hoặc sáng sớm, hoặc chiều tối để không bị sốc thuốc hay làm ảnh hưởng đến người khác.
Pha thuốc để phun cho rau |
Sau khi cắt đợt đầu xong, để cho gốc rau nhú mầm mới, người chăm sóc sẽ tưới lên rau một lớp nhớt thải của xe máy pha với nước rửa chén theo tỷ lệ 1.000m2 rau thì cần 4 - 5 lít nhớt thải và một ít nước rửa chén. Hỗn hợp này được hòa tan trong nước trước khi phun đều trên ruộng. Công đoạn này có tác dụng diệt trừ các con rầy bám lá.
Ngày hôm sau, các loại phân kích thích gốc rễ, mầm chồi sẽ được tưới thêm một lần nữa. Sau khi rau được khoảng 5 - 7 ngày trở đi thì các loại thuốc trừ sâu như: Fortazeb, Mexyl MZ... sẽ được phun lên. Trong số đó, có cả những loại hóa chất không tên tuổi từ Trung Quốc để trừ sâu bệnh. Nếu vẫn không hết sâu bệnh thì tiếp tục “tạt” thuốc nặng “đô” hơn. Tiếp đó, sẽ cho thuốc mềm cọng, mập cọng, đẹp lá để kích thích rau. Trước khi thu hoạch 3 ngày, một loại thuốc “siêu vượt” được tưới đều. Nếu sáng hôm sau cắt rau thì đêm trước đó, ruộng rau được “tạt” thêm một lần thuốc cuối cùng là thuốc làm đẹp với công dụng làm xanh rau, đều cọng, đứng cây.
Gần nhà anh Minh, chị Ba Hiền có hơn chục ruộng rau xanh mượt với “bí kíp” trồng rau không kém cạnh gì. Chị dùng chủ yếu là cặn nhớt và nước rửa chén, trộn lẫn 2 chất lỏng đen, vàng theo tỷ lệ 5 nhớt, 1 nước rửa chén và 10 nước ruộng vào thành hỗn hợp, sau đó vẫy đều trên đám rau để diệt trừ sâu bọ, kích rễ gốc rau.
Chỉ còn ngày nữa là thu hoạch nên phải cho viên sủi thì rau mới tăng trưởng kịp. Chị Ba Hiền móc ra túi đen nhỏ đeo lủng lẳng bên bình xịt, bên trong là 4 viên thuốc giống như viên C sủi. Chị xé 2 viên cho vào bình xịt 12 lít đang đựng nước ruộng rồi thêm một gói thuốc gì đó không rõ nhãn hiệu.
Chị cho biết cần đánh thuốc của Trung Quốc thì sau một đêm, cọng rau dài 10 cm. Thuốc này còn có công dụng làm cho cây rau dai, lá rau không bị dập khi vận chuyển nên trước khi thu hoạch, nông dân thích “xài” loại thuốc này. Đề phòng trời mưa làm trôi thuốc hết, người dân còn dùng một loại sữa để giúp thuốc bám vào lá, thân rau. Trước khi cắt rau đi bán, bên cạnh việc dùng thuốc đánh trắng cho cây rau đẹp hơn thì người dân còn dùng thuốc đánh rụng các lá vàng, úa.
Theo khuyến cáo của Chi cục Bảo vệ thực vật, trong dầu nhớt có chứa nhiều hydrocacbon. Chất này sẽ giúp nước trong rau khó bay hơi. Vì vậy khi phun dầu nhớt với nồng độ nhẹ lên rau, nhớt sẽ phủ lớp mỏng trên bề mặt thân và lá rau, làm rau muống có màu xanh mướt, tươi lâu và không bị sâu ăn lá. Một nguyên nhân khác, dầu nhớt được sản xuất từ dầu thô, có nhiều chất có cấu trúc đa vòng. Chất có chứa cacbon đa vòng lại được xem là chất gây ra các căn bệnh ung thư. Khi phun nhớt đã qua sử dụng lên rau muống, chất độc hại cũng đồng thời được hấp thu vào rau, vào trong đất, nước gây ô nhiễm và làm thoái hóa nặng nề môi trường.
Thế nhưng, với cái lý của những người trồng rau, chị Ba Hiền bảo: “Chúng tôi có biết việc phun thuốc, luyn, nhớt như vậy là độc hại nhưng người ta vẫn mua và ăn rau muống mỗi ngày. Không cho thuốc tăng trưởng lấy đâu ra rau mà bán, lấy đâu rau để bà con ăn”.
Không dám ăn rau nhà
Ở các quận, huyện vùng ven như Hóc Môn, Củ Chi, Q.12, Gò Vấp, Bình Chánh… ruộng rau muống tập trung ở những cánh đồng lớn, len lỏi vào khu dân cư, các ao nước tù, miệng cống xả thải của các nhà máy, bên cạnh nghĩa địa… Khoảng 15 - 20 ngày nông dân thu hoạch một lứa rau. Theo tìm hiểu của chúng tôi, nhìn chung, các ruộng rau được trồng theo “công nghệ hiện đại”: hóa chất tăng trưởng, thuốc trừ sâu và nhớt thải công nghiệp.
“Ở đây, ruộng nào dùng thuốc hay không dùng đều dễ dàng phân biệt”, bà Vân, một người dân ở đường Đình Quới An, khu phố 2, phường Thạnh Xuân, Q.12 cho biết. Cũng như bà Vân, nhiều người dân ở gần những ruộng rau muống này đều không dám ăn rau vì quá hãi hùng khi ngày ngày chứng kiến cảnh cây rau bị đầu độc.
“Rau bị ô nhiễm nặng nên ăn vào nhẹ thì bị “tào tháo đuổi”, có trường hợp còn bị ngộ độc thực phẩm nên ai cũng sợ, chẳng ai dám ăn và dám mua cái thứ rau muống bẩn này”, bà Vân nói. Để giải quyết bài toán rau sạch, nhiều người dân tự trồng một đám nhỏ để ăn, không dùng thuốc, hóa chất. Hình thức tuy xấu nhưng rau an toàn về chất lượng.
Với những nhà trồng rau muống để kinh doanh, họ chuyển rau đi tiêu thụ tại các chợ, nhà ăn ở công ty, khu công nghiệp hoặc tuồn về các tỉnh miền Tây… Một lái buôn cho biết, các làng rau ở TP.HCM cung cấp ra thị trường tiêu thụ hàng trăm tấn rau muống bẩn mỗi đêm. Vì thế, cũng đơn giản để hiểu rằng, tại sao trong khu công nhân hay có những vụ ngộ độc tập thể. Có một thực tế rằng, người nông dân dùng thuốc tăng trưởng nguy hại, nhớt thải công nghiệp để chăm bón rau nhưng họ làm theo cảm tính, phong trào chứ hoàn toàn không biết gì về nguồn gốc, chức năng của các loại thuốc, nhất là thuốc xuất xứ từ Trung Quốc.