Đó là khẳng định của Tiến sĩ Phan Quốc Việt, chủ biên cuốn “Thực hành kỹ năng sống dành cho học sinh lớp 1” (NXB Giáo dục Việt Nam ấn hành), chiều 24-8.
|
Ảnh: Mỹ Dung
|
Tiến sĩ Phan Quốc Việt, người sáng lập, Chủ tịch HĐQT Tâm Việt Group, phân tích: “Về mặt vật lý, khi chúng ta làm mảnh thủy tinh bằng bao diêm (khoảng 3cm2) và làm khung dày khoảng 5cm, thì khi trẻ con bước lên thủy tinh, những mảnh nhỏ, nhọn, thiết diện bé, áp suất lớn sẽ chìm xuống dưới, còn mảnh nào to, thiết diện lớn, áp suất bé, sẽ nằm lại lại bên trên, nên đi rất êm chân”.
Ông nói thêm: “Chúng tôi đã thử trắc nghiệm làm bài tập cho trẻ em là lựa chọn giữa đi thủy tinh và đi sỏi, nhưng các em đa số là chọn đi trên sỏi. Nhưng sau khi cho các em thực hành đi trên sỏi và thủy tinh, thì đa số các em đều lựa chọn đi trên thủy tinh. Việc đi tên thủy tinh không có gì nguy hiểm cả”.
Nói về cuốn sách do ông biên soạn, Tiến sĩ Phan Quốc Việt cho biết, “Thực hành kỹ năng sống dành cho học sinh lớp 1” đã được NXB Giáo dục Việt Nam xuất bản từ năm 2013. Bản thân ông cũng đã đi khắp nơi trong nước dạy thực hành cho trẻ nhỏ đi trên thủy tinh suốt 15 năm nay.
“Cuốn sách được xuất bản đã hơn 2 năm rồi, nhưng chưa có trường hợp nào báo lại với tôi là có trường hợp trẻ con bị thương vì đi trên thủy tinh. Cũng chưa có ai kiện tôi vì việc đưa bài dạy trẻ nhỏ đi trên thủy tinh vào trong sách.
Năm 2015, sách này được tái bản, vẫn do tôi là tác giả, và NXB Giáo dục Việt Nam ấn hành, nhưng không còn bài thực hành cho trẻ nhỏ đi trên thủy tinh nữa.
Lý do là mỗi năm Bộ Giáo dục & Đào tạo có một thông tư định hướng giáo dục mới cho học sinh tiểu học, nên tôi không đưa bài đó vào trong sách nữa, để phù hợp với chủ trương năm 2015 của Bộ, chứ không phải vì lý do nó gây nguy hiểm cho trẻ em như nhiều người đang bàn tán hiện nay” – Tiến sĩ Phan Quốc Việt chia sẻ.
Trả lời câu hỏi của PV, trong sách “Thực hành kỹ năng sống dành cho học sinh lớp 1” không có khuyến cáo về cách sử dụng mảnh thủy tinh và phương pháp đi trên thủy tinh một cách an toàn?
Ông Việt trả lời: “Khi tập huấn cho các thầy cô, chúng tôi luôn nhắc các thầy cô khuyến cáo học sinh phải thực hành đúng phương pháp đi trên thủy tinh mà các thầy cô dạy. Và khi các thầy cô mua sách cho học sinh, bao giờ chúng tôi cũng tập huấn cho họ".
Trả lời câu hỏi, còn nhiều cách để dạy lòng dũng cảm cho trẻ nhỏ, ngoài cách đi trên thủy tinh, ông Việt cho biết: “Tất nhiên là có nhiều cách giáo dục lòng dũng cảm cho trẻ nhỏ, nhưng dạy trẻ bằng cách đi trên thủy tinh là một cách rất hay. Hồi nhỏ tôi cũng dẫm lên mảnh sành, mảnh chai là bình thường! Chúng ta đừng biến trẻ con thành gà công nghiệp, mà nên biến chúng thành đại bàng”.
|
Bìa sách “Thực hành kỹ năng sống dành cho học sinh lớp 1” (NXB Giáo Dục Việt Nam ấn hành) - Ảnh: Mỹ Dung |
>> Dạy học sinh "đi qua thủy tinh" để chế ngự sợ hãi gây bão mạng
>> Dạy học sinh "nói dối": Sao đổ lỗi hết cho thầy cô?
>> Cô giáo mầm non đăng Facebook "muốn tát học sinh"
Theo Vũ Viết Tuân (Tuổi Trẻ)