Một tuần trôi qua kể từ ngày bé Xù qua đời tại nhà bảo mẫu Phạm Thị Liên (47 tuổi, huyện Bình Chánh, TP HCM), người viết nhiều lần đến phòng trọ của mẹ bé Xù là chị Nguyễn Thị Loan (33 tuổi, tỉnh Kiên Giang) nhưng phòng trọ đều đóng im ỉm. Sáng 24/5, người viết quay lại và được chị Loan tiếp chuyện. Chị cho hay, mấy hôm nay đưa thi thể của con về quê an táng mới lên lại.
“Con được an táng xong, tôi vội vàng quay trở lại TP HCM. Cũng muốn ở lại bên mộ con vài ngày nhưng sợ điều tiếng của mọi người. Bên cạnh đó, gia đình quá khó khăn, tôi phải đi làm mới có cái ăn”, chị chia sẻ. Người viết hỏi: “Tâm trạng mấy hôm nay của chị thế nào?”. Người mẹ cúi gằm: “Tôi buồn lắm! Nói là lên đi làm lại nhưng cũng chưa đi đâu được. Tôi chỉ biết đóng cửa rồi khóc”.
Căn nhà bà Liên sinh sống |
Chị kể, gia đình thuộc diện đặc biệt khó khăn nên không được học hành gì. Lúc nhỏ, chị đã quen với công việc làm thuê, làm mướn. Tròn 17 tuổi, chị theo chân người quen từ quê lên TP HCM kiếm việc làm. Từ đó đến nay, chị không nề hà bất kì công việc gì như: rửa chén bát, bưng bê quán cơm, nhân viên bán cà phê…
Mải miết với miếng cơm manh áo, chị Loan quên mất tuổi xuân đã trôi qua. Năm 30 tuổi, chị chuyển sang làm phụ thợ hồ ở các công trình xây dựng. Tại đây, chị quen một người đàn ông có quê ở tỉnh Long An. Chị nghe lời anh, chuyển về phòng trọ sống chung như vợ chồng.
Chỉ vài tháng sau, chị Loan mang thai rồi sinh hạ bé Xù. Điều đáng nói, ngày chị bước vào phòng sinh cũng là ngày người đàn ông ấy bỏ đi không nói một lời. Người mẹ chỉ biết ôm đứa con trong vòng tay nuốt uất hận vào lòng. Cay đắng, chị cũng không dám thông báo với người thân. Cũng vì lý do này, cháu chưa được làm giấy khai sinh.
Khi con gần 1 tuổi, chị mới kể sự thật với người thân. Từ đó đến nay, người ấy chưa một lần quay trở về cũng như gửi món quà nào cho con. Chị cũng không biết người ấy hiện giờ ở đâu, làm gì.
Chưa kịp nhìn mặt mẹ lần cuối
Chỉ một tháng sau sinh, chị Loan quay trở lại công trường lao động. Nhiều hôm, chị bồng con để trong lán, rồi ra làm ở bên ngoài. Tranh thủ giờ nghỉ, chị lại vào cho con bú. Sau đó lại tiếp tục công việc của mình.
Trong số đồng nghiệp phụ thợ hồ của chị Loan có bà Liên. Hai người ở gần nhau, đều có hoàn cảnh khó khăn nên khá thân thiết. Vài tháng trước, bà Liên sức khỏe yếu, thường xuyên đau ốm nên quyết định ở nhà.
Chị Loan đề nghị bà Liên giữ con giúp cho mình với số tiền học phí 1,5 triệu đồng một tháng. Bà đồng ý và chỉ giữ một mình cháu Xù. Mỗi sáng, chị lại bồng con sang nhà bà Liên rồi đi làm. Tối chị lại đón con về nhà. Bé Xù vẫn ngoan ngoãn, không có bất kì dấu hiệu gì lạ.
Nửa tháng trước khi xảy ra vụ việc, do công việc quá nhiều, thường xuyên tăng ca, chị Loan đề nghị để cho bé Xù được ở lại nhà bà Liên vào ban đêm.
Sáng 16/5, chị Loan nhận được thông tin của bà Liên cho biết bé Xù bệnh nặng phải nhập viện. Ngay lập tức, chị chạy từ công trường đến nhà bà Liên, miệng luôn cầu nguyện cho con. Thế nhưng, khi đến bệnh viện, bé đã tử vong, chưa kịp nhìn mặt mẹ lần cuối. Người mẹ chạy đến ôm thi thể của con rồi ngã quỵ.
Chị Loan nghẹn đắng: “Con gái tôi chết vì lý nào chưa biết chính xác. Tôi cũng không oán trách, đổ tội gì cho bà Liên. Tôi chỉ hy vọng cơ quan chức năng làm rõ vụ việc để con tôi được an yên dưới suối vàng. Cháu qua đời là nỗi đau quá lớn đối với tôi và không gì có thể bù đắp được”.
“Tôi xem bé Xù như cháu ruột”
Ngôi nhà nhỏ của bà Liên xập xệ, nằm trong một con hẻm nhỏ. Bà ngại ngùng, liên tục từ chối khi có người lạ đến hỏi thăm về cái chết của bé Xù. Sau một hồi động viên, bà đồng ý tiếp chuyện. Mở đầu câu chuyện, bà xót xa: “Nhiều người đồn đại tôi đánh nên khiến cháu Xù chết. Điều này là không chính xác”.
Bà Liên kể, bà cũng là người ngoại tỉnh lên TP HCM mưu sinh. Do đó, bà thấu hiểu nỗi khổ của chị Loan và trở nên khá thân thiết. Mặc dù giao ước mỗi tháng giữ cháu Xù bà sẽ được trả 1,5 triệu đồng, nhưng gần một năm qua, chưa lần nào bà nhận đủ tiền.
Tháng đầu, bà được trả 300 nghìn đồng. Những tháng sau, số tiền bà nhận trồi sụt theo thu nhập của chị Loan, dao động từ 600 đến 800 nghìn đồng. Lắm khi, chính bà bỏ tiền túi mua áo quần cho cháu Xù. Bà xem Xù như cháu ngoại của mình. Cháu Xù cũng quý bà. Cháu gọi vợ chồng bà là ông bà và con trai bà là cha. "Tôi xem bé Xù như cháu ruột thì làm sao có thể ra tay đánh khiến cháu tử vong được", bà phân trần.
Mấy ngày trước khi xảy ra vụ việc, Xù bị ốm, không chịu ăn uống gì, bà gọi điện bảo chị Loan đến đón về để đưa đi khám. Tuy nhiên, chị Loan chưa kịp đến đón thì cháu đã vội qua đời.
Nhiều thông tin cho rằng, khoảng 7 giờ 30 ngày 16/5 bà Liên cho cháu Xù ăn nhưng cháu không chịu ăn. Bà dùng tay đánh hai cái vào vùng vai dưới cổ làm cháu khóc và ngất xỉu. Sau đó, cháu được đưa đi cấp cứu nhưng đã tử vong.
Thế nhưng, bà Liên lại cho rằng, sáng ấy, bà gọi cháu Xù dậy như thường lệ. Lúc này, bà thấy cháu li bì, mặt trắng bệch, thở dốc, ngất xỉu… Bà vội hô hoán, cùng mọi người đưa cháu đến bệnh viện Triều An (quận Bình Tân) cấp cứu. Chỉ sau đó một lúc, cháu trút hơi thở cuối cùng.
Bà Liên cũng đã đến nhà thắp nén nhang, tạ lỗi với chị Loan. Ngoài ra, bà cũng mang một số tiền đến với hy vọng chia sẻ phần nào nỗi đau nhưng chị Liên không nhận.
Hiện tại, công an huyện Bình Chánh vẫn đang tiếp tục điều tra vụ việc.
Theo Nhật Quang (Khampha.vn)