Tại Điều 12 trong Quyết định số 333 ngày 18/4/2014 của UBND quận Đồ Sơn về việc ban hành Quy chế tổ chức lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn lại nêu rõ: "Các chủ trâu phải có biện pháp quản lý trâu đảm bảo tuyệt đối an toàn, không để trâu gây tai nạn cho nhân dân và du khách; chịu trách nhiệm đối với các tình huống mất an toàn do trâu mình gây ra...".
Theo UBND quận Đồ Sơn, nhiều năm qua Ban tổ chức lễ hội đều có quy chế chặt chẽ, có phương án đảm bảo an ninh, an toàn…
Tuy nhiên, tại Điều 12 trong Quyết định số 333 ngày 18/4/2014 của UBND quận Đồ Sơn về việc ban hành Quy chế tổ chức lễ hội chọi trâu truyền thống Đồ Sơn lại nêu rõ: "Các chủ trâu phải có biện pháp quản lý trâu đảm bảo tuyệt đối an toàn, không để trâu gây tai nạn cho nhân dân và du khách; chịu trách nhiệm đối với các tình huống mất an toàn do trâu mình gây ra...".
Điều này có thể cho thấy Ban tổ chức hoàn toàn đứng ngoài không chịu trách nhiệm về tính mạng con người trong lễ hội chọi trâu Đồ Sơn.
Theo người dân, có lẽ chính việc phó mặc trách nhiệm cho chủ trâu của Ban tổ chức đã dẫn đến việc trâu 18 dù có hàng loạt những biểu hiện bất thường, Ban tổ chức vẫn không hay biết, trâu vẫn được lọt vào sân đấu, từ đó gây ra sự cố đáng tiếc.
Liên quan đến vấn đề này, bà Ninh Thị Thu Hương - Phó Cục trưởng cục Văn hóa cơ sở (Bộ VH-TT&DL) tại cuộc làm việc với UBND quận Đồ Sơn và Sở VH-TT Hải Phòng sáng ngày 2/7 - cũng cho rằng, theo quy chế của Ban tổ chức thì toàn bộ lỗi thuộc về chính chủ trâu. Vậy trách nhiệm của Ban tổ chức lễ hội, của các cấp ở đâu trong việc này? Cũng theo bà Hương, việc bảo đảm an toàn cho người dân phải là trách nhiệm của chính quyền địa phương.
Liên quan đến việc tuyển chọn trâu, một số ý kiến cho rằng, việc tuyển trâu xưa nay vẫn chỉ dựa trên kinh nghiệm và do các chủ trâu. Nên chăng để chuyên gia về gia súc cùng tham gia, hỗ trợ để kiểm soát độ an toàn?
Trước đó, theo một số chủ trâu, ngay từ thời điểm trước khi vào trận đấu, con trâu số 18 của chủ trâu Đinh Xuân Hướng đã có những biểu hiện bất thường. Theo tục lệ của người Đồ Sơn, một ngày trước khi đưa trâu vào sân đấu, toàn bộ các trâu tham gia chọi phải được đưa đến Đền làm lễ tế thần.
Nhưng trước trận đấu vòng loại một ngày, khi 32 trâu được đưa vào làm lễ, chỉ có 31 trâu tuân thủ việc hành lễ, riêng trâu số 18 thì không chịu.
Theo một số người dân, khi thấy trâu số 18 không chịu tuân thủ hành lễ, chủ trâu có đập nhẹ vào đầu thì con trâu phản ứng lại rất dữ dội...
Còn theo ông Lưu Đình Vũ, chủ trâu số 23 (trâu đấu với trâu 18), cũng là người thoát chết một cách ngoạn mục trước cú húc của trâu 18, khi mua trâu về, chủ trâu và quản ngưu phải thuần hóa trâu theo một quy trình rất nghiêm ngặt để trâu làm quen với lễ hội.
Cụ thể, ngoài chế độ ăn uống đảm bảo, cho lội nước, lội ruộng để rèn luyện thể lực… thì phải cho trâu làm quen với đám đông bằng cách buộc ở ngoài đường. Đồng thời cũng phải cho trâu làm quen với màu sắc đỏ vàng (quy định của Ban tổ chức là chủ trâu và quản ngưu phải mặc áo vàng, đỏ), quen với việc đánh trống, cắm cờ…
Tuy nhiên theo ông Vũ, trâu số 18 suốt cả tháng trời trước vòng đấu loại vẫn không làm quen được với quy trình huấn luyện như trên. Đây có thể là lý do vì sao khi vào trận đấu, ông Hướng (chủ trâu 18) cùng quản ngưu của trâu 18 đều mặc áo màu xanh khác với những người khác.
Không chỉ ông Vũ mà cả những bậc cao niên trong giới chủ trâu cũng cho biết trâu số 18 có nhiều biểu hiện bất thường mà ai cũng có thể nhận thấy. Họ cho rằng khi các “ông trâu” đã "phật ý" thì không cố được.
Một số người cho biết thêm, khi thấy trâu số 18 có những biểu hiện khác lạ, nhiều người đã có ý can ngăn chủ trâu không tham gia trận đấu nhưng không được.
Theo An Nhiên (Dân trí)