Câu chuyện một gia đình ở Hà Nội vỡ òa khi tìm thấy người con thất lạc sau 43 năm không phải là trường hợp trao nhầm con duy nhất tại Việt Nam. Sau vài năm, thậm chí vài chục năm, có gia đình may mắn tìm lại được con ruột nhưng cũng có nhiều gia đình vẫn đau đáu tìm kiếm giọt máu của mình. Trong suốt hành trình tìm con ấy, những người cha, người mẹ, những đứa con không may bị trao nhầm đã phải rơi rất nhiều nước mắt. Và…khi tìm được con ruột, họ phải đối diện với hàng nghìn khó khăn để đưa các con hòa nhập với gia đình mới.
5 năm trước (2015), tại BV Đa khoa Bình Long, Bình Phước có 2 bé gái bị trao nhầm. 1 bé ở thị xã Bình Long, 1 bé "dạt" về bản Sóc, huyện Quảng Hới, cách nhau 5km. Ngay khi con mới được 9 tháng, một người cha đã thấy nhận thấy những điểm khác biệt của đứa trẻ và luôn nghi ngờ đứa trẻ đó không phải là con ruột của mình nhưng phải mất gần 4 năm họ mới biết được sự thật, trong một dịp rất tình cờ.
Trao nhầm con: Hành trình về với gia đình chứa đầy nước mắt
Cuối năm 2012, vợ anh Nguyễn Đình Khiên (40 tuổi, thị xã Bình Long, Bình Phước) - chị Nga (27 tuổi) với chị Thị Liên (24 tuổi) sinh hai bé gái cùng giờ, cùng ngày tại Bệnh viện Đa khoa Bình Long và bị trao nhầm con.
Khi lớn lên, con gái anh Khiên trở thành đề tài “nói ra nói vào” của hàng xóm bởi bé không hề giống ai trong gia đình. “Lúc ấy, tôi cũng sinh nghi về tình cảm của vợ rồi tự hỏi con gái có phải con ruột của mình? Tuy nhiên, tôi chỉ để bụng, không dám tâm sự với ai để tránh chuyện vợ chồng tan vỡ”, anh Khiên nhớ lại.
Đầu tháng 5/2016, bố vợ anh đi bán bánh mỳ dạo tình cờ thấy một bé gái con người dân tộc giống đứa con đầu của anh. Ông đã về nhà thông báo cho vợ chồng con rể biết.
Ngay sau đó, họ đã tìm đến nhà vợ chồng người dân tộc để tìm hiểu. Nhưng gia đình ấy không tin việc con gái bị trao nhầm mà còn nghĩ người lạ vào bắt cóc con nên không cho vợ chồng anh Khiên lại gần bé. Dù vậy, anh vẫn có linh cảm con ruột của anh chính là bé gái ấy!
Hôm sau, anh Khiên đưa vợ và bé Ngọc Yến (đứa con gái đã nuôi dưỡng hơn 3 năm – PV) lên Sài Gòn xét nghiệm ADN và kết quả cho thấy bé không cùng huyết thống. Vợ chồng anh đã khiếu nại bệnh viện, đồng thời đề nghị xét nghiệm ADN con gái của chị Liên, mới biết hai bên bị trao nhầm con hơn 3 năm qua.
“Hồi đó, nhìn đứa con mang nặng đẻ đau sống với người ta, không chịu theo mẹ ruột khiến vợ tôi bỏ ăn, mất ngủ mà đổ bệnh. Thậm chí, cứ nghĩ đến ngày phải xa bé Ngọc Yến thì cô ấy lại khóc ngất vì không nỡ rời xa đứa con do chính mình chăm sóc từ khi lọt lòng đến nay”, anh Khiên tâm sự.
Sự việc xảy ra, đại diện bệnh viện đã gặp mặt xin lỗi, bồi thường mỗi gia đình 20 triệu đồng và yêu cầu trao trả các bé cho cha mẹ ruột.
Nhớ lại phút giây “chia tay” bé Ngọc Yến, vợ chồng anh Khiên đau thắt khi nghĩ tới tiếng khóc gào “Con thương ba mẹ, sao nỡ bỏ con”. Trong khi đó, ở bản Sóc, bé Lan Anh (con gái ruột) cũng gào khóc, không chịu rời mẹ Liên.
“Đêm đầu tiên nằm cạnh đứa con ruột, vợ chồng tôi không sao chợp mắt vì bé liên tục khóc đòi mẹ Liên. Tôi tìm đủ mọi cách dỗ nín mà không được. Sau đó, con mệt quá mới chịu lịm đi. Đúng là…công sinh không bằng công dưỡng.
Còn bé Ngọc Yến chẳng chịu chơi đùa, cứ ra ngoài cổng đứng chờ ba Khiên, mẹ Nga vào đón. Vợ tôi xót con lại chạy xe máy vào trong đó nhưng không dám đến gần, chỉ đứng từ xa nhìn con rồi khóc theo”, anh Khiên kể.
Giờ nhận lại con ruột nhưng không thể vứt bỏ con nuôi
Lo lắng bé Lan Anh và Ngọc Yến bị chấn động tâm lý, vợ chồng anh Khiên đã bàn bạc với gia đình chị Liên cho các con về sống chung, luân phiên mỗi nhà một tuần. Ngoài ra, để không phải làm lại giấy khai sinh, hai bé đã đổi tên cho nhau: Lan Anh – Ngọc Yến.
Được biết, thời gian đầu về ở với bố mẹ ruột, bé Lan Anh khá trầm tính, ít nói và rất yếu ớt. Nhiều lúc, bé không chịu nói gì, cứ ngồi lặng một góc rồi chảy nước mắt.
“Thấy con khóc, tôi hỏi vì sao con buồn thì con bé nói nhớ mẹ Liên và đòi về bản. Khi ấy, tôi phải dỗ dành con ở ngoài này chơi với chị hai, em Yến, hết tuần ba sẽ chở vào thăm mẹ. Nghe vậy, con bé mới chịu nín.
Tôi biết, những lúc con bé khóc, bà xã có buồn tủi nhưng không thể trách con được. Nó là một đứa trẻ, chưa hiểu được mọi chuyện, có sao thì nói vậy! Bởi thế, tôi luôn động viên vợ rằng: Dần dần, con sẽ yêu thương em như đã từng yêu thương mẹ Liên”, anh Khiên trải lòng.
Theo lời kể của anh Khiên, vài tháng gần đây vì chuyện học tập của các con nên vợ chồng anh quyết định cuối tuần mới chở lũ trẻ vào bản Sóc chơi. Anh bảo, ban đầu, chị Liên không chịu nhưng vì tương lai của các con nên anh nhất quyết làm vậy!
“Nếu cứ luân phiên mỗi tuần một nhà, tôi nghĩ không ổn chút nào. Trong đó, họ ăn uống đạm bạc lắm, chỉ có rau rừng với cơm trắng. Tụi nhỏ đang tuổi phát triển sẽ không thể nào kham nổi, rồi lại bị suy dinh dưỡng như hồi Lan Anh sống ở đó. Hơn nữa, chúng đã đến tuổi đi học mẫu giáo. Vì vậy, tôi quyết định để chúng ở ngoài này, cuối tuần sẽ chở vào đó chơi”, anh Khiên nói.
Hiện tại, bé Lan Anh đã gần như hòa nhập được với cuộc sống mới, dần quen với việc có hai bố mẹ. Đặc biệt, Lan Anh và Ngọc Yến đã biết yêu thương, bảo vệ lẫn nhau khi đến trường. Tuy vậy, trong ký ức tuổi thơ của con trẻ vẫn có những nỗi niềm chưa thể hiểu, thỉnh thoảng các bé vẫn ngây thơ hỏi "sao con lại ở đây, sao con lại có hai bố mẹ" khiến người làm cha mẹ như anh Khiên không khỏi ngậm ngùi.
Nhắc đến nỗi đau ấy, anh Khiên buồn rầu: “1 năm 3 tháng trôi qua, chúng tôi vẫn chưa thực sự nguôi ngoai. Mỗi khi nhìn các con chơi đùa bên nhau, tôi biết mình phải cố gắng làm việc, kiếm tiền để lo cho chúng một cuộc sống tốt, bù đắp những thiệt thòi trước đây”.
Theo Khai Tâm (Khampha.vn)