Tranh luận về dòng chữ trên ấn khai bút đầu xuân ở Quảng Ninh

05/02/2017 16:06:00

Lễ khai bút, khai ấn đầu Xuân Đinh Dậu 2017 ở Quảng Ninh vừa diễn ra hoành tráng. Tuy nhiên, đang có tranh luận chiếc ấn được dùng trong dịp Lễ này có sai chính tả hay không.

Lễ khai bút, khai ấn đầu Xuân Đinh Dậu 2017 ở Quảng Ninh vừa diễn ra hoành tráng. Tuy nhiên, đang có tranh luận chiếc ấn được dùng trong dịp Lễ này có sai chính tả hay không.

TS Nguyễn Tuấn Cường (Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm) cho hay mặt ấn có khắc 6 chữ để đóng lên giấy phát cho công chúng đã sai 2 chữ quan trọng.

Cụ thể cột chữ bên phải khai ấn “Hồng Đức hiệu” (洪德號), viết đúng phải là chữ Hồng (洪) với nghĩa "lớn", thì lại khắc thành chữ Hồng (紅) với nghĩa "màu đỏ". Cột chữ bên trái khai bút “Tao Đàn hội” (騷壇會) thì viết chữ Tao (騷) nghĩa là "phong nhã" thành chữ Tao (遭) có nghĩa "gặp gỡ". Cả hai đều là lỗi sai đồng âm Hán Việt. Lỗi này thường do tra từ điển để viết chữ.

tranh-luan-ve-dong-chu-tren-an-khai-but-dau-xuan-o-quang-ninh
Mặt ấn có 6 chữ "Tao Đàn hội, Hồng Đức hiệu" đã sai 2 chữ quan trọng. Ảnh: MInh Cương

Theo ông Cường, chữ xung quanh ấn cũng sai, ở thành ấn ghi 6 chữ “Hồng Đức hiệu Tao Đàn ấn”. Tuy nhiên, chỉ đúng được chữ Hồng và vẫn tiếp tục sai chữ Tao. Chưa hết, một mặt ấn khác có viết 10 chữ là “Truyền đăng sơn từ Nhâm Ngọ niên, quý thu nguyệt” đã sắp xếp không theo đúng thứ tự.

tranh-luan-ve-dong-chu-tren-an-khai-but-dau-xuan-o-quang-ninh-1
Một số chữ trên thành ấn cũng sai. Ảnh: Minh Cương

Về phía Ban tổ chức, ông Phạm Ngọc Thành (Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh) lại khẳng định ấn của Hội dùng trong dịp lễ vừa qua "là đúng"

“Cái ấn được làm theo ý của chúng tôi, không thể sao chép nguyên văn của vua Lê Thánh Tông được, vì nếu sao chép nguyên văn thì không khác gì chúng tôi làm giả ấn triện”, ông Thành nói.

Theo ông Thành, phát huy giá trị của tiền nhân thì phải chọn những gì tinh hoa nhất, chứ không phải sao chép nguyên văn. Mục đích của lễ hội nêu trên là phục vụ giới văn nghệ sĩ, chứ không phải phục vụ nhân dân nói chung, "trong lễ có việc đóng ấn trên tờ giấy được khai bút thì mới có ý nghĩa".

Ông Thành giải thích thêm, chữ “Tao” ở mặt ấn có nghĩa gặp gỡ của những người văn chương đầu năm, còn chữ “Hồng” là cầu mong may mắn đầu năm. “Ở đây các chuyên gia lại hiểu sang một ý khác, nếu khắc Hồng Đức hiệu với nghĩa gốc trên ấn xưa thì lại thành của vua Lê Thánh Tông, làm sao chúng tôi dám làm cái ấn đó”, ông Thành nói. 

tranh-luan-ve-dong-chu-tren-an-khai-but-dau-xuan-o-quang-ninh-2
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh khai ấn trong ngày hội. Ảnh: Minh Cương

Năm 2014, lần đầu tiên Quảng Ninh tổ chức lễ khai ấn Hội Tao Đàn lồng ghép lễ khai bút vào mùng 6 tháng Giêng, với ý nghĩa mở ra một năm mới có nhiều thành tựu về văn chương nghệ thuật, học hành khoa cử. Việc này dựa trên sự kế thừa tinh thần từ Tao đàn Nhị thập bát tú, tổ chức có vai trò giống như một câu lạc bộ thơ do vua Lê Thánh Tông sáng lập vào cuối thế kỷ 15 với 28 thành viên. 

Ở lần khai ấn đầu tiên, ấn được chế tác bằng gỗ, sau đó Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh đã đặt hàng một doanh nghiệp chế tác đồng để làm lại ấn như hiện nay. Ấn có kích thước 10 x 10 x 1,5 cm.

Tại lễ khai ấn, khai bút xuân Đinh Dậu 2017, các vị lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã trực tiếp khai ấn và phát cho nhân dân, văn nghệ sĩ dự buổi lễ.

Trước những tranh luận nêu trên, ông Hồ Chí Đức (Phó giám đốc Sở Văn hóa Quảng Ninh) cho biết sẽ kiểm tra việc cấp phép và tổ chức Lễ hội khai bút, khai ấn Xuân Đinh Dậu 2017, và thông tin tới các cơ quan báo chí trong thời gian tới.

Theo Minh Cương (VnExpress.net)

Nổi bật