Tranh luận về đề xuất cấm bán bia ở quán karaoke

30/04/2017 15:37:00

Rượu đã bị cấm bán trong quán karaoke, nhưng nay thêm đề xuất cấm bán cả bia đã làm nhiều người băn khoăn.

Rượu đã bị cấm bán trong quán karaoke, nhưng nay thêm đề xuất cấm bán cả bia đã làm nhiều người băn khoăn.

Khách hát karaoke thường chỉ uống một vài lon bia để lấy cảm hứng - Ảnh minh họa: T.T.D.

Dự thảo Luật phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia dự kiến cấm cả bia tại quán karaoke, không bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi...

Thông tin này được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết tại phiên họp toàn thể Ủy ban Về các vấn đề xã hội lần thứ 6 tại TP.HCM sáng 28-4.

Chủ quán karaoke 
lo lắng

Nhiều chủ quán kinh doanh karaoke tại TP.HCM tỏ ra lo lắng trước đề xuất cấm bán bia trong quán karaoke sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh, thậm chí có thể đóng cửa quán.

Anh Lâm - quản lý quán karaoke Kingdom đường Phạm Viết Chánh (Q.1) - cho biết hầu hết doanh thu phụ thuộc vào lượng bia bán cho khách chứ thu tiền karaoke rất ít, vì chỉ dao động từ 300.000-500.000 đồng/giờ, chiếm tỉ lệ rất nhỏ trong doanh thu.

Theo anh Lâm, để hút khách thì quán phải có phòng sạch sẽ, hiện đại, âm thanh hay, chi phí đầu tư khá cao.

Trong khi đó, thời gian hoạt động chủ yếu vào buổi tối, ban ngày rất hiếm có người đến hát. Nhiều khách tới quán chỉ uống vài chai bia cho vui, để nói chuyện.

“Vấn đề hát karaoke là nhu cầu giải trí, vào uống vài chai cho vui chứ không phải là nơi nhậu nhẹt mà cấm vô lý” - anh Lâm bức xúc.

Còn bà Nguyễn Thị Hạnh - chủ quán karaoke I-Home (Q.Gò Vấp) - cho biết quán của bà đầu tư hơn 2 tỉ đồng, vừa mới đi vào hoạt động hơn 6 tháng. Nay cấm bán bia trong quán “chắc đóng cửa sớm”.

Theo bà Hạnh, đa số khách tới hát đã uống từ quán nhậu nên vào quán uống thêm chút chút để hát hò cho vui chứ không uống nhiều. Nếu vào karaoke chỉ bán nuốc suối thì ai đến nữa?

Một chủ quán karaoke ở Q.5 thú nhận “thỉnh thoảng cũng có bán ít rượu để giữ chân khách quen”.

Ông nói: “Gần như 90% khách nam đến quán karaoke sau khi đã uống rượu bia ở đâu đó. Họ đến quán karaoke không phải để uống thêm cho say mà chủ yếu là hát hò, xả láng với bạn bè, đồng nghiệp.

Thường họ ít kêu rượu mà đòi uống bia, ăn nhẹ. Thành thử có khi cả tháng quán tôi mới bán được 1 chai rượu. Nếu tới đây có luật cấm bán rượu kèm theo việc bị xử lý người vi phạm thì tôi sẽ thuyết phục khách dùng bia”.

Nơi vui chơi làm sao cấm cụng ly

Từ năm 2006, quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng ban hành theo nghị định 11/2006 lưu ý chủ cơ sở kinh doanh karaoke “không được bán rượu hoặc để cho khách uống rượu trong phòng karaoke”. Đến năm 2009, nghị định 103 cũng giữ nguyên yêu cầu này.

Theo đó, nghị định 75/2010 quy định phạt tiền từ 500.000-1,5 triệu đồng đối với hành vi uống rượu tại quán karaoke, phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi bán rượu tại quán karaoke.

Bên cạnh đó, hành vi cho người say rượu bia vào quán karaoke hay say rượu bia ở quán karaoke bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000-1 triệu đồng.

Tuy nhiên, vì nhiều lý do về khả năng tổ chức thực hiện mà nghị định hiện hành về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động văn hóa đã bỏ các quy định xử phạt trên.

Khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh bất kỳ lĩnh vực nào, nhất là cấm việc gì đó thì cần phải xuất phát từ nhu cầu của thực tế và sự ủng hộ của cộng đồng.

Với lưu ý này, luật sư Trần Công Ly Tao cho rằng không thể cấm bán cả bia ở quán karaoke.

“Thực ra bia chỉ là một loại đồ uống. Sẽ không có tác hại nếu uống bình thường ở mức độ chấp nhận được.

Trường hợp lạm dụng mới gây ra những hậu quả khó lường về sức khỏe, an ninh, trật tự... Ở những nơi như trường học, bệnh viện... phải tuyệt đối cấm bán rượu bia.

Thế nhưng trong quán karaoke là chỗ vui chơi, giải trí thì phải được đối xử khác. Khi rủ nhau đi hát hay còn gọi là đi tăng hai sau các buổi họp mặt, liên hoan, nhiều người muốn được quây quần cùng nhau ở một không gian thích hợp, sao lại cấm họ cụng ly?

Nếu muốn hạn chế để tránh lạm dụng, Nhà nước có thể quyết định đánh thuế cao loại đồ uống này” - luật sư Ly Tao phân tích.

Trong khi đó, theo một giảng viên Đại học Luật TP.HCM, nếu cấm thì phải tính được cách nào để kiểm tra, xử phạt cả người bán lẫn người uống vì từ trước đến nay hầu như không có ai bị xử phạt về lỗi này.

“Theo quyết định của Thủ tướng về chính sách quốc gia phòng chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020, Bộ Công thương có trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế quy định lượng rượu bia và đồ uống có cồn khác tối đa được bán cho một khách hàng sử dụng tại chỗ; quy định việc bán rượu bia và đồ uống có cồn khác.

Như vậy, chỉ nên khống chế lượng rượu bia bán cho người dùng tại chỗ chứ không phải là cấm hẳn. Chỗ vui chơi thì không thể cấm cụng ly, nhất là với bia!” - vị giảng viên này nói.

Khách hát karaoke nói gì?

Do có thói quen có tí cay cay mới đủ… “dũng khí” hát hò nên đa số khách vào 
quán karaoke đều gọi bia. “Không có chút bia bọt thì làm sao hát hay” - anh Hải (ngụ Q.3) nói.

Chị Oanh, đang làm việc ở một phường, cho biết rất tán thành việc cấm bia rượu đối với một số đối tượng: “Tôi đồng ý cấm bán rượu cho người chưa thành niên, cấm cán bộ, công chức uống rượu bia trong thời gian làm việc, nghỉ giữa giờ…”.

Riêng việc cấm bia ở quán karaoke thì chị lại băn khoăn: “Nếu uống bia tại quán karaoke mà biết kiểm soát bản thân để không làm phiền hay không gây hại cho ai thì có nên cấm? Tôi nghĩ chỉ nên hạn chế số lượng bia bán ra chứ không nên cấm hoàn toàn”.

Không phải đề xuất là cấm ngay

Ông Nguyễn Huy Quang - vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế, cho hay hiện có những ý kiến phản đối đề xuất này vì cho rằng cấm bia tại quán karaoke có thể vi phạm quyền kinh doanh và vui chơi giải trí.

"Gần đây có đề nghị hạn chế xe máy cũng có nhiều ý kiến phản đối quyết liệt, cho rằng nếu cấm xe máy thì người nghèo khó khăn. Thế nhưng hỏi giải pháp các ông phản đối xem họ đề xuất gì thì họ chỉ phản đối chứ cũng không có giải pháp" - ông Quang nói.

Ông Quang cho rằng dự thảo Luật phòng chống tác hại của lạm dụng rượu bia đang xây dựng là tham khảo từ các bộ luật tương tự của thế giới.

Thế giới cũng hạn chế giờ bán rượu bia, cũng cấm bán rượu bia cho người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai..., riêng quán karaoke là đặc thù của Việt Nam và một số quốc gia châu Á.

"Từ mô hình quán karaoke để hát giải trí ban đầu đã có những biến tướng, như có người rót rượu bia và đã có những vụ xô xát sau khi uống nhiều rượu bia ở quán karaoke.

Hiện dự luật này đang ở giai đoạn đặt ra các giải pháp, sau đó sẽ là lựa chọn các giải pháp rồi mới trình Quốc hội chứ không phải đề xuất ngay cấm bán rượu bia tại quán karaoke vào dự luật" - ông Quang nói.

LAN ANH

Theo Thành Nguyên - Công Trung (Tuổi Trẻ)