Có thể tự học lý thuyết tại nhà
Trao đổi với PV tạp chí Người Đưa Tin Pháp luật, ông Lương Duyên Thống – Vụ trưởng vụ Phương tiện và người lái (tổng cục Đường bộ Việt Nam) cho biết, quy định hiện hành bắt buộc người học lái xe phải học lý thuyết tập trung tại các cơ sở đào tạo với thời lượng 90 giờ (12 buổi học) thì mới được tham gia kỳ thi sát hạch, cấp GPLX.
Cụ thể, ông Thống cho biết, Thông tư 38 do bộ GTVT ban hành có hiệu lực từ ngày 1/5/2020 quy định, các cơ sở đào tạo phải đáp ứng công nghệ để nhận dạng và theo dõi thời gian học lý thuyết môn học pháp luật giao thông đường bộ đối với học viên học lái xe ô tô (trừ hạng B1).
Điều này đồng nghĩa với việc học viên sẽ bắt buộc phải tới các cơ sở đào tạo để hoàn thành đầy đủ giáo trình của bộ môn pháp luật giao thông đường bộ. Đối với 4 bộ môn lý thuyết còn lại học viên sẽ vẫn điểm danh theo sổ như thông thường.
Tuy nhiên, mới đây, bộ Công an vừa có đề xuất cho phép người học được lựa chọn tự học môn lý thuyết thi cấp GPLX. Điều này đã dấy lên một cuộc tranh luận gay gắt.
Mở đầu cuộc chia sẻ với PV về vấn đề này, chuyên gia giao thông, TS. Nguyễn Xuân Thuỷ đặt câu hỏi: Luật giao thông đường bộ hiện hành quy định việc đào tạo sát hạch lái xe do bộ GTVT quy định và quản lý về mặt nhà nước, vì vậy bộ Công an liệu có đang “lấn sân” khi đưa ra đề xuất trên?
Nhìn nhận khách quan, ông Thuỷ cho rằng đề xuất này có phần nào đó phù hợp, nhưng vị chuyên gia này lại đặt quan ngại về vấn đề quản lý nhà nước: “Có thể đề xuất trên của bộ Công an đưa ra là phù hợp với thực tế ở nước ta, tuy nhiên, thẩm quyền trong việc xây dựng, quản lý đào tạo sát hạch lái xe là của bộ GTVT. Không thể có chuyện bộ GTVT vừa ra văn bản quy định việc bắt buộc học lý thuyết thi sát hạch bằng lái xe tại các cơ sở đào tạo rồi bây giờ bộ Công an lại đưa ra đề xuất cho học viên tự học.
“Vì vậy, tôi cho rằng các bộ, ngành phải có sự thống nhất về mặt quản lý nhà nước, các quy định pháp luật phải được ổn định để người dân có thể tiếp cận, làm quen. Do đó, việc đào tạo sát hạch lái xe nên để bộ GTVT quản lý theo đúng quy định hiện hành, bộ Công an nếu muốn đề xuất thì nên trao đổi với bộ GTVT để tránh đưa ra những quy định có tính chồng chéo”, ông nêu ý kiến.
Đề xuất khả thi?
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thành Huân - Phó Giám đốc trung tâm Dạy nghề và sát hạch lái xe Đông Đô cho rằng, đề xuất này phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tế tại Việt Nam.
Ông Huân chia sẻ. ở nước ngoài, việc học viên được tự học lý thuyết thi bằng lái xe đã được áp dụng từ nhiều năm nay và đạt được kết quả tích cực, học viên có thể chủ động được thời gian của mình.
Ông lý giải: “Đề xuất này cũng phần nào nói ra được tâm niệm của những nhà đào tạo như chúng tôi, với mong muốn có được phần mềm để học viên đăng ký học lý thuyết online tại nhà. Trên thực tế, trong thời điểm dịch Covid-19 tại Việt Nam đang có những diễn biến phức tạp, nhiều trung tâm đã áp dụng phương pháp cho học viên học lý thuyết trực tuyến tại nhà để vừa kịp tiến độ kỳ thi, vừa đảm bảo yêu cầu về công tác phòng, tránh dịch bệnh”.
Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng, để có thể áp dụng đề xuất này vào thực tế thì vẫn cần có thêm một thời gian nhất định để xây dựng, sửa đổi sao cho hợp lý. Tránh tình trạng chồng chéo với quy định hiện tại vừa có hiệu lực từ ngày 1/5 vừa qua.
Cùng trao đổi với PV về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, chương trình lý thuyết về kiến thức pháp luật giao thông đường bộ ở nước ta hiện nay không phải là kiến thức quá cao siêu mà chỉ mang tính phổ thông. Do đó, việc áp dụng cho người học có thể chọn tự học lý thuyết thi GPLX là phù hợp với thực tiễn.
“Tôi cho rằng cần xây dựng quy định chương trình học lý thuyết theo hướng học viên có quyền lựa chọn môn nào học tập trung, môn nào tự học để tiện cho việc thu xếp thời gian làm việc và học tập. Đồng thời, tổ chức một số buổi học tập trung nhất định để giáo viên giải đáp những nội dung học viên chưa hiểu. Việc áp dụng tự học lý thuyết sẽ giúp người học chủ động được thời gian, lựa chọn hình thức phù hợp với năng lực của bản thân tránh được những thủ tục không cần thiết”, ông Quyền nói.
Cũng theo ông Quyền, để nâng cao chất lượng đào tạo, các cơ sở đào tạo, sát hạch GPLX cần quản lý nghiêm khâu sát hạch, bởi khi đầu ra được siết chặt, khách quan, công bằng thì bắt buộc học viên sẽ phải học nghiêm túc.
Theo Nguyễn Lâm - Thanh Lam (Nguoiduatin.vn)