Tranh cãi đề xuất "phố nhạy cảm" ở Sài Gòn

26/08/2015 16:03:12

Luật sư Hà Hải phản đối lập "phố nhạy cảm" vì trái thuần phong mỹ tục. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia không đồng tình việc đưa phạm trù đạo đức để bác bỏ.

Luật sư Hà Hải phản đối lập "phố nhạy cảm" vì trái thuần phong mỹ tục. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia không đồng tình việc đưa phạm trù đạo đức để bác bỏ.

Theo báo cáo tại hội nghị, cả nước đang có hơn 11.000 người bán dâm, 97.347 cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ phát sinh hoạt động mại dâm với hơn 59.500 nhân viên nữ làm việc. Tuy nhiên, con số thực tế có thể cao hơn rất nhiều.

Ông Quý đề xuất, Trung ương nên cho một số địa phương như TP HCM, Hà Nội, Hải Phòng tập trung các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm vào khu vực riêng để quản lý tốt hơn. Dù pháp luật nước ta không công nhận mại dâm là một ngành nghề nhưng nó vẫn tồn tại, không thể dẹp bỏ được.
 

Các cô gái làm việc không lương trong một quán karaoke phục vụ khách nước ngoài ở trung tâm Sài Gòn. Ảnh: Khánh Trung.

Hiện TP HCM có nhiều tuyến đường "nổi tiếng" hoạt động mại dâm như Lý Thường Kiệt (quận 11), Nguyễn Chí Thanh (quận 5), Bình Long (Bình Tân), công viên Phú Lâm (quận 6) hay dọc các tuyến quốc lộ thuộc quận 9, quốc lộ 13 (Thủ Đức).

Đề xuất của đại diện Chi cục PCTNXH TP HCM tạo ra nhiều tranh luận trái chiều. Ông Nguyễn Hồng Hà, Phó ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP HCM cho biết, ông phản đối đề xuất trên vì pháp luật chưa công nhận nghề mại dâm.

"Việc thành lập khu 'phố nhạy cảm' không khác nào gián tiếp công nhận mại dâm. Tuy nhiên, vấn đề này mới là ý tưởng tại hội thảo chứ chưa có đề xuất chính thức từ các cơ quan chức năng. Vì vậy trước khi trình lên trên thì các cơ quan quản lý cần nghiên cứu kỹ", ông nói.

Luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP HCM) phản đối việc lập "phố nhạy cảm" bởi điều này trái với thuần phong mỹ tục cũng như quy định pháp luật. "Chúng ta chưa chuẩn bị tâm thế để xem mại dâm là một nghề", ông nói.
Cùng quan điểm, luật sư Hà Hải (Đoàn luật sư TP HCM) cho biết, ông phản đối việc lập "phố nhạy cảm" bởi điều này trái với thuần phong mỹ tục cũng như quy định pháp luật. "Chúng ta chưa chuẩn bị tâm thế để xem mại dâm là một nghề", ông nói.

Theo ông, về mặt xã hội, những giá trị đạo đức và thuần phong mỹ tục được tôn trọng. Người hành nghề mại dâm và cả người mua dâm đều bị lên án, người bán dâm bị chà đạp nhân phẩm.

"Nước ngoài họ công nhân, nhưng chỉ là thiểu số, nhiều nước văn minh vẫn cấm mại dâm. Điều đó tùy thuộc vào giá trị đạo đức xã hội của từng nước chứ không thể nói công nhận mại dâm là tôn trọng quyền và tự do con người", luật sư Hà Hải chia sẻ.

Theo ông, hoạt động mại dâm chỉ thuộc một nhóm nhỏ người trong cộng đồng, trong khi thành lập "phố nhạy cảm" lại tác động đến toàn bộ người dân. Ngoài ra, ở góc độ pháp luật, việc lập "phố nhạy cảm" đi ngược lại nhiều quy định pháp luật hiện hành. Người mua - bán, môi giới mại dâm hiện đều bị xử lý dân sự hoặc hình sự. Do đó, việc lập "phố nhạy cảm" chẳng khác nào cho phép làm trái pháp luật như Luật Hôn nhân gia đình, Dân sự và Hình sự…

"Nếu muốn thành lập 'phố nhạy cảm' thì cần nhiều thủ tục pháp lý, sửa đổi nhiều luật nên cần thời gian dài nghiên cứu", luật sư Hải nêu điều kiện.

Tuy nhiên, ở hướng ngược lại, nhiều người bày tỏ sự ủng hộ đề xuất này. Một người dân sống trên đường Lý Thường Kiệt cho biết, tối nào con đường này đoạn từ 3 tháng 2 đến Thành Thái nối dài cũng có hàng chục cô gái hoạt động mại dâm. Đứng bên cạnh là những kẻ chăn dắt, bảo kê hoặc "cò" bắt mối khách mua vui.

Người dân này đề nghị: "Tôi ủng hộ việc thành lập một khu hoạt động công việc nhạy cảm để tệ nạn không lan vào các khu dân cư, ảnh hưởng cuộc sống người dân và nhà nước cũng dễ quản lý, bảo vệ sức khỏe cho người hành nghề này".

Thạc sĩ Lê Văn Thành - Trưởng phòng Nghiên cứu Văn hóa - Xã hội (Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM) nêu quan điểm ủng hộ đề xuất, nhưng cho rằng thời điểm này chưa phù hợp. Trên thế giới, nước nào công nhận thì đều tổ chức hoạt động bài bản, tập trung và công khai mại dâm, có sự chọn lọc khách hàng. Gái bán dâm cũng được khám bệnh, quản lý.

Trong khi đó, ở Việt Nam, mại dâm chưa được xem là nghề, pháp luật chưa cho phép nên không có cơ sở pháp lý cho việc thành lập khu riêng.

"Theo quan điểm của tôi thì trước sau gì chúng ta cũng sẽ công nhận mại dâm. Nhưng để làm được thì phải cần một thời gian dài nghiên cứu. Các cơ quan chức năng cần chuẩn bị đề án phân tích lợi hại cụ thể", ông Thành bày tỏ.
 

Thời gian vừa qua, lực lượng chức năng TP HCM đột kích nhiều quán bar, vũ trường và nhiều cơ sở dịch vụ "nhạy cảm" và phát hiện nhiều sai phạm. Ảnh: Khánh Trung.

Theo ông Thành, khi có đề án thì sẽ dễ hình dung mô hình như thế nào, quản lý ra sao. Vì khi một đề án mới đưa ra thì sẽ rất khó để dư luận chấp nhận, nếu như không chứng minh được lợi ích. Hiện, các cơ quan chức năng mới nhìn các nước học theo chứ chưa nghiên cứu cụ thể xem họ thực hiện như thế nào, quản lý ra sao.

"Vì vậy, các cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ, lấy ý kiến các chuyên gia và dư luận để đảm bảo khi thành lập 'phố nhạy cảm' không bị xã hội lên án", thạc sĩ Thành nói thêm.

Luật sư Nguyễn Đức Chánh, Công ty Luật TNHH Đức Chánh cho biết, ông ủng hộ đề xuất của đại diện Chi cục PCTNXH TP HCM về việc nên thí điểm gom các cơ sở kinh doanh dịch vụ "nhạy cảm".

Theo ông, dù công nhận hay không thì mại dâm vẫn tồn tại từ xưa đến nay, việc dẹp bỏ rất khó. Trong nhiều năm, chúng ta tiếp cận vấn đề mua, bán dâm dưới góc độ TNXH nên áp dụng nhiều biện pháp hành chính và hình sự để xử lý. Từ đó tạo nên rào cản công nhận mại dâm là một nghề.

Ở góc độ nhà nước, việc gom cơ sở dịch vụ "nhạy cảm" thì việc quản lý sẽ hiệu quả hơn. Còn đối với những lao động trong ngành nghề này sẽ được giám sát, đảm bảo quyền lợi và pháp luật sẽ bảo vệ họ khi bị xâm phạm.

“Ngoài ra, người hành nghề được chăm sóc, khám sức khỏe thường xuyên, phổ biến kiến thức để tránh các bệnh truyền nhiễm, nhất là HIV/AIDS... Bên cạnh đó, nhà nước sẽ có khoản thu ngân sách đáng kể từ các cơ sở này. Việc thành lập 'phố nhạy cảm' có nhiều cái lợi hơn là cấm đoán thiếu hiệu quả như hiện nay", luật sư Chánh cho biết.

Từ góc độ thực tế, một nhân viên công tác xã hội (đề nghị giấu tên) tại TP HCM nêu quan điểm ủng hộ nhưng không tin tưởng điều đó sẽ thành công. Anh cùng các đồng nghiệp nhận thấy việc thu gom các ngành nghề nhạy cảm vào một khu vực là không khả thi trong tình hình hiện nay. Dù có khu riêng thì chưa chắc cơ sở kinh doanh và người làm nghề nhạy cảm sẽ vào hoạt động vì định kiến xã hội.
 

Nhiều quán bar, vũ trường có nhân viên nữ ăn mặc khêu gợi hoạt động. Ảnh: Minh Tiến.

"Người hành nghề mại dâm ở Việt Nam đa số do hoàn cảnh nghèo khó, ít học, bị kẻ xấu dụ dỗ nên mang nhiều mặc cảm. Khi một cô gái bị người thân phát hiện làm việc ở khu vực nhạy cảm thì sẽ xấu hổ và tủi nhục, nên họ muốn ở trong 'bóng tối' dù chịu nhiều thiệt thòi”, nhân viên này nói.

Hiện, anh cùng các đồng nghiệp hàng ngày tiếp cận những người hành nghề mại dâm để tư vấn sức khỏe, áp dụng những biện pháp phòng ngừa bệnh xã hội hoặc trợ giúp đi xét nghiệm y tế miễn phí.
 

Một luật sư bày tỏ, không thể lấy phạm trù đạo đức xã hội hay thuần phong mỹ tục để biện hộ cho việc không công nhận mại dâm hay thành lập "phố nhạy cảm".

Thái Lan là quốc gia có truyền thống theo đạo Phật nhưng họ cũng thành lập "phố đèn đỏ" và công nhận mại dâm là nghề. Nước bạn đã làm và làm rất tốt và nhưng không thể nói là họ thiếu đạo đức xã hội.

"Nếu vướng luật thì phải sửa cho phù hợp với tình hình thực tế vì xã hội luôn thay đổi chứ không nên lấy thuần phong mỹ tục ra biện hộ cho việc hợp thức hoá mại dâm", vị luật sư nói.
 
>> Mại dâm núp bóng massage, cắt tóc thanh nữ ở Sài Gòn
>> Nữ trinh sát giả gái mại dâm ở "phố đèn đỏ"
>> Thâm nhập "căn phòng hạnh phúc" trong "siêu thị" mại dâm
 
Theo Trường Nguyên - Minh Quý (Zing.vn)

Nổi bật