"Gia đình tôi ở quận 3, kinh doanh mặt hàng ăn uống nên ra vào nội đô mỗi ngày 3-4 lần. Nếu TP áp dụng đề án này thì tôi phải tốn thêm một khoản phí không nhỏ", một người dân nói.
Trao đổi với chúng tôi, TS Phạm Sanh (giảng viên ĐH GTVT TP.HCM) cho biết cách đây 4 năm Sở GTVT đã bàn luận, phản biện rất nhiều lần về đề dự án này nhưng không thể đưa vào áp dụng. Giờ dự án được nhắc trở lại thì TP cần xem lại các ý kiến phản biện từ 4 năm trước, so sánh 4 năm sau có gì mới về công nghệ, pháp lý và ý kiến của người dân.
Theo TS Phạm Sanh, muốn biết hiệu quả của giải pháp thu phí ôtô vào nội đô thì phải phụ thuộc vào số lượng, thống kê phân loại các loại xe ra vào khu vực nội thành mỗi ngày. Khi đó TP mới xét đến mức thu, chứ nếu thu ít quá người ta vẫn sử dụng xe cá nhân.
Khu vực nội đô được đề xuất thu phí ôtô nhằm giảm ùn tắc giao thông. |
Ông Sanh cũng đề cập thêm câu chuyện nếu không đi xe ôtô thì TP có phương tiện công cộng có đủ sức hút chưa? Vì nếu chi phí những phương tiện này cao hoặc không thu hút, người dân vẫn chấp nhận đóng phí để đi ôtô vào khu nội thành.
“Đề xuất nào cũng phải suy nghĩ, tính toán kỹ. TP cần phải chọn nhà đầu tư phù hợp, kiểm tra công nghệ, thiết kế, giá thành... Hiện nhiều nước áp dụng giải pháp này thành công như Singapore nhưng Mỹ và Hồng Kông lại thất bại”, TS Phạm Sanh nhấn mạnh.
Còn ông Võ Kim Cương (nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM) cho rằng nếu dự án thu phí ôtô thành công sẽ hạn chế bớt lượng xe ra vào các quận trung tâm TP, góp phần kéo giảm ùn tắc giao thông hiệu quả. Mặc dù vậy, TP phải có nhìn nhận tổng quát hơn về dự án có ảnh hưởng đến kinh tế, văn hóa, xã hội hay không?
Bên cạnh đó, chúng ta đừng quá rập khuôn các phương án chống ùn tắc ở nước ngoài. Thực tế, mỗi quốc gia có một đặc điểm văn hóa, xã hội riêng. Những phương pháp thành công ở nước ngoài chưa hẳn phù hợp với tình hình Việt Nam. Nếu áp dụng không hợp lý thì dễ khiến ùn tắc nặng nề hơn.
Hầu hết người dân và doanh nghiệp đều không hài lòng trước dự án thu phí ôtô vào khu vực nội thành Sài Gòn. Người dân cho rằng hiện họ đang phải “gánh” rất nhiều loại phí nên việc phải đóng thêm khoản phí ra vào nội thành này sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống, kinh doanh.
Anh Lê Văn Đáng (quận 1, TP.HCM) chia sẻ: “Gia đình tôi sống ở quận 3, kinh doanh mặt hàng ăn uống nên việc đi lại ra vào nội đô mỗi ngày 3-4 lần. Nếu TP áp dụng dự án này thì tôi phải tốn thêm một khoản phí, sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống, hoạt động kinh doanh của gia đình”.
Kẹt xe đang là câu chuyện đau đầu nhất của người dân TP.HCM mỗi ngày. Ảnh: Lê Quân. |
Anh Đáng cũng cho rằng giảm ùn tắc giao thông phải giải quyết những vấn đề lớn, cơ bản hơn như mở rộng đường, xây metro, phát triển đường trên cao chứ sao cứ làm theo kiểu “giải pháp tạm thời”. “Nếu áp dụng thu phí, tôi mong TP sẽ có chính sách ưu tiên cho người dân sống trong khu vực nội đô”, anh Đáng đề xuất.
Đồng quan điểm với anh Đáng, anh Nguyễn Đắc Huy (chủ doanh nghiệp chuyển phát nhanh ở quận Tân Bình) cho rằng dự án còn nhiều điều chưa hợp lý.
“Ùn tắc giao thông có nhiều nguyên nhân như cơ sở hạ tầng yếu kém, diện tích đường nhỏ, dân số tăng nhanh, ý thức tham gia giao thông của người dân chưa cao... Việc đưa dự án thu phí vào để giảm ùn tắc giao thông là giải pháp chưa hiệu quả, nếu làm không tốt thì ùn tắc vẫn kéo dài chứ không giảm được”, anh Huy nói.
Việc thu phí ôtô vào khu vực nội đô cũng khiến nhiều hãng taxi trên địa bàn TP lo lắng. “Hiện nay nhiều hãng taxi công nghệ cạnh tranh, giá cước các hãng cạnh tranh. Giờ nếu thu thêm phí ra vào nội đô nữa thì sẽ rất khó khăn cho các hãng. Mặc khác, giá tăng lên người dân cũng phản ứng”, anh Nguyễn Văn Nam, tài xế Taxi Vinasun cho biết.
Anh Nam chia sẻ thêm rằng nếu TP muốn giảm ôtô ra vào khu vực nội đô thì cần đầu tư mạnh hệ thống xe buýt thật tốt. Chứ như xe buýt hiện nay vừa cũ vừa chậm giờ thì người dân thường chọn đi xe cá nhân.
Sở GTVT TP.HCM vừa họp bàn với Công ty công nghệ Tiên Phong về thực hiện dự án thu phí ôtô ra vào khu vực nội đô TP.HCM. Theo đó, dự án đề xuất thu phí từ 30.000 - 50.000 đồng/ xe (tùy loại xe) khi ra vào khu vực nội đô. Theo Sở GTVT đây là giải pháp góp phần giảm tình trạng ùn tắc giao thông ngày càng nghiêm trọng trên địa bàn TP.HCM. Dự án sẽ được báo cáo với UBND TP.HCM trong thời gian tới nhằm sớm đưa vào áp dụng. |
Theo Phước Tuần (Zing.vn)