"Trang trí đang làm dung tục hóa thẩm mỹ Hà Nội"

18/01/2016 09:47:58

Theo TS Liêm, việc trang trí ở Hà Nội đang có sự lạm dụng màu sắc, tạo ra sự lòe loẹt, gây ô nhiễm ánh sáng và hơn thế đang làm dung tục hóa thẩm mỹ của Thủ đô.

Theo TS Liêm, việc trang trí ở Hà Nội đang có sự lạm dụng màu sắc, tạo ra sự lòe loẹt, gây ô nhiễm ánh sáng và hơn thế đang làm dung tục hóa thẩm mỹ của Thủ đô.

Để chào mừng năm 2016, trên nhiều tuyến phố ở Hà Nội xuất hiện nhiều hạng mục trang trí mới. Tuy nhiên, đã có rất nhiều ý kiến của dư luận bày tỏ sự không hài lòng với cách thức trang trí rực rỡ, nhiều màu sắc như hiện nay.

Tiếp thu ý kiến của người dân, Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội đã cho tạm dỡ và chỉnh sửa lại một số hạng mục trang trí ở các tuyến phố.

Trao đổi với chúng tôi, TS Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, nguyên Phó Chủ tịch UBND Tp Hà Nội cho rằng, thực tế hiện nay, trang trí ở Hà Nội đang có sự lạm dụng màu sắc cũng như chiếu sáng đến mức mà người ta gọi là lòe loẹt.

"Tôi cũng đã đi các nước thì ở phương Tây họ trang trí bằng đèn chiếu sáng ban đêm rất ít màu hay không có màu. Ở Paris vào một đêm Noel khi tôi đến thì thấy sáng rực lên, nhưng chỉ có một màu vàng nhạt chứ không có màu khác.

Trong khi đó, ở phương Đông thì trang trí, chiếu sáng ban đêm rất nhiều màu sắc. Có thể do thói quen, văn hóa có khác nhau nên mới như vậy và có thể nhiều màu sắc thì nhìn thích hơn, nhưng dù thích hơn thì cũng cần phải có giới hạn.

Như trong ăn mặc, màu sắc nó phải thế nào chứ lòe loẹt thì cũng không ai chịu được và trang trí, chiếu sáng cũng như vậy", TS Liêm nói.

Cũng theo nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, khi trang trí màu sắc cũng như ánh sáng không thích hợp thì về vấn đề môi trường người ta có từ chuyên môn là "ô nhiễm ánh sáng".

"Màu sắc lòe loẹt chính là một sự ô nhiễm ánh sáng hay sáng đến quá mức cần thiết cũng là ô nhiễm ánh sáng. Cho nên, gần đây, trang trí của Hà Nội dù chỉ trong những ngày hội thôi nhưng dùng quá nhiều màu sắc, do đó đã gặp phải phản ứng của xã hội.

Chúng ta không phản đối màu sắc, nhưng phản đối sự lạm dụng màu sắc đến mức ô nhiễm", ông nêu.

TS Liêm cũng nhấn mạnh, vấn đề ô nhiễm ánh sáng này sẽ khiến cho khiếu thẩm mỹ của con người bị sai lệch đi. Bởi khi chúng ta làm đến quá nhiều màu sắc thì sẽ gây hỗn loạn, tiêu chuẩn về vẻ đẹp bị đảo lộn.

Cùng với đó, vị này cũng lấy lại ví dụ về một thời mà mọi người chứng kiến các cô gái bôi môi son đỏ chót và bây giờ không ai bôi nữa để so sánh với việc trang trí Hà Nội như hiện nay.

Ông nói: "Cái môi rất đẹp mà đem bôi đỏ chót vào thì cũng như đô thị Hà Nội của chúng ta vốn đẹp như thế lại đem bôi bẩn. Đây là sự cảnh báo cho những nhà quản lý đô thị".
 

Chiếc cổng chào này được chụp ở phố Phan Đình Phùng chiều 15/1. Ảnh: Báo Giao thông

 
Dù xã hội hóa cũng không như thế

Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cũng chia sẻ, cá nhân ông cũng đã theo dõi những hình ảnh về dàn hoa hồng trang trí trước khu vực Quảng trường Ba Đình, Lăng Bác và ông thấy rằng, không thể để như thế bởi đó là nơi tôn nghiêm.

Không đồng tình với ý kiến cho rằng, việc trang trí lòe loẹt đang khiến Hà Nội "nông thôn hóa", TS Liêm đánh giá, thực tế, nông thôn không được trang trí hay chiếu sáng như vậy.

"Cái chê đó có vẻ không đúng lắm mà ở đây việc trang trí, chiếu sáng như vậy đang làm dung tục hóa thẩm mỹ của Hà Nội", TS Liêm nêu rõ.

Trước ý kiến của lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội cho rằng, đây là nguồn kinh phí xã hội hóa nên phải đảm bảo hài hòa yêu cầu của người bỏ tiền, ông Liêm nhìn nhận, nếu có sự tình nguyện thì cũng không thể trang trí như hiện nay.

"Việc có tiếp nhận xã hội hóa, tiếp nhận yêu cầu của người bỏ tiền hay không là do cơ quan quản lý. Còn vì xã hội hóa mà tiếp nhận điều đó thì không được và đây không phải quan điểm của nhà quản lý", TS Liêm nhấn mạnh thêm.

Ông Liêm cũng nêu rõ, bản thân Hà Nội và mỗi tuyến phố đều đã có những vẻ tiềm năng để làm đẹp. Vấn đề là cần xác định rõ mục đích trang trí để làm gì.

"Muốn tạo ra bản sắc riêng, vẻ đẹp thực sự thì theo tôi cần phải có ý kiến, góp ý của các chuyên gia những người nghiên cứu, nhà phê bình thực sự chứ không phải để phó mặc cho những người không có chuyên môn.

Mỗi thành phố có thể có trang trí khác nhau, nhưng với Hà Nội thì phải trang trí làm sao cho nó đảm bảo với ý nghĩa, vai trò, vị trí của Thủ đô", TS Liêm đưa ý kiến.

Cũng trên trang cá nhân của mình, nhà văn Phạm Ngọc Tiến nhận định, một loạt hoa trang trí mô phỏng kệch cỡm và lòe loẹt "biến đường phố Hà Nội như những sân khấu xiếc".

Cũng theo ông Tiến, Lăng Bác là nơi tôn nghiêm nhưng "một hàng rào sắt chạy dài theo thảm cỏ được đính hoa sắt đỏ lòe nhức mắt".
 
>> Đèn đường trang trí Tết bị chê lòe loẹt, Giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội nói gì?

Theo Hoàng Đan (Soha.vn/Trí Thức Trẻ)

Nổi bật