Giáo viên kiện nhà trường

16/08/2018 08:03:00

Không có đủ ngôn từ nào để diễn tả nổi tâm trạng rối bời, suy sụp của gần 300 giáo viên và nhân viên giáo dục ở huyện Thanh Oai, TP Hà Nội trong những ngày này khi họ sắp bị cắt hợp đồng.

Thông báo số 1020 của UBND huyện Thanh Oai ký ngày 19-7-2018 cho biết từ ngày 1-9, 278 giáo viên mầm non, tiểu học và THCS các trường công lập của huyện sẽ bị chấm dứt hợp đồng lao động, chuyển về cho hiệu trưởng từng trường xem xét, ký nhận việc theo nhu cầu. Huyện sẽ tổ chức thi tuyển công chức giáo dục nhưng chỉ tiêu chỉ khoảng 110 người, tức là sẽ có ít nhất 168 giáo viên,nhân viên thất nghiệp.

Nhiều người đã bật khóc, nói rằng mình đã dành hết thời thanh xuân cống hiến cho ngành giáo dục địa phương, đến bây giờ đã 50 tuổi, bị đẩy ra đường thì chẳng biết làm gì nuôi sống gia đình. Có người kể suốt 21 năm chỉ được dạy môn phụ dù bằng cấp và trình độ chuyên môn có thừa, lương hợp đồng trừ đi các khoản chỉ còn 1,2 triệu đồng/tháng, đã chật vật lắm rồi mà sắp tới mất sạch, tương lai con cái biết về đâu… Ai cũng trách nghề giáo sao mà bạc, xã hội sao mà bất công với người thầy quá…!

Thảm cảnh đó tương tự trường hợp của 550 giáo viên hợp đồng ở huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk. Chậm nhất là đến tháng 10, địa phương này phải buộc thôi việc với toàn bộ số giáo viên kể trên. Mấy tháng qua, một ít trong số họ đã dự thi công chức giáo dục, còn phần nhiều biết thân biết phận đã xoay trở mọi cách để chuyển nghề, tìm kế mưu sinh. Có thầy đi phụ hồ, làm thợ tiện; có cô đi buôn thúng bán bưng; nhiều gia đình nhà giáo lục đục vì sinh kế không còn, cụt nguồn thu nhập. Chẳng ai mong chờ vào khoản hỗ trợ ít ỏi của địa phương, dù rất bèo bọt nhưng cũng xét tới xét lui, nhiêu khê muôn nỗi.

Chắc chắn không riêng 2 địa phương kể trên, còn nhiều nơi nữa giáo viên hợp đồng cũng như cá đang nằm trên thớt. Cám cảnh thay, chuyện buồn lại xảy đến trước thềm năm học mới, ở một đất nước có truyền thống tôn sư trọng đạo.

Giáo viên kiện nhà trường
Giáo viên đến kêu cứu tại trụ sở UBND huyện Thanh Oai - Ảnh: Định Nguyễn

Không thể để chỉ mỗi giáo viên chịu thiệt thòi. Những quan chức hữu trách trong bộ máy chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra những chuyện như vậy. Đặt bút ký bừa, thậm chí ký vì nhận "phí đầu vào", nay hữu sự đâu thể phủi trách nhiệm bằng thông báo chấm dứt hợp đồng lao động một cách lạnh lùng, bất nhẫn là xong! Do vậy, một số giáo viên ở huyện Krông Pắk đã nộp đơn khởi kiện ra tòa án đòi quyền lợi và làm rõ trách nhiệm cá nhân.

Nói rộng hơn, không thể không đề cập trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cử nhân sư phạm thất nghiệp ê hề theo từng năm, tỉ lệ nghịch với điểm đầu vào của ngành đào tạo giáo viên vậy mà vẫn nhắm mắt nhận vào. Năm ngoái có nơi 3 môn 9 điểm là đậu vào sư phạm, năm nay có nâng lên nhưng mặt bằng nhìn chung vẫn thấp. Cứ cắm đầu thi - tuyển - học trong khi chẳng biết ra trường rồi làm gì, cái vòng luẩn quẩn ấy trói chặt ngành sư phạm, làm sao "lớn" lên nổi.

Nhà giáo đi kiện nhà trường là việc chẳng đặng đừng, rất buồn. Buồn nhưng nhất thiết phải làm vì nếu ngồi im thì những câu chuyện thê thảm như thế sẽ không bao giờ chấm dứt

Theo Sơn Tràng (Nld.com.vn)

Nổi bật