Không kịp mang theo gì khi chạy lũ, nhiều người đã bật khóc khi quay về nhà cũ, giờ chỉ còn là bãi đá ngổng ngang.
Khi nước lũ đổ về sáng 3/8, vợ chồng anh Hù và hai đứa con nhỏ (16 tuổi và 13 tuổi) kịp chạy lên núi. Vì tiếc con lợn nên anh quay lại và gặp nạn. Ba mẹ con chị Sầu chỉ biết đứng ôm nhau khóc, nhìn chồng nhìn cha mất tích trong dòng nước chảy xiết.
|
Nửa thân trước một chiếc xe máy bị vùi lấp trong biển bùn của sân vận động Mù Cang Chải. Ảnh: Ngọc Thành |
Hơn hai ngày nay, ba mẹ con chị ở tạm nơi làm việc của chồng trong sự đùm bọc của mọi người. Tài sản chẳng kịp mang theo gì. Bốn đứa trẻ 7-15 tuổi là cháu ruột của anh Hù cũng bị lũ cuốn, thi thể được tìm thấy vào chiều 4/8.
Người trong họ cũng chỉ đến thăm hỏi vợ anh Hù được vài phút rồi đi vì còn ba người thân nữa đang mất tích. “Chưa bao giờ trong dòng họ lại có nhiều người chết và mất tích vì lũ như vậy”, một người nói.
Các cụ già trong bản cho hay “chưa bao giờ chứng kiến lũ quét dã man đến vậy”.
Khó khăn chồng chất gây dựng cuộc sống
Sau trận lũ quét sáng 3/8 ở Mù Cang Chải, 26 ngôi nhà bị cuốn trôi, 14 nhà đổ sập hoàn toàn. Một số gia đình khăn gói đến nhà người thân ở nhờ, còn lại được nhà chức trách bố trí chỗ ở tại nhiều nơi trong huyện.
Hai căn phòng chừng 20m2 ở ký túc xá của trung tâm giáo dục thường xuyên huyện Mù Cang Chải là nơi trú ngụ ba ngày nay của gia đình chị Giàng Thị Ái (31 tuổi) và Hảng Thị Dăng (30 tuổi). Những đứa trẻ không có chỗ chơi nên bố mẹ cho nghịch điện thoại để đỡ nhớ nhà.
Căn phòng 20m2 ở ký túc xá là nơi ở tạm của gia đình chị Ái. Ảnh: Phạm Dự. |
Chị Ái cho biết hai đứa con nhỏ (2 tuổi và 10 tuổi) cứ chiều tối là khóc và đòi về. Chồng chị là cán bộ y tế thị trấn, đi công tác đúng hôm xảy ra lũ quét. Rạng sáng, thấy lũ cuồn cuồn cuộn đổ xuống, ba mẹ con vội ôm nhau chạy vội lên núi nên thoát chết. Mọi tài sản gồm nhà gỗ, tivi, tủ lạnh, xe máy… bị cuốn trôi. Ước tính thiệt hại hơn 200 triệu đồng.
Từ khi lũ đi qua, chị Ái ba lần trở về nhà, “lần nào cũng khóc vì giờ chỉ còn là bãi đá”. Chị lo tháng sau học sinh đi học trở lại gia đình chị sẽ phải đi về đâu. “Tôi và chồng đang tính sẽ mua bạt để trở về bãi đá chỗ nhà “cũ” dựng lều ở tạm cho đến khi có tiền mua chỗ khác”, chị nói.
Còn chị Dăng mong muốn được nhà chức trách địa phương bố trí ở nơi khác, giờ gia đình chị đã trắng tay. Chị không dám quay về nơi ở cũ do sợ “lũ quét sẽ ập đến bất cứ lúc nào”.
Chiều 5/8, Mù Cang Chải mưa nặng hạt. Hơn 400 người vẫn tích cực tìm kiếm 10 nạn nhân mất tích. Chủ tịch tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy cũng có mặt trực tiếp tại hiện trường chỉ đạo tìm kiếm. Ông nói mưa cũng tìm kiếm, đến khi nào “tìm thấy hết các nạn nhân xấu số thì thôi”.
Trước đó, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp với xoáy thấp phát triển, từ ngày 2/8 miền núi phía Bắc có mưa to. Lũ quét, lũ ống đã xuất hiện ở Mù Cang Chải (Yên Bái), Mường La (Sơn La) và một số tỉnh thành khác vào sáng sớm 3/8 làm 10 người chết, 25 người mất tích.
Theo Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, mưa lũ khiến 18 người chết, 19 người mất tích và 12 bị thương. Trong đó, Yên Bái ba người chết, 11 người mất tích và 9 người bị thương; Sơn La 10 người chết, 7 người mất tích và 3 bị thương; Lai Châu 2 người chết, một mất tích và Điện Biên ba người chết.
Mưa lũ cuốn trôi hơn 200 ngôi nhà, vùi lấp hàng trăm ha lúa. Nhiều tuyến đường giao thông ở Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Yên Bái bị sạt lở, gây ách tắc giao thông. Ước tính thiệt hại ban đầu 700 tỷ đồng.
Theo Phạm Dự (VnExpress.net)