Trúng tuyển nguyện vọng 1 - mục tiêu mà bản thân yêu thích và mong muốn nhất, chắc chắn là mơ ước của hầu hết các sĩ tử. Tuy nhiên mới đây, khi các trường bắt đầu công bố điểm chuẩn theo hình thức thi tốt nghiệp THPT 2024, một nữ sinh lại có tâm trạng hối hận vì "lỡ" đậu nguyện vọng 1. Em thắc mắc không biết, liệu đã đỗ NV1 thì có phải bỏ hết các nguyện vọng còn lại hay không.
Đáng nói, phía dưới bài đăng, khá nhiều bình luận cũng cho biết mình đang ở tình cảnh tương tự, hối hận vì cách đặt nguyện vọng hồi tháng 7. "Hối hận vô cùng"; "Ước được quay lại để lựa chọn"... là những lời than thở của các sĩ tử 2k6.
Đậu cả nguyện vọng 1 và 2 nhưng muốn học ở trường NV2 có được không?
Ngày 26/04/2024, Bộ giáo dục và đào tạo đã ban hành Công văn 1957/BGDĐT-GDĐH hướng dẫn tuyển sinh đại học năm 2024. Trường hợp, nếu đỗ cả nguyện vọng 1 và 2 nhưng muốn học ở trường NV2 có được không? Thủ tục xác nhận nhập học như thế nào? Trách nhiệm của các cơ cơ sở giáo dục đào tạo trong công tác tuyển sinh là gì? Mời các bạn tham khảo bài viết dưới đây:
Theo đó, Công văn 1957/BGDĐT-GDĐH nêu rõ:
- Các nguyện vọng của thí sinh đăng ký xét tuyển vào tất cả các CSĐT đăng ký theo ngành/chương trình và được xếp thứ tự từ 1 đến hết (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất), đồng thời thí sinh phải cung cấp các dữ liệu (theo tiêu chí, điều kiện, quy trình đăng ký được quy định tại ĐATS của các CSĐT) tương ứng với ngành/chương trình mà thí sinh đã ĐKXT để các CSĐT sử dụng xét tuyển (Hướng dẫn chi tiết các bước đăng ký được đăng tải trên Hệ thống khi thí sinh truy cập vào để đăng ký);
- Tất cả các nguyện vọng xét tuyển của thí sinh vào CSĐT được xử lý trên Hệ thống và mỗi thí sinh chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng cao nhất trong số các nguyện vọng đã đăng ký khi bảo đảm đủ điều kiện trúng tuyển;
Như vậy, mỗi thí sinh chỉ được trúng tuyển vào 1 trường có nguyện vọng 1 duy nhất. Nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1, thí sinh sẽ xét các nguyện vọng tiếp theo theo thứ tự ưu tiên của các nguyện vọng 2,3,4...
Trong trường hợp thí sinh đỗ trường nguyện vọng 1 nhưng không muốn học mà muốn học ở trường nguyện vọng 2, nguyện vọng 3, lúc này thí sinh có thể từ chối nhập học trường nguyện vọng 1. Khi không xác nhận nhập học theo thời gian quy định thì lúc đó coi như thí sinh từ chối nhập học vào trường. Lúc này, thí sinh theo dõi trường nguyện vọng 2 có xét tuyển bổ sung do thiếu chỉ tiêu hay không. Nếu có, bạn có thể nộp hồ sơ riêng theo quy định riêng của trường. Tuy nhiên, việc này rất may rủi vì thông thường những ngành HOT của trường đều đã xét đủ chỉ tiêu ngay từ đợt 1. Những ngành, những trường xét bổ sung thường là những ngành, những trường kén thí sinh.
Các trường thông báo xét tuyển bổ sung sau khi thí sinh hoàn thành việc nhập học đợt 1.
Trước đó, trên mạng xã hội Threads, một người dùng đã chia sẻ câu chuyện của bản thân liên quan đến câu chuyện này:
"Tớ chán quá. Tớ để nguyện vọng 1 mà mình chắc chắn đỗ 99,9%, mà tớ muốn học mấy nguyện vọng 3, 4 hơn cơ, kể cả gia đình tớ cũng không thích trường nguyện vọng 1 mà tớ đang để. Trời ơi có cách nào để được quay trở về ngày 30/7 không, tớ muốn xóa nguyện vọng 1 quá. Hối tiếc không thể nào nói thành lời. Cầu mong đừng đỗ nguyện vọng 1".
Trường hợp của các thí sinh nói trên cho thấy tầm quan trọng của việc cân nhắc kĩ khi đăng ký nguyện vọng. Các chuyên gia khuyên, ngoài việc cân nhắc lựa chọn nguyện vọng dựa trên khả năng trúng tuyển của mình cũng như tố chất, năng lực, đáp ứng nhu cầu việc làm trong tương lai, các em còn lưu ý yếu tố sở thích.
Nhiều em chủ quan khi đặt nguyện vọng, đến khi không đỗ vào trường mình thực sự yêu thích thì đắn đo trong việc nên nhập học hay tiếp tục ôn thi để năm sau thi lại vào ngành mình mong muốn. Điều này rất mất thời gian cũng như lãng phí tiền bạc.
Cũng có trường hợp thí sinh từ chối nhập học do vấn đề học phí. Kinh tế ngày càng khó khăn, việc làm của phụ huynh bấp bênh, thu nhập sụt giảm trong khi cơ chế tự chủ đại học khiến học phí thì tăng cao khiến nhiều thí sinh từ bỏ con đường học đại học hoặc không thể nhập học chuyên ngành mình mong muốn.
Theo Hiểu Đan (Phụ Nữ Số)