Đêm 7/2, TP.HCM tiến hành xét nghiệm COVID-19 lần 2 cho hơn 1.000 nhân viên sân bay Tân Sơn Nhất đồng loạt 24 quận huyện.
Nếu như kết quả vẫn làm âm tính SARS-CoV-2 thì ngày 8/2, các nhân viên mới có thể đi làm trở lại.
Tại quận Bình Thạnh, Trạm y tế phường 19 là nơi lấy mẫu các nhân viên sân bay sinh sống ở địa phương.
20h đêm, việc lấy mẫu được bắt đầu. Theo thủ tục, người được lấy mẫu sẽ trình thẻ sân bay, kê khai thông tin cá nhân.
Sau khi ghi chép kỹ lưỡng, nhân viên y tế tiến hành đo nhiệt độ và viết phiếu, đưa lọ lấy mẫu bệnh phẩm cho đối tượng.
Kế đến, nhân viên sân bay sẽ vào phòng riêng chuẩn bị sẵn dụng cụ để kỹ thuật viên tiến hành phết dịch mũi và họng lấy mẫu xét nghiệm COVID-19.
Dù đã có kết quả xét nghiệm lần đầu âm tính nhưng nhiều người khi được tái xét nghiệm vẫn có cảm giác lo lắng.
Hà Vi (21 tuổi), thực tập sinh tại Công ty phục vụ mặt đất Sài Gòn cho biết, lúc nghe thông tin nhân viên bốc dỡ hàng hóa nhiễm COVID-19 cô khá lo sợ, vì sân bay rất rộng và có hành khách từ khắp nơi đến nên nếu để lây lan thì hậu quả sẽ rất lớn.
"Lần trước được lấy mẫu ở sân bay, còn lần này thì về địa phương. Cảm giác của em vẫn như hôm trước, rất lo lắng. Mọi thứ có thể phòng bệnh em đều sử dụng như bao tay, bịt mặt, sát khuẩn. Hi vọng lần này tiếp tục âm tính để em sớm được đi làm lại" - cô gái nói.
Cũng trong tâm trạng hoang mang, lo sợ là chị H. (28 tuổi), nhân viên quầy làm thủ tục của hãng hàng không Singapore Airlines. Thời điểm xét nghiệm COVID-19 lần 2, chị đang mang thai tháng thứ 8.
"Lúc nghe có ca nhiễm ở sân bay tôi rất sợ, thậm chí muốn nghỉ việc ngay.
Sợ nhất là việc gộp mẫu xét nghiệm chung với người khác, nếu lỡ dương tính thì phải cách ly. Mà mình đang có em bé, vào đó thì dễ ảnh hưởng đến con.
Hằng ngày khi đi làm tôi cũng đội nón có tấm chắn giọt bắn rất kỹ. Hôm nay nếu kết quả xét nghiệm âm tính lần nữa tôi cũng chưa chắc sẽ đi làm lại, vì còn tuỳ vào tình trạng của thai nhi sắp sinh nữa" - chị H. chia sẻ.
Lạc quan hơn, sau khi lấy mẫu xét nghiệm xong, anh Tú (27 tuổi) cho biết, từ đầu mùa dịch công ty của anh đã hướng dẫn rất kỹ càng, quán triệt việc giữ bình tĩnh, thực hiện quy tắc 5K của Bộ Y tế trong công tác phòng chống dịch bệnh.
Cơ quan anh yêu cầu sát sao việc luôn đeo khẩu trang khi làm việc, thường xuyên sát khuẩn tay và không tụ tập đông người.
Do đó, anh và các đồng nghiệp đều tự tin sẽ tiếp tục có kết quả âm tính.
23h đêm, hàng chục mẫu xét nghiệm tại quận Bình Thạnh đã được lấy. Trong trang phục bảo hộ kín mít và không khí khá nóng bức, những giọt mồ hôi của các y, bác sĩ Trung tâm Y tế quận Bình Thạnh đã đổ.
Chỉnh lại chiếc nón bảo hộ trên đầu, Cử nhân xét nghiệm Trần Diễm Trinh (25 tuổi, quê Trà Vinh) cho biết đây là lần thứ 4 kể từ khi dịch bệnh bùng phát cô thực hiện nhiệm vụ xét nghiệm COVID-19 cho các đối tượng nguy cơ, và hầu như lần nào cũng làm tối.
Thời điểm quận Bình Thạnh có ca nhiễm bệnh, Trinh cùng các nhân viên y tế quận phải đến tận nhà người dân lấy mẫu và đi liên tục đến 4h sáng mới hoàn tất.
"Năm nay vì tình hình dịch bệnh phức tạp nên tôi không về quê mà được phân công trực lấy mẫu từ 28 tháng Chạp đến mùng 6 Tết Nguyên đán. Chỉ mong dịch bệnh sớm kết thúc để cuộc sống sớm trở lại bình thường" - nữ cử nhân xét nghiệm ước nguyện cho năm mới.
Theo dự kiến vào đêm nay, quận Bình Thạnh sẽ lấy được khoảng 200 mẫu. Tuy nhiên đến 0h đêm mới chỉ có 69 trường hợp được lấy mẫu. Các mẫu bệnh phẩm sau đó đã được bỏ vào thùng để vận chuyển về nơi làm xét nghiệm.
Trong đêm 7/2, quận Tân Bình đã lấy hơn 250 mẫu. Tại quận Gò Vấp, số mẫu xét nghiệm COVID-19 lấy được là hơn 100 mẫu.
Đến 0h ngày 8/2, ở Khu cách ly tập trung quận 2 lấy được 13 mẫu.
Theo Hoàng Lê (Pháp Luật & Bạn Đọc)