Tại cuộc họp báo về công tác phòng chống dịch trên địa bàn TP chiều ngày 20/9, Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Hữu Hưng cho biết, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM vừa có văn bản khẩn về việc tiếp tục triển khai công tác xét nghiệm tại địa bàn dân cư từ nay đến ngày 30/9.
Theo đó yêu cầu các quận, huyện, thành phố Thủ Đức và các phường, xã, thị trấn tiếp tục triển khai thần tốc việc lấy mẫu xét nghiệm để phân loại ngay nguồn lây nhiễm và điều trị kịp thời hiệu quả, từ đó phấn đấu đạt tiêu chí kiểm soát dịch bệnh theo Quyết định 3979 của Bộ y tế đối với TP.HCM trước ngày 30/9.
Việc triển khai thực hiện căn cứ vào kết quả đánh giá, phân loại lại vùng nguy cơ sau ngày 14/9. Cụ thể, tại các "vùng đỏ, vùng cam", cần thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên đơn cho toàn bộ người dân trên địa bàn, trừ các trường hợp F0 đã được xác định trong vòng 14 ngày gần đây và các trường hợp F0 đã xuất viện hoặc khỏi bệnh. Lặp lại sau mỗi 02 ngày, làm liên tục 03 lần trong 07 ngày.
Tại các vùng vàng, vùng xanh, vùng cận xanh, thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên đơn cho mẫu đại diện hộ gia đình. Trong đó, mẫu đại diện đợt sau phải khác với mẫu đại diện ở đợt trước, ưu tiên chọn người chưa tiêm vaccine, người tiếp xúc với nhiều người khác, không chọn người đại diện đã từng là F0. Lặp lại sau 04 ngày, làm liên tục 02 lần.
Các hộ gia đình đã có ca xác định dương tính lần trước sẽ không thực hiện xét nghiệm ở những lần giám sát xét nghiệm tiếp theo. Toàn bộ hộ gia đình của trường hợp có ca dương tính được quản lý, theo dõi theo quy định tại địa phương.
Nếu phát sinh trường hợp dương tính mới trong hộ gia đình thì tiếp tục cập nhật vào hệ thống giám sát, chăm sóc, theo dõi và điều trị. Lưu ý, các hộ gia đình có ca dương tính phải được căng dây phong tỏa và dán biển đỏ cảnh báo trước cửa theo quy định.
Để đảm bảo các quy định và nguồn lực tham gia lấy mẫu, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 TP.HCM yêu cầu tiếp tục chia nhỏ địa bàn và tổ chức nhiều đội lấy mẫu phù hợp, chủ động huy động, tăng cường nguồn nhân lực tại địa phương tham gia công tác lấy mẫu.
Triển khai, hướng dẫn người dân tự lấy mẫu xét nghiệm, cán bộ y tế hoặc tình nguyện viên phát test nhanh tới từng hộ gia đình, thực hiện giám sát xét nghiệm, ghi nhận kết quả, thống kê và báo cáo. Khay test nhanh được để trong túi ZIP, đính kèm hướng dẫn và dùng túi ZIP đó để đựng lại khay kết quả (sau khi người dân tự lấy mẫu xét nghiệm thì cán bộ y tế hoặc tình nguyện viên thu nhận lại khay test nhanh để đánh giá kết quả bao gồm cả kết quả dương và kết quả âm, tránh trường hợp chỉ thu khay kết quả dương mà không thu khay kết quả âm).
Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP lưu ý, các đơn vị cần phân công nhân sự chịu trách nhiệm làm công tác thống kê, báo cáo (không giao cán bộ, nhân viên y tế thực hiện báo cáo số liệu để tập trung công tác chuyên môn), đảm bảo báo cáo đầy đủ nội dung và thời gian theo yêu cầu của Thành phố. Tổng số ca dương tính được báo cáo dựa trên số liệu test nhanh dương tính trong ngày.
Trạm Y tế lưu động có trách nhiệm giám sát và chăm sóc sức khỏe toàn bộ các thành viên trong hộ gia đình có ca dương tính. Kịp thời phát hiện các triệu chứng nghi ngờ và xét nghiệm bổ sung cho các thành viên còn lại. Chỉ đạo các lực lượng chức năng tiếp tục siết chặt giãn cách tại các khu vực cách ly trong cộng đồng.
Tổng hợp, báo cáo toàn bộ hoạt động xét nghiệm và đánh giá phân loại lại vùng nguy cơ theo quy mô tổ dân phố, tổ nhân dân, gửi về Sở Y tế (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố) trước 16 giờ 00 ngày 28/9 để tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố (HCDC) phân công nhân sự trực tiếp giám sát tại địa bàn từng quận, huyện, thành phố Thủ Đức về công tác xét nghiệm.
Trong đó lưu ý giám sát về chuyên môn, cách thức triển khai, thường xuyên nắm bắt tình hình, diễn biến, số liệu, tiến độ thực hiện để báo cáo Sở Y tế và Trung tâm Điều phối xét nghiệm SARS-CoV-2 Thành phố để chỉ đạo, điều chỉnh, hỗ trợ kịp thời.
Tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện công tác xét nghiệm trên địa bàn Thành phố từ ngày 15/8 đến ngày 30/9 gửi về Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 Thành phố.
Ngoài ra, để chuẩn bị cho các hoạt động mở cửa dần từng bước và trong giai đoạn bình thường mới, Sở Y tế ban hành văn bản hướng dẫn về công tác xét nghiệm giám sát thường xuyên đối với các đối tượng, khu vực khác như chợ đầu mối, chợ dân sinh, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trường học, sân bay, bến xe, bến tàu, ga đường sắt, bệnh viện, các đơn vị thường xuyên lưu trú đông người, các lực lượng thường trực tại các chốt giao thông, lực lượng giao hàng (shipper), khối cơ quan hành chính sự nghiệp, khu công nghiệp, các đơn vị sản xuất kinh doanh...
Tổ Điều phối nguồn nhân lực tham gia phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP.HCM thuộc Sở Nội vụ cần khẩn trương phối hợp với Sở Y tế tham mưu UBND TP đề xuất Chính phủ hỗ trợ 5.000 nhân sự tham gia thực hiện công tác xét nghiệm trên địa bàn Thành phố từ nay đến ngày 30/9.
Thành Đoàn TP.HCM tiếp tục huy động lực lượng đoàn viên, thanh niên tình nguyện để tham vào đội hình lấy mẫu, cấp phát test xét nghiệm cho người dân từ nay đến hết ngày 30/9 với số lượng bổ sung là 1.000 người.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, các đơn vị kịp thời phản ánh về Sở Y tế, Trung tâm Điều phối xét nghiệm SARS-CoV-2 Thành phố để xem xét, giải quyết hoặc báo cáo đề xuất UBND TP những nội dung vượt thẩm quyền.
Theo Tứ Quý (Pháp Luật & Bạn Đọc)