Ông P. mua một lô đất 100m2 ở P.Linh Xuân (Q.Thủ Đức, TP.HCM) từ nhiều năm trước, đã được cấp giấy chủ quyền.
Người dân làm thủ tục hồ sơ nhà đất tại quận Gò Vấp, TP.HCM - Ảnh: Tự Trung |
Sau đó, ông P. nộp hồ sơ xin cấp giấy mới cho đúng vị trí thửa đất tại văn phòng ngày 17-6-2015 và được hẹn trả vào ngày 16-7-2015. Đến ngày hẹn, ông liên hệ văn phòng hỏi kết quả thì được trả lời chưa có, tuần sau ông đến cũng được trả lời chưa có. Ông P. kể: “Những lần gần đây, tôi đến văn phòng hỏi thì các nhân viên ở đây trả lời hồ sơ đã chuyển lên Sở TN-MT, chưa biết khi nào có kết quả”.
Trễ hẹn 1-2 tháng
Không riêng ông P. mà nhiều người khác hỏi cũng được trả lời như vậy. Người nào bức xúc hỏi thì các nhân viên của Văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh Q.Thủ Đức hướng dẫn người dân liên hệ tại... số 12 Phan Đăng Lưu (trụ sở chính của Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM).
Đến nay, đã quá hẹn bốn tháng rưỡi mà ông P. vẫn chưa có được giấy điều chỉnh sai sót không phải do lỗi của mình. Dự định xây nhà trong năm nay của ông P. cũng đành xếp lại vì tết đã gần kề.
Tương tự, ông T. làm thủ tục hoàn công và xin cấp giấy mới cho căn nhà tại P.9 (Q.Gò Vấp) cũng mệt mỏi vì hồ sơ trễ hẹn nhiều tháng và chưa biết khi nào mới nhận được kết quả. Hồ sơ của ông T. được Văn phòng chi nhánh Q.Gò Vấp hẹn trả vào ngày 17-9, đến nay đã trễ gần ba tháng.
Ông T. ngán ngẩm kể lại hành trình lui tới của mình: “Buổi sáng, tôi đến UBND Q.Gò Vấp làm thủ tục, nhân viên không hẹn đến bao giờ thì có kết quả. Vài hôm sau tôi lại đến và ngồi chờ, lại về. Tôi tới lui hỏi cũng trên dưới 10 lần rồi mà vẫn chưa nhận được giấy chứng nhận”.
Đồ họa: Vĩ Cường |
Việc trễ hẹn hàng loạt hồ sơ xin cấp đổi sổ đỏ của người dân TP.HCM bắt nguồn từ việc tổ chức lại Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM theo quy định mới.
Từ ngày 1-7-2015, ở TP.HCM chỉ còn một văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM trực thuộc Sở TN-MT, các văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp quận huyện trước đây trở thành chi nhánh của Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM.
Theo quy định, sau khi giao dịch nhà đất, người dân có thể yêu cầu đăng ký biến động vào giấy cũ hoặc xin cấp giấy mới. Nếu đăng ký biến động mà chỉ yêu cầu cập nhật thông tin mới vào giấy cũ thì sẽ do giám đốc các chi nhánh văn phòng đăng ký ký nhận.
Còn nếu yêu cầu cấp giấy mới thì sẽ do Sở TN-MT ký cấp. Do số lượng hồ sơ xin cấp đổi giấy của 24 quận huyện khá nhiều, khoảng 300 hồ sơ mỗi ngày, đều được chuyển về một đầu mối là Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM để kiểm tra và trình Sở TN-MT ký cấp nên dẫn đến việc ách tắc và trễ hẹn như hiện nay.
Ông Phạm Ngọc Liên, giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM, cho biết từ khi sắp xếp lại mới thấy phát sinh nhiều vấn đề.
Cụ thể như quy trình cấp giấy và nộp nghĩa vụ tài chính của các địa phương vẫn theo cách làm của luật cũ, chưa thay đổi cho phù hợp với luật mới, các chi nhánh văn phòng hiểu chưa thống nhất một số quy định dẫn đến ghi sai thông tin trên giấy chứng nhận, hoặc cấp giấy cho dân trùng ranh, chồng thửa...
Một lý do trễ hẹn nữa, theo ông Liên, là việc kiểm tra hồ sơ hai lần. Theo đó, các chi nhánh văn phòng phải kiểm tra hồ sơ và chịu trách nhiệm pháp lý khi chuyển về Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM để trình Sở TN-MT.
Sau đó, vì phát hiện nhiều sai sót nên văn phòng phải kiểm tra hồ sơ lại một lần nữa làm kéo dài thời gian giải quyết hồ sơ.
Người dân liên hệ làm thủ tục hồ sơ nhà đất tại quận Thủ Đức, TP.HCM ngày 4-12-2015 - Ảnh: Tự Trung |
Từ tháng 7 đến nay, Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM đã xoay xở nhiều biện pháp như vận động người dân đăng ký biến động trên giấy cũ, điều động thêm cán bộ vào khâu kiểm tra hồ sơ tại trụ sở chính của văn phòng. Sở TN-MT ban đầu phân công hai phó giám đốc sở ký cấp giấy cho dân, nay tăng thêm một người để chia sẻ công việc và đẩy tiến độ ký giấy nhanh hơn.
Sở này cũng từng kiến nghị Bộ TN-MT sửa quy định theo hướng buộc người dân sau khi giao dịch mà giấy cũ còn chỗ ghi nhận thì phải ghi nhận trên giấy cũ, không được yêu cầu cấp giấy mới.
Mới đây, UBND TP.HCM chỉ đạo các sở ngành liên quan nghiên cứu đề xuất với Chính phủ và Bộ TN-MT cho TP.HCM thí điểm ủy quyền cho UBND các quận huyện ký cấp lại giấy cho hộ gia đình, cá nhân. Nếu như đề xuất này được cơ quan chức năng chấp thuận, thẩm quyền ký cấp giấy chứng nhận sẽ trở lại như thời điểm trước ngày 1-7-2015.
“Chỉ có một trong hai cách trên mới có thể giải quyết được tình trạng ách tắc trong việc cấp đổi giấy chứng nhận tại TP.HCM hiện nay” - ông Liên nhận định.
Một giám đốc chi nhánh văn phòng đăng ký cho rằng mô hình cũ thuận lợi hơn cho người dân và cả cơ quan thụ lý.
* Ông Đặng Hùng Võ (nguyên thứ trưởng Bộ TN-MT): Có thể do TP.HCM có quá nhiều giao dịch Tôi nghĩ đã đến lúc Nhà nước tập trung quản lý đất đai về một cấp. Hiện tại là văn phòng đăng ký một cấp, thời gian nữa sẽ là các cơ quan quản lý đất đai (tài nguyên - môi trường) sẽ tiếp tục co về một cấp. Vì quản lý đất đai không thể nhiều cấp. Hiện nay, hầu hết các tỉnh thành trên cả nước đã hoàn thành cơ bản việc cấp giấy chứng nhận lần đầu. Số lượng nhà đất cần cấp giấy mới không nhiều, phần lớn là hồ sơ chỉnh lý biến động, vốn đơn giản hơn nhiều so với cấp giấy lần đầu. Như vậy, khối lượng công việc không nhiều đến mức sở TN-MT không ký xuể. Cũng có thể những thành phố đặc biệt như TP.HCM có quá nhiều giao dịch, biến động gây ách tắc, nhưng chuyện này phải được giải quyết bằng cách khác chứ không nhất thiết phải phân cấp tiếp như Luật đất đai 2003. |
* Ông Nguyễn Đăng Sơn (phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng): Nghiên cứu cách làm riêng cho “siêu đô thị” Nguyên tắc một cấp quản lý đất đai đúng ở góc độ quản lý dữ liệu, bản đồ, hồ sơ địa chính. Tuy nhiên, cần phải suy nghĩ ở góc độ đối với những tỉnh, thành phố lớn, cực lớn như TP.HCM thì phải có một cách nào đó giải quyết để người dân không chờ đợi quá lâu. Đến nay, cơ quan tham mưu cho việc quản lý đất đai (cấp giấy lần đầu, chỉnh lý biến động) đã được quy về một mối, còn việc ký cấp giấy chủ quyền mới sau khi chỉnh lý biến động chỉ là động tác sự vụ. Nếu đơn vị tham mưu cập nhật bản đồ, hồ sơ địa chính, dữ liệu thống nhất thì cũng bảo đảm được sự thống nhất, không chồng chéo. Vì vậy, các cơ quan chức năng nên nghiên cứu giao về cho UBND quận huyện ký cấp đổi giấy chứng nhận sau khi chỉnh lý biến động dưới sự tham mưu của văn phòng đăng ký đất đai là hợp lý.N.Hà ghi Vẫn phải theo mô hình một cấp Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 11-12, ông Lê Thanh Khuyến, tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ TN-MT), cho biết Bộ TN-MT đã nắm được những khó khăn trong triển khai cấp giấy theo mô hình văn phòng đăng ký đất đai một cấp tại TP.HCM. Theo ông Khuyến, mô hình văn phòng đăng ký đất đai một cấp là mô hình cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp và cũng là thực hiện theo Luật đất đai 2013. Việc quá tải trong cấp giấy đang được xem xét tháo gỡ. Còn xu thế chung vẫn phải thực hiện theo mô hình văn phòng đăng ký đất đai một cấp. Đề cập việc cấp giấy tại TP.HCM theo mô hình văn phòng đăng ký đất đai một cấp đang quá tải, ông Đào Trung Chính, phó tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai, nói: “Việc trễ hẹn có lý do số hồ sơ cấp lại giấy đều đề nghị cấp mới. Chúng tôi đang nghiên cứu kiến nghị của TP.HCM về ủy quyền cho quận huyện ký cấp giấy”. Ông Chính cho biết hiện nay Bộ TN-MT và các tỉnh thành đang phấn đấu đến năm 2020 sẽ hoàn tất dữ liệu điện tử về đất đai, khi đó người dân, doanh nghiệp có thể tra cứu dữ liệu qua mạng. X.LONG |
Mỗi ngày Hà Nội cấp khoảng 300 giấy Ngày 4-12, trao đổi với Tuổi Trẻ về triển khai cấp giấy theo mô hình văn phòng đăng ký đất đai một cấp, ông Nguyễn Hữu Nghĩa, phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường Hà Nội, khẳng định mô hình một cấp rút ngắn rất nhiều thời gian cho người dân. “Trước đây là 52 ngày theo quy định, nhưng hiện nay đã cắt giảm xuống còn 30 ngày. Tuy nhiên, trong liên thông giải quyết về cấp giấy giữa Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội và chi nhánh các quận huyện vẫn đặt ra yêu cầu giải quyết không quá 20 ngày làm việc là phải xong” - ông Nghĩa cho hay. Theo ông Nghĩa, bình quân mỗi ngày Văn phòng đăng ký đất đai Hà Nội tiếp nhận khoảng 300 hồ sơ xin cấp giấy từ chi nhánh văn phòng ở các quận huyện chuyển lên. Số hồ sơ này được tiếp nhận hôm nay thì ngày mai chuyển trả kết quả về cho văn phòng các quận huyện, tức là giải quyết đến đâu gọn đến đó, không để tồn đọng. Trả lời về việc với khoảng 300 hồ sơ cấp giấy/ngày, việc thẩm tra, ký duyệt ra sao để ngày trước nhận ngày sau trả cho các quận huyện, ông Nghĩa cho biết có ký kết với bưu điện về vận chuyển hồ sơ hằng ngày. Thời hạn vận chuyển ngày hôm trước chuyển lên ký thì ngày hôm sau vận chuyển trả lại cho các quận huyện để trả lại cho người dân. XUÂN LONG |