Chiều 23/7, TP.HCM tổ chức hội nghị sơ kết 15 ngày thực hiện giãn cách xã hội toàn TP.HCM từ 0h ngày 9/7. Tham dự hội nghị có Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên và Chủ tịch TP Nguyễn Thành Phong.
Báo cáo tại hội nghị, ông Dương Anh Đức - Phó chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, sau 15 ngày thực hiện giãn cách xã hội theo chỉ thị 16, tình hình dịch bệnh tại TP vẫn còn diễn biến rất phức tạp.
Mặc dù TP đã thực hiện các biện pháp mạnh và chặt hơn, nhưng số ca bệnh ngày càng tăng, số ca qua sàng lọc tại các bệnh viện vẫn chưa có dấu hiệu thuyên giảm. Việc triển khai các giải pháp theo Chỉ thị 16 có nơi có lúc chưa hiệu quả, thống nhất, chưa đủ mạnh trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16 mạnh hơn nữa
Do đó, thực hiện Công văn số 969/TTg-KGVX ngày 17/7/ 2021 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị số 12/CT-TU ngày 22/7 của Thành ủy, UBND TP sẽ tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg đến ngày 1/8/2021 với các giải pháp mạnh hơn nữa nhằm kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh, theo hướng phong tỏa, kiềm chế tốc độ lây lan của dịch; giữ vững, mở rộng vùng an toàn và kiểm soát sự lây lan vùng nguy cơ cao với mục tiêu hạ thấp số ca nhiễm mới; tập trung điều trị các bệnh nhân nặng, giảm tỷ lệ tử vong…với các biện pháp mạnh hơn.
Chỉ thị 16 được áp dụng lần thứ nhất tại TP trong đợt dịch này kể từ 0h ngày 9/7. Thời gian này, các loại phương tiện công cộng, xe hợp đồng, xe ôm, xe hai bánh vận chuyển hành khách có sử dụng công nghệ đều tạm dừng hoạt động. Các dịch vụ bán đồ ăn mang về cũng phải tạm ngưng.
Sau 14 ngày áp dụng Chỉ thị 16, số ca nhiễm mỗi ngày tại TP.HCM vẫn liên tục tăng. Từ 9/7 đến 6h ngày 23/7, TP.HCM ghi nhận 40.255 ca nhiễm, trung bình mỗi ngày phát hiện 2.780 ca; phần lớn trong khu cách ly, phong tỏa.
Theo ông Đức, hiện TP đang điều trị 35.228 bệnh nhân dương tính (bao gồm bệnh nhân có kết quả xét nghiệm PCR xét nghiệm nhanh dương tính) trong đó có 562 bệnh nhân nặng đang thở máy và 11 bệnh nhân can thiệp ECMO. Tính cộng dồn đến nay có 434 bệnh nhân tử vong.
Về kết quả xét nghiệm, tính từ 26/5 đến ngày 22/7, TP lấy 2.088.349 mẫu xét nghiệm (tại các khu cách ly, khu phong tỏa, các tòa nhà, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao...) trong đó 1.875.151 mẫu có kết quả, 213.198 mẫu chờ kết quả.
TP đang thực hiện tiêm vắc xin Covid-19 đợt 5 cho các đối tượng ưu tiên theo kế hoạch. Chiến dịch sẽ được triển khai tại bệnh viện và các điểm tiêm tại phường xã. Các điểm tiêm chủng chỉ thực hiện 120 người/ngày để đảm bảo an toàn trong tiêm chủng và phòng chống Covid-19. Bệnh nhân có bệnh lý nền, người trên 65 tuổi sẽ tiêm tại bệnh viện. Các nhóm đối tượng khác sẽ tiêm tại các điểm tiêm tại phường xã.
Đến nay, TP đã tiêm hơn 800.000 liều trong 1 tuần vào cuối tháng 6, tiếp tục khởi động chiến dịch tiêm chủng 930.000 liều đợt 5 trong 2-3 tuần từ ngày 22/7. Tính đến nay, TP đã triển khai tiêm được 991.872 liều vắc xin, trong đó có hơn 48.000 người mũi 2.
Thời gian tới, thành phố mở rộng vùng xanh, thu hẹp vùng đỏ. Nâng cao năng lực điều trị, hệ thống trang thiết bị trong thời gian tới, chủ động rà soát các dụng cụ y tế để đảm bảo sẵn sàng khi diễn biến dịch ra tăng. Kiểm soát tốt F0, F1 trong cấu trúc điều trị 5 tầng.
100% lao động tự do được hỗ trợ tiền
Thành phố tiếp tục thực hiện chính sách cho lao động ngừng việc, hoãn việc, mất việc. Rà soát thống kê, người lao động đang gặp khó khăn trên địa bàn. Đồng thời nỗ lực đáp ứng phương châm “3 tại chỗ” cho các doanh nghiệp đang áp dụng.
Ngoài ra, TP sẽ thực hiện nghiêm giãn cách tại các chợ, chỉ cho 30% các hộ kinh doanh theo các ngày chẵn, lẽ. Triển khai các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa tạm thời để đảm bảo cung ứng hàng hóa, không để đứt gãy chuỗi cung ứng.
Theo ông Dương Anh Đức, trong 15 ngày giãn cách xã hội, mật độ giao thông trên toàn địa bàn TP giảm khoảng 80 - 90%. Tăng cường lực lượng chức năng tuần tra kiểm soát lưu động để phát hiện, nhắc nhở và xử phạt người dân vi phạm các quy định phòng chống dịch, trong đó có việc ra đường khi không cần thiết.
Đã cấp phiếu nhận diện được ưu tiên lưu thông khi qua các khu vực kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 (có mã QR Code) cho 18.658 xe với 549 đầu mối doanh nghiệp (cùng các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng), đảm bảo lưu thông xuyên suốt trên địa bàn TP và ưu tiên (theo luồng xanh) khi qua các trạm kiểm dịch trên địa bàn các tỉnh phía Nam.
Tổ chức 12 chốt, trạm của TP, kiểm soát hơn 1,4 triệu lượt phương tiện các loại, kiểm tra 1,35 triệu lượt người; lập biên bản xử phạt vi phạm các quy định về phòng, chống dịch bệnh 4.911 trường hợp, với tổng số tiền 10,4 tỷ đồng.
Thành phố cũng đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin với nhiều ứng dụng, phần mềm mới để nâng cao hiệu quả công tác phòng chống dịch bệnh. Cụ thể: triển khai hệ thống khai báo Y tế điện tử của TP bằng mã QR, liên thông kết nối với Hệ thống Tờ khai y tế của Bộ Y tế, dự kiến sẽ hoàn thành vào ngày 23/7/2021. Vận hành thí điểm phần mềm VHD (VietNam Health Declaration) nhằm giám sát cách ly tại nhà từ ngày 17/7/2021. Phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông, Sở Y tế triển khai hệ thống tiêm chủng quốc gia cho công tác tiêm vắc xin.
Xây dựng bản đồ Covid-19 của TP để chuẩn hoá hơn gần 44.000 địa chỉ ca dương tính, điểm phong toả, điểm dịch tễ để đưa lên bản đồ. Tích hợp thông tin về bệnh viện của 5 tầng điều trị, điểm xét nghiệm, điểm tiêm chủng lên bản đồ...
Phát biểu tại cuộc họp, Giám đốc Sở LĐTBXH TP.HCM Lê Minh Tấn cho biết, việc thực hiện gói an sinh xã hội lần 2, đến nay toàn thành phố đã tổ chức chi hỗ trợ cho 281.448 người lao động tự đo, người không có giao kết hợp đồng lao động… Trong đó đã hỗ trợ 100% lao động tự do với hơn 404 tỉ đồng. Các đối tượng khác theo nghị quyết cũng đã hỗ trợ hơn 50%.
Riêng hỗ trợ người lao động bị chấm dứt hợp đồng nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp chỉ đạt gần 7% do nhiều doanh nghiệp hiện đang tạm ngưng hoạt động. Ngoài ra các mạnh thường quân, các tổ chức, doanh nghiệp đóng góp chăm lo cho các đối tượng khó khăn với tổng kinh phí gần 235 tỉ đồng.
Theo Nhóm PV (VietNamNet)