Chiều 19/3, tại cuộc họp của Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch Covid-19 TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong cho biết trong 10 ngày tới, dự kiến, Thành phố sẽ tiếp nhận khoảng 17.000 người Việt Nam trở về nước và có mong muốn được cách ly tại TPHCM.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đề nghị các lực lượng cần tính toán lại các khu cách ly tập trung; khả năng đáp ứng về giường bệnh, bác sĩ, y tá, điều dưỡng và đội ngũ phục vụ, trang thiết bị… để đảm bảo không bị lúng túng khi triển khai.
“Cần lên phương án cụ thể từ tổng số giường, tổng số người tiếp nhận về… theo lộ trình trong 10 ngày tới, điều chỉnh khu nào tiếp nhận trước, khu nào tiếp nhận sau. Trước mắt là phát huy hết công suất khu cách ly tại Đại học Quốc gia (ĐHQG) TPHCM”, ông Phong nhấn mạnh.
Chủ tịch Nguyễn Thành Phong đề nghị ngành y tế TPHCM có kế hoạch cụ thể để huy động lực lượng sinh viên y khoa, các y bác sĩ về hưu và lực lượng TNXP tham gia chống dịch. TPHCM phải chủ động có những phương án, kịch bản ứng phó với nguy cơ dịch Covid-19 bùng phát trên diện rộng.
Ngoài ra, ông Nguyễn Thành Phong đề nghị Sở Y tế kết hợp với sở, ban, ngành từ nay đến cuối tháng 3/2020 phải thống kê chính xác các chuyến bay, tổng số người nhập cảnh vào TPHCM, tính toán kỹ số giường tại các khu cách ly, số bác sĩ, y tế, điều dưỡng, đội ngũ phục vụ.
“Các sở ban ngành phải tính toán được nguồn nhân lực dự bị; có số liệu thống kê về đội ngũ y bác sĩ quân y tại các bệnh viện quân đội, số lượng xe cứu thương, thiết bị. Có như vậy, TPHCM mới xác định được chính xác nguồn lực để có những tính toán, ứng phó kịp thời. Nếu không chuẩn bị kỹ, chúng ta sẽ lúng túng ngay", ông Phong nói.
Báo cáo tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh cảnh báo: Người dân nếu không có việc gì tối cần thiết thì không nên ra ngoài. Chúng ta đã kịp thời nhưng phải quyết liệt hơn, chạy nhanh trước khi dịch lan rộng ra cộng đồng.
“Hai tuần sắp tới là hai tuần có ý nghĩa quyết định đối với việc phòng chống dịch bệnh Covid-19 ở Việt Nam”, ông Bỉnh dự báo.
Ông Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết đến thời điểm này đã triển khai 1.000 giường cách ly tại Ký túc xá ĐHQG TPHCM. Mỗi ngày, TPHCM tiếp tục triển khai 2.000 giường, đảm bảo cuối tuần triển khai 10.000 giường và đến ngày 27/3 đảm bảo triển khai xong 20.000 giường.
“Thành phố đã chủ động đã trang bị 3.000 bộ xét nghiệm có độ nhạy cao để sàng lọc, tầm soát rộng những trường hợp nghi ngờ, trường hợp tiếp xúc gần và tiếp tục trang bị thêm 10.000 bộ xét nghiệm trong tháng 3/2020 để tăng cường khả năng tầm soát người nghi ngờ ở các cơ sở, chẩn đoán người bệnh trong cộng đồng và xét nghiệm tầm soát rộng những người nghi nhiễm sau tiếp xúc gần với người bệnh, các trường hợp cách ly từ các chuyến bay từ vùng dịch”, ông Bỉnh cho hay.
Trên địa bàn TP.HCM đang có 2.469 người đang được cách ly tại khu cách ly tập trung của thành phố. Cụ thể như sau:
+ Tại khu cách ly tập trung của thành phố tại huyện Củ Chi: 391 trường hợp, gồm 177 trường hợp được cách ly tại Khu A và 214 trường hợp được cách ly tại khu C.
+ Tại khu cách ly tập trung của thành phố tại huyện Nhà Bè: 95 trường hợp.
+ Tại khu cách ly tập trung của thành phố tại Bệnh viện quận 7: 67 trường hợp.
+ Tại khu cách ly tập trung của thành phố tại Trường Quân khu 7 – Quận 12: 854 trường hợp, gồm 515 trường hợp được cách ly tại Khu A và 339 trường hợp được cách ly tại khu B.
+ Khu cách ly tập trung của thành phố tại Sư Đoàn 317 - huyện Hóc Môn: 204 trường hợp.
+ Khu cách ly tập trung của thành phố tại Ký túc xá Đại học Quốc gia TP.HCM – Thủ Đức: 858 trường hợp.
Quy định cách ly người nhập cảnh vào Việt Nam
Tại TP.HCM:
1. Đối tượng: Người nhập cảnh vào Việt Nam từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Iran, Mỹ, chín quốc gia ASEAN và 46 quốc gia, vùng lãnh thổ thuộc khu vực châu Âu.
• Người nhập cảnh về từ hoặc đi qua các nước không nêu trên cần thực hiện tự cách ly y tế tại nhà, nơi cư trú với sự giám sát y tế.
2. Cơ quan chịu trách nhiệm hướng dẫn và giám sát việc cách ly: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM. Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP.HCM, UBND quận/huyện, phường/xã/thị trấn có trách nhiệm phối hợp.
3. Quy trình:
3.1. Khai báo y tế điện tử, đo thân nhiệt, phân luồng hành khách Việt Nam và nước ngoài để cách ly NGAY TẠI MÁY BAY.
(Trong trường hợp ùn tắc máy bay, phải kiểm dịch y tế tại cơ sở cách ly tập trung).
3.2. Lấy mẫu xét nghiệm tại sân bay: Về lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc đối với hành khách nhập cảnh, cần thực hiện lấy mẫu của hành khách về từ quốc gia, vùng lãnh thổ có dịch COVID-19 nêu trên khi nhập cảnh tại sân bay để xét nghiệm. Đối với các nước ASEAN, ưu tiên lấy mẫu của hành khách đến từ Malaysia.
Sau khi hoàn thành hai bước này, người nhập cảnh được đưa về khu cách ly tập trung, chờ kết quả xét nghiệm.
4. Kết quả xét nghiệm: Mẫu xét nghiệm chuyển cho các đơn vị được Bộ Y tế cho phép xét nghiệm COVID-19. Nếu dương tính hoặc nghi ngờ, chuyển ngay mẫu bệnh phẩm tới Viện Pasteur TP.HCM để xét nghiệm khẳng định.
Nếu dương tính, người bệnh sẽ được chuyển ngay đến cơ sở y tế để cách ly, điều trị.
Nếu âm tính, người nhập cảnh sẽ tiếp tục được cách ly tập trung đủ 14 ngày.
Tại Hà Nội:
Kể từ sáng 19-3, các lực lượng trong sân bay sẽ tiến hành thực hiện quy trình nhập cảnh theo cách mới nhằm giải tỏa nhanh, tránh nguy cơ lây nhiễm bệnh tại khu vực nhập cảnh, để toàn bộ quá trình nhập cảnh không kéo dài quá 2,5 giờ. Theo đó, không buộc những người phải cách ly tập trung (người về từ vùng dịch) khai báo y tế và lấy mẫu xét nghiệm tại sân bay mà thực hiện hai việc này tại nơi cách ly.
Bên cạnh đó, mở thêm cửa nhập cảnh, phân bố luồng đi cho hành khách để lực lượng quân đội có thể tiếp cận hành khách sớm, đưa hành khách và hành lý lên xe quân đội về khu cách ly.
HP (Nguoiduatin.vn)