TPHCM sẽ hạn chế xe cá nhân

28/04/2017 08:45:00

Dự kiến, tháng 10, Sở GTVT sẽ trình UBND TPHCM phương án hạn chế xe cá nhân với lộ trình thực hiện cụ thể. Trong khi đó, dự án đường sắt đô thị TPHCM có nguy cơ ngưng trệ vì đang nợ nhà thầu cả nghìn tỷ đồng.

Dự kiến, tháng 10, Sở GTVT sẽ trình UBND TPHCM phương án hạn chế xe cá nhân với lộ trình thực hiện cụ thể. Trong khi đó, dự án đường sắt đô thị TPHCM có nguy cơ ngưng trệ vì đang nợ nhà thầu cả nghìn tỷ đồng.

Theo Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường, tính đến giữa tháng 4, TPHCM đã có khoảng 8 triệu phương tiện cá nhân, trong đó có 640.000 ôtô và trên 7,3 triệu xe máy. Bình quân mỗi ngày, TPHCM giải quyết đăng ký mới cho 168 ô tô và 816 xe máy.

Kết quả hình ảnh cho TPHCM hạn chế xe máy

Ảnh minh họa - Nguồn Internet.

“Tốc độ tăng quá nhanh, hạn chế xe cá nhân là việc chắc chắn phải làm trong thời gian tới bởi sự phát triển và sức chịu đựng của hạ tầng giao thông không thể theo kịp tốc độ phát triển “nóng” của xe cá nhân. Việc này sẽ được làm song song và đồng bộ với phát triển giao thông công cộng”, ông Cường cho biết.

Cũng theo người đứng đầu Sở GTVT, đến năm 2020, TPHCM phải cắt giảm 70% khí thải do phương tiện giao thông gây ra. Việc hạn chế xe cá nhân không chỉ giải quyết bài toán ùn tắc giao thông mà còn hướng đến mục tiêu giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng... vì hiện nay nhiều nước giảm xe cá nhân là do ô nhiễm môi trường.

Sở GTVT đã ký hợp đồng với Viện Chiến lược và phát triển GTVT (Bộ GTVT) để thực hiện đề án hạn chế xe cá nhân và phát triển giao thông công cộng. Đề án sẽ đưa ra lộ trình, các nhóm giải pháp dài hơi, quá trình soạn thảo sẽ mời các chuyên gia, nhà khoa học, phản biện và sẽ tổ chức lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân. Dự kiến đến tháng 10/2017, Sở GTVT sẽ trình UBND TPHCM phương án, lộ trình cụ thể hạn chế xe cá nhân.

Nợ đầm đìa

Giám đốc Ban Quản lý đường sắt đô thị TPHCM (MAUR) Lê Nguyễn Minh Quang cho biết, tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) đang nợ nhà thầu khiến công tác thi công có nguy cơ bị ngưng trệ. Vướng mắc lớn nhất của dự án tỷ đô này là phân bổ vốn từ Trung ương bị gián đoạn. Trong khi nhà thầu đang gay gắt đòi thanh toán tiền thì các bộ ngành chức năng vẫn chưa bố trí giải ngân vốn cho thành phố. Cụ thể: Từ tháng 9/2016, Bộ Tài chính đã yêu cầu Kho bạc Nhà nước không thanh toán tiếp, bởi vì đã thanh toán vượt số vốn ODA năm 2016. Trước Tết, TPHCM đã ứng trên 900 tỷ đồng trả cho nhà thầu để thanh toán tiền cho công nhân về quê ăn tết. Đến nay, thành phố đang nợ nhà thầu 1.339 tỷ đồng.

“Thành phố thúc nhà thầu làm càng sớm càng tốt. Nhà thầu chấp thuận và làm quyết liệt nhưng họ cũng gay gắt trong việc yêu cầu thanh toán đúng tiến độ. Thành phố đã nhiều lần kiến nghị, có 4 văn bản hối thúc nhưng các bộ vẫn án binh bất động”, ông Quang bức xúc.

Ông Quang cho biết, với tiến độ thi công tuyến số 1 trong năm 2017 thì TPHCM cần hơn 5.400 tỷ đồng thanh toán cho nhà thầu nhưng vốn Trung ương bố trí về chỉ 2.100 tỷ đồng. Hiện một số nhà thầu đã có văn bản đề nghị giãn tiến độ thi công trong tháng 4 và có thể sẽ dừng thi công nếu tiến độ giải ngân vẫn tiếp tục chậm trễ như hiện nay.

“Các nhà tài trợ rất bức xúc và cho rằng, tiền thì họ lo được nhưng chúng ta bị vòng lẩn quẩn và không thanh toán được. Khi chúng tôi đặt vấn đề về vốn cho một số tuyến metro khác thì phía JICA (Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản) nói thẳng là trước khi bàn chuyện đó thì phải bàn việc thanh toán cho các nhà thầu. Từ thực tế của tuyến metro số 1, JICA đang rất quan ngại trong việc bố trí vốn cho các dự án khác”, ông Quang cho biết.

Theo Huy Thịnh (Tiền Phong)