TPHCM: Sau ngập lo ô nhiễm, bệnh tật

30/09/2016 09:33:00

Trận mưa lịch sử hai ngày qua không chỉ khiến người dân Sài Gòn khốn đốn vì kẹt xe, hư hại tài sản mà kéo theo ô nhiễm, bệnh tật khi rác bẩn, ao tù, nước đọng vẫn còn tràn ngập trong các khu dân cư.

 
Trận mưa lịch sử hai ngày qua không chỉ khiến người dân Sài Gòn khốn đốn vì kẹt xe, hư hại tài sản mà kéo theo ô nhiễm, bệnh tật khi rác bẩn, ao tù, nước đọng vẫn còn tràn ngập trong các khu dân cư.
 
Nhiều khu vực ở TPHCM đang bị ngập úng, ô nhiễm, dịch bệnh trực chờ bùng phát. Ảnh: Việt Văn.

Sống bất an sau ngập

Sau hai trận mưa lớn liên tiếp, trên các tuyến đường, nước đã rút nhưng hàng loạt khu dân cư, nhà dân, tầng hầm các tòa nhà… trở thành “bể” chứa rác bẩn, ao tù, nước đọng. Nguy cơ gây bệnh hiển hiện trước mắt.

Theo ghi nhận của phóng viên ngày 29/9, người dân sống ở hai bên các tuyến đường bị ngập nặng như Lương Đình Của (quận 2), Kha Vạn Cân (quận Thủ Đức), An Dương Vương (quận Bình Tân), Độc Lập, Tân Sơn Nhì (quận Tân Phú)…vẫn còn khổ vì ngập. Ông Lâm Văn Trí (59 tuổi) ở trên đường An Dương Vương (quận Bình Tân) cho biết: “Nước tràn vô nhà tôi hơn nửa mét. Từ đầu tuần đến nay, ngày nào cũng mưa nên nước vẫn chưa rút cạn. Cả nhà tui phải sống rất khổ sở. Giờ đây, lúc nào cả nhà tôi cũng phải mang ủng, mấy đứa nhỏ than ngứa tay chân”. 

Tại quận Thủ Đức, căn nhà bà Hồ Thanh Trúc (50 tuổi, phường Linh Đông) đến nay vẫn còn như “bãi chiến trường”. Nước vẫn còn lấp xấp trong nhà. “Hôm trước vừa dọn xong, hôm sau mưa ngập tiếp. Lo mấy đứa nhỏ bị bệnh tui phải đưa đến nhà người quen ở hết” – bà Trúc nói. Theo bà Trúc, do nhà bà ở gần kênh, nên không chỉ chịu cảnh ao tù, nước đọng mà sau trận ngập, chuột, gián cũng bò lên khắp nơi. Trong khi nước từ dưới kênh đen ngòm cứ mưa xuống lại cuốn rác bẩn vào nhà bà. Nhiều hộ dân ở gần đó cũng lâm vào tình trạng tương tự. Nhiều người lo dịch sốt xuất huyết bùng phát nếu không xử lý sớm.

Người dân tại khu vực rạch Ruột Ngựa và kênh Lò Gốm (quận 8)... sau hai trận mưa lớn, các con rạch ngập đầy rác, xác chuột trôi đầy trên kênh.  Các hộ dân ở cạnh bờ kênh dưới chân cầu Dừa (bến Vân Đồn, quận 4) cũng sống trong tình cảnh tương tự. Ông Nguyễn Ngọc Minh (60 tuổi, ngụ quận 4) cho biết, một nửa nhà nằm dưới kênh nên nước thải sinh hoạt của gia đình đều cho xuống kênh cả, không có đất xây nhà vệ sinh. Nhiều hộ sống dọc con kênh này đều vậy, biết là ô nhiễm nhưng không còn cách nào khác. “Nhiều lúc, cả gia đình đang ăn cơm, nhìn xuống sàn nhà, thấy phân trôi lềnh bềnh ai nấy không khỏi rùng mình”, ông tặc lưỡi nói.

Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM, có 5 nguyên nhân xảy ra tình trạng ngập nặng sau các cơn mưa lớn. Trong đó, tình trạng xả rác bừa bãi, kênh rạch bị lấn chiếm ở nhiều nơi đã ngăn chặn dòng chảy. Mặc dù tình trạng này diễn ra từ nhiều năm nhưng chính quyền địa phương vẫn chưa quyết liệt xử lý. Ngoài ra, mưa lớn, hệ thống cống thoát nước quá nhỏ, những dự án chống ngập “chết lâm sàng”, một số dự án hỗ trợ thoát nước đang triển khai ngăn dòng chảy như một số công trình thoát nước đang thi công cũng được cho là nguyên nhân làm ảnh hưởng đến khả năng thoát nước…

TPHCM: Sau ngập lo ô nhiễm, bệnh tật - ảnh 1
Nhiều kênh rạch bị lấn chiếm tại TPHCM gây ngập úng. Ảnh: Việt Văn.

Con số báo động

Thống kê từ Cảnh sát PCCC TPHCM cho thấy, trong cơn mưa lịch sử ngày 26/9, tại TPHCM xảy ra 68 sự cố cháy nổ, cứu nạn cứu hộ và ngập úng. Trong đó quận Phú Nhuận, Tân Bình và Thủ Đức là những quận có nhiều điểm bị ngập sâu, phần lớn là các tầng hầm, nhà dân, cao óc, hầm chui.

Trong đó, lực lượng cứu hộ đã vớt 114 ô tô các loại và gần 1.300 xe máy bị “chết đuối” lên “bờ”. Ngoài ra, tại KTX Đại học Quốc gia TPHCM đã có 800 chiếc xe máy của sinh viên bị ngập trong hầm gửi xe. Ông Trần Thanh An, Giám đốc KTX Đại học Quốc gia TPHCM thông tin con số thiệt hại khoảng 4 tỷ đồng. Hiện nay, KTX hỗ trợ 60 nghìn đồng cho mỗi xe (tương đương một bình nhớt), miễn phí tiền giữ xe trong tháng 10 (tương đương 50 nghìn đồng) và hỗ trợ tiền công sửa xe cho sinh viên có xe bị ngập. Cơn mưa tối 26/9 đã nhấn chìm hơn 1.000 xe máy tại bãi giữ xe trên đường Nguyễn Siêu (quận 1). Đại diện bãi giữ xe này cho biết, sẽ hỗ trợ 10% chi phí sửa xe cho người gửi có xe máy bị chìm trong hầm và gửi lời xin lỗi đến khách hàng.

Luật sư Nguyễn Đức Chánh - Đoàn luật sư TPHCM, cho biết, theo quy định thì bên giữ tài sản có trách nhiệm bồi thường nếu để xảy ra tình trạng tài sản gửi giữ bị hư hỏng. Tuy nhiên, bên giữ tài sản sẽ được miễn trừ trách nhiệm nếu đó là trường hợp bất khả kháng khi sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép.

Nhiều giải pháp chống ngập

Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TPHCM vừa đồng ý gắn hệ thống máy bơm ly tâm đặt tại các cửa xả nước, nơi tiếp giáp với con sông, kênh rạch để hút nước tự động. Trước mắt, giải pháp này sẽ được thí điểm tại đường Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), nơi ngập nặng nhất của TPHCM.

Ngoài giải pháp trên, Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TPHCM sẽ phối hợp với Cty Thoát nước Đô thị TPHCM triển khai nhiều phương án đối với nước ngập. Theo đó, sẽ có khoảng 200 người và 30 phương tiện máy móc thường xuyên tham gia ở 9 điểm ngập trọng điểm của thành phố: đường Nguyễn Xí, Nguyễn Hữu Cảnh (quận Bình Thạnh), Huỳnh Tấn Phát (quận 7)… và một số tuyến kênh rạch để triển khai vớt rác ở miệng cống,…

Cũng trong buổi làm việc với quận 9 ngày 28/9, ông Lê Văn Khoa, Phó chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu cơ quan chức năng nghiên cứu triển khai việc nhắn tin báo ngập nước đến người dân như hình thức thông tin kẹt xe qua radio giao thông của thành phố. Ngày 29/9, ông Lê Văn Khoa cũng quyết liệt chỉ đạo, nếu quận huyện nào để cống xả bị lấn chiếm thì phải bị xem xét trách nhiệm, thậm chí bị kỷ luật lãnh đạo quận huyện đó.

Nhiều bệnh về da xuất hiện
 
Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 29/9, bác sĩ Hoàng Văn Minh - Phụ trách phòng khám da liễu, Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM - cho biết, các bệnh về da thường xuất hiện do việc tiếp xúc với nước mưa và những vật dụng tránh mưa. Tại phòng khám, sau hai trận mưa ngập vừa qua đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị nổi mề đay do tiếp xúc với nước mưa. Đa số da các bệnh nhân nổi lên những mảng mề đay đỏ như cơm cháy, gây ngứa. Theo bác sĩ Minh nơi đây cũng tiếp nhận nhiều bệnh nhân viêm da do tình trạng ô nhiễm môi trường, trong không khí còn có bụi bặm, khí độc, vi sinh…  
Quốc Ngọc

 

Trả giá do quản lý yếu kém
 
Ngày 29/9, UBND TPHCM tổ chức hội nghị sơ kết tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế văn hoá xã hội và thu chi ngân sách 9 tháng đầu năm. Tại đây, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Văn Khoa nhấn mạnh: “Xuống thực địa một số quận huyện, nổi lên lỗi chủ quan về quản lý là nguyên nhân quan trọng dẫn đến những khó khăn trong xử lý thoát nước. Hầu hết các quận huyện có hiện tượng nhiều hố ga, cống xả bị chiếm dụng xây nhà lên trên, ngăn dòng chảy và không duy tu, nạo vét được. Xây nhà lên trên hệ thống thoát nước làm sao nói quận phường không biết. Quản lý thế nào lại để hiện tượng đó xảy ra, dẫn đến nhiều chuyện rắc rối, khó khăn mà chúng ta phải đối đầu giải quyết?”. Ông Khoa cho biết, sắp tới hướng giải quyết là phải khôi phục lại hiện trạng mà nếu trước đây quản lý tốt thì sẽ không vất vả thực hiện giải tỏa, di dời.

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, những dòng kênh bị lấn chiếm dứt khoát phải triển khai các dự án làm cống hộp đảm bảo yêu cầu thoát nước. “Mặc dù không bồi thường nhưng chúng ta vẫn phải hỗ trợ di dời cho người dân. Cái giá phải trả cho quản lý yếu kém là ngân sách phải bỏ ra một khoản kinh phí lớn mà nếu dành đầu tư vào nhiều công trình khác thì sẽ nâng cao năng lực hạ tầng đô thi”, ông Phong nhấn mạnh.

Theo Đình Du - Văn Minh (Tiền Phong)