Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến khẳng định quan điểm của thành phố là không bao giờ lấy chuyện thu phí vỉa hè làm mục tiêu thu đạt ngân sách, mà vỉa hè phải dành cho mục đích giao thông.
Ông Trần Vĩnh Tuyến trao đổi với các đại biểu tại buổi tiếp xúc cử tri - Ảnh: L.MY |
Chiều 14-6, trả lời cử tri quận 4 về chủ trương lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè, đại biểu HĐND, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết TP sẽ sửa quyết định 74/2008 về quản lý và sử dụng lòng đường, vỉa hè trên địa bàn TP. Quyết định này cho phép sử dụng vỉa hè ở 172 tuyến đường để giữ xe, để vật liệu xây dựng.
Vỉa hè phải là cho mục đích giao thông
Ông Tuyến cho biết vừa qua Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề xuất thu phí vỉa hè vì mức thu theo quyết định 74 đã lạc hậu, nhưng UBND TP đã họp bàn về việc này.
"Quan điểm của TP là không bao giờ lấy chuyện thu phí vỉa hè làm mục tiêu thu đạt ngân sách, mà vỉa hè phải là cho mục đích giao thông." - ông Tuyến khẳng định.
Ông Tuyến cho rằng trước đây do chưa có điều kiện nên TP cho phép quận 1 để xe ở lòng đường, vỉa hè, nay bãi xe đã có rồi, phải xem lại.
Phải tính toán lại, xem tuyến đường nào, nơi nào thu tiền thì phải thu như thế nào, Sở GTVT phải đề xuất phương án thu, từ đó TP mới quyết định.
“Nhưng quan điểm của TP là hạn chế tối đa việc thu phí vỉa hè”, ông Tuyến khẳng định.
Cụ thể, những nhà mặt tiền, vỉa hè rộng hơn 3m mà để một hàng xe thì cho để xe và không thu phí. Những nơi nào có thu tiền thì mình mới thu.
Ví dụ đường hoa Nguyễn Huệ khi tổ chức lễ hội, tổ chức giữ xe trên vỉa hè có thu tiền thì TP thu phí. Tuy nhiên số đoạn đường, tuyến đường cho phép sử dụng vỉa hè cũng sẽ hạn chế tối đa để vỉa hè thực sự dành cho mục đích giao thông.
Không có chuyện dừng xe giữa đường mua hàng
Về bài toán “kinh tế vỉa hè”, ông Tuyến hoan nghênh quận 4 đã tích cực đề xuất phương án bố trí, sắp xếp lại nơi buôn bán cho bà con, ông cũng chia sẻ quan điểm “hợp đồng trách nhiệm”.
“Bây giờ không nên có chuyện thuận lợi quá, dừng xe giữa đường mua hàng ở chợ tự phát, vượt đèn đỏ, chạy xe lên vỉa hè nhưng vẫn lên mạng nói muốn trật tự lòng lề đường. Đây là vấn đề hợp đồng trách nhiệm của cộng đồng xã hội, mọi người phải chia sẻ với thành phố”, ông Tuyến nói.
Trước bức xúc của cử tri về vấn đề xử lý rác, ông Tuyến cho biết đến 2025, TP.HCM sẽ có bãi rác hơn 170ha ở Long An. Bãi rác mới này sẽ sử dụng công nghệ cao, chuyển hóa thành điện năng. Còn các bãi rác hiện nay của TP.HCM sẽ trở thành công viên cây xanh.
Ông Tuyến giải thích dự án xây dựng bãi rác mới nói trên “mất thời gian chút” vì bãi rác Đa Phước những năm 1997 khi thành phố đang bức xúc về tình hình rác, công ty này đã đăng ký làm.
Lúc đó công nghệ như vậy là hiện đại, TP ký hợp đồng 50 năm, thậm chí TP còn tạm ứng nguồn vốn để họ làm.
“Công nghệ này khoảng 10 năm trước vẫn còn giá trị, nhưng đến nay công nghệ thay đổi liên tục, giờ mình thay đổi hợp đồng, khi mình cần họ hợp tác, giờ lại đẩy họ đi thì không nên. Bởi vậy TP mới cho cơ chế là yêu cầu công ty này phải chuyển dịch công nghệ mới, phải lo bãi rác mới, điểm cũ trở thành công viên sạch”, ông Tuyến nói.
Theo Mai Loa - La My (Tuổi Trẻ)