Mới đây, chúng tôi nhận được lời phản ánh đầy xót xa cũng như "cầu cứu" của cô gái tên M. (quê Đắk Lắk), sinh viên năm cuối một trường đại học tại TP.HCM vì bị kẻ gian lừa mất gần 1 triệu đồng.
Đây là số tiền mà cô phải dành dụm để cố gắng gượng sống tạm qua những ngày Thành phố siết chặt giãn cách.
Cạn thực phẩm mùa dịch, ăn cơm với nước mắm cầm cự
Theo đó M. cho biết vì ảnh hưởng dịch kéo dài, công ty cô đi làm thêm đã ngừng hoạt động từ tháng 7/2021.
M. cũng không kịp về quê nên bị kẹt một mình ở nhà trọ tại phường 3, quận Bình Thạnh.
Vì chủ nhà không đăng ký tạm trú, từ đầu dịch M. không được tiếp cận đến các khoản tiền hay thực phẩm hỗ trợ người lao động thất nghiệp, sinh viên khó khăn mùa dịch.
Cô phải sống kiểu "tới đâu hay tới đó", ăn uống tằn tiện trong một thời gian dài.
Đến khi TP.HCM siết chặt kiểm soát dịch theo nguyên tắc "ai ở đâu ở yên đó", M. lại càng thêm lao đao khi không thể ra đường đi chợ, trong khi đó việc tìm cách liên hệ cơ quan chức năng để được hỗ trợ mua nhu yếu phẩm gặp rất nhiều khó khăn vì việc đi chợ hộ bị quá tải.
Những ngày gần đây, M. phải ăn cơm với nước mắm để cầm cự.
Ngày 30/8 vì lương thực đã cạn và một phần nôn nóng muốn có đồ ăn ngay, nữ sinh viên lên mạng tìm thử các trang mua bán online.
Tại một fanpage đồ ăn vặt, M. phát hiện một tài khoản tên "Trường Nguyễn" có dịch vụ "đi chợ hộ" được rất nhiều người đặt nên chủ động nhắn tin hỏi thăm.
Lúc này, tài khoản Trường Nguyễn cho biết có xe tải được cấp phép đầy đủ, mỗi ngày sẽ nhận đơn hàng đi chợ với số lượng lớn. Sau khi mua xong sẽ chia theo từng phần được đặt và chuyển cho shipper giao ngay trong ngày.
Vui mừng vì nghĩ sẽ có thực phẩm sớm, M. đặt 1 ký sườn non.
Lúc này tài khoản "Trường Nguyễn" nói vì đơn hàng thấp tiền mà lại phải giao nhiều người, nhà trọ của M. lại trong hẻm nên yêu cầu nữ sinh viên chuyển tiền trước để shipper ưu tiên "giao liền".
Để tạo niềm tin, đối tượng liên tục chuyển các hình ảnh những khách hàng khác chuyển tiền và tin nhắn đã nhận hàng ngay sau đó.
"Em yên tâm có hai trăm mấy chục ngàn không ai lừa em đâu. Dịch này ai làm ăn thất đức vậy" – đối tượng cam đoan.
Lúc này M. chính thức sập bẫy.
Biết bị lừa cũng không dám báo công an
Sau khi chuyển tiền lần đầu tiên và nghe đối tượng sẽ giao sớm lúc 13-14h chiều, nữ sinh viên sợ những ngày sau sẽ khó trong việc đặt thực phẩm nên tiếp tục mua thêm thịt và nhiều loại rau của theo gợi ý của "Trường Nguyễn".
"Giờ anh chưa biết giá bao nhiêu. Em chuyển cho anh 500 ngàn đi. Rồi mua hóa đơn thiếu đủ gì anh tính cho. Dư thì anh trả tiền mặt cho em" – đối tượng tiếp tục gợi ý M. chuyển tiếp và cô lại nghe theo.
Sau 4-5 lần bổ sung thực phẩm "đi chợ hộ", M. đã chuyển tổng cộng cho đối tượng số tiền 920 ngàn đồng.
Đến gần 14h chiều cùng ngày khi thấy đối tượng im lặng, M. bắt đầu lo lắng nên liên tục gọi hỏi thăm.
Đối tượng không bắt máy mà tiếp tục trấn an rằng "hàng đang đi".
Đến khi M. nhắn tin cầu xin rằng mình cũng là sinh viên khó khăn, xin đừng lừa đảo, đối tượng chính thức chặn tin nhắn trong sự hốt hoảng, bàng hoàng của nạn nhân.
"Em hết sạch đồ ăn nên cứ lật đật, tìm được ai có hàng là đặt ngay. Mà rốt cuộc lại bị anh đó lừa…" – M . cay đắng nói.
Lúc này, M. lên lại trang mà mình đã tìm kiếm người giao thực phẩm thì phát hiện nhiều bài "bóc phốt" lớn với hàng loạt nạn nhân của đối tượng trên, cùng thủ đoạn hối chuyển tiền đi chợ hộ để chiếm đoạt.
"Em là người ở quê lên đây (TP.HCM - PV) có một mình, mà em nhắn địa chỉ cho người ta rồi, sợ có gì bị trả thù nên không dám báo công an.
Qua sự việc này em càng gặp khó khăn hơn, và em rút được kinh nghiệm là sẽ không tin ai, giao hàng rồi mới chuyển tiền ạ…" – M. nghẹn ngào chia sẻ.
Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp bị lừa đảo "đi chợ hộ" gần đây mà chúng tôi tìm hiểu được.
Nắm bắt tâm lý cần thức ăn dự trữ và sự cả tin của người lao động nghèo, đặc biệt là sinh viên ở tỉnh lên TP.HCM học tập, làm việc, các đối tượng xấu đã dùng chiêu đi chợ cam kết giao hàng nhanh, thực phẩm tươi ngon để chiếm đoạt số tiền từ vài trăm đến hàng triệu đồng của nạn nhân.
Trước đó, lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM cũng phát lên cảnh báo có hiện tượng lừa đảo đi chợ hộ trong thời điểm siết chặt giãn cách.
Thậm chí không chỉ trên mạng, kẻ xấu còn có thể lẻn vào them gia các group "Đi chợ giúp dân" để giả làm cơ quan chức năng lừa người dân chuyển tiền trước rồi trốn mất.
"Bà con nên liên hệ Tổ dân phố, Hội Phụ nữ hoặc các đoàn thể ở phường đang sinh sống để đăng ký mua thực phẩm nhằm tránh bị trục lợi" – đại diện Sở Công Thương lên tiếng.
Theo Hoàng Lê (Nhịp Sống Việt)