Clip người đàn ông từ chối phát cơm miễn phí cho người phụ nữ vì sơn móng chân móng tay gây xôn xao
Dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp trên cả nước, đặc biệt là TP.HCM khiến nhiều người lâm vào hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là những người lao động nghèo. Trên tinh thần tương thân tương ái, đã có rất nhiều mạnh thường quân đứng ra phát cơm, đồ ăn miễn phí tại nhiều địa điểm trong thành phố.
Hôm nay, một đoạn video làm từ thiện tại TP.HCM dù đã được đăng từ khá lâu nhưng được chia sẻ lại đã nhận được nhiều phản ứng trái chiều từ cộng đồng.
TP.HCM: Người đàn ông từ chối phát cơm từ thiện cho người sơn móng chân, "bụi đời" gây tranh cãi |
Trong đoạn video là hình ảnh một người phụ nữ khi đang lấy đồ từ thiện. Tuy nhiên, khi cầm hộp cơm trên tay, người này đã bị người đàn ông nơi phát đồ từ thiện phát hiện ra sơn móng chân. Sau khi phát hiện, người này đã lập tức hỏi: "Chị ơi, sao chị sơn móng chân mà chị vào đây?"
Khi nhận được thắc mắc như vậy, người phụ nữ này quay lại với ý định trả phần thực phẩm mình vừa nhận được nhưng người đàn ông quay video liền bảo không cần trả lại nữa và nói "Lần sau chị hãy dành cho những người khó khăn hơn.".
Sau khi nghe thấy vậy, người phụ nữ giải thích "Tôi sơn móng chân từ thiện ở Võ Thị Sáu của người khuyết tật á. Tôi lấy cơm giúp cho người ta chứ tôi không lấy đâu."
Mặc dù vậy, người đàn ông vẫn tiếp tục chia sẻ: "Có những người mình không phát cho họ thì họ sẽ chửi. Nhưng những người này còn sơn móng tay móng chân."
Trong cùng video đó, có trường hợp khi hai người vừa vào xếp hàng đã lập tức bị người phát cơm từ thiện đuổi với lý do "Bụi đời không phát cơm, đi ra ngoài đi. Những người thiếu ý thức không bao giờ được phát cơm.". Hai người đã đi ra ngoài với vẻ mặt ngơ ngác.
Một bộ phận cư dân mạng bức xúc vì thái độ của người đàn ông phát cơm từ thiện
Đoạn video hiện vẫn đang thu hút rất nhiều ý kiến tranh cãi từ cộng đồng mạng. Nhiều người cho rằng "của cho không bằng cách cho" và việc người đàn ông có thái độ phân biệt với những người nhận đồ từ thiện là không hay.
"Không ai giàu có tiền triệu tiền tỉ mà ra đường đứng xếp hàng bao lâu như vậy chỉ để lấy một hộp cơm cả. Hơn nữa cô ấy cũng đã giải thích là lấy hộ cho người khác rồi. Ai cũng có lòng tự trọng, lúc nào cũng bị nặng lời nào là đeo vàng, nào là sơn móng chân, rồi ăn mặc đẹp mà đi xin cơm... ai mà chịu nổi."
"Thời gian dịch bệnh ai cũng khó khăn, đâu thể chỉ nhìn vào một vài biểu hiện mà khẳng định họ không khó khăn được. Mong dịch sớm qua để mọi người bớt khổ"
"Không biết cụ thể sự việc như nào nhưng thái độ và lời nói của anh này khiến người khác hơi khó chịu. "Của cho không bằng cách cho", nếu đã có tâm từ thiện thì đừng nên phân biệt như vậy, người ta cũng phải có nỗi khổ riêng thì người ta mới xin."
"Hồi kia tôi đi phát cơm ở bệnh viện. Ngày nào cũng có 1 anh cao to, khoẻ mạnh ra nhận cơm. Sau này đi tặng tiền cho các bệnh nhân thì mới biết vợ con ảnh bị ung thư máu. Nên cái vẻ bề ngoài không quan trọng đến thế đâu."
Người lại đồng tình với nhân vật làm từ thiện trong clip
Tuy nhiên, vẫn có ý kiến của một số người đã tỏ vẻ thấu hiểu và bênh vực cho người đàn ông trong đoạn video:
"Các bạn phải đứng ở đó phát mới hiểu được sự bức xúc của ngta. Đồng ý giọng điệu của anh này nghe không lọt tai cho lắm nhưng nhiều người chạy xe máy xịn, đeo vòng vàng đồng hồ xịn, ăn mặc rất sạch sẽ đẹp đẽ mà vẫn tranh với người khó khăn thật sự rồi những người khổ thiệt tới sau không có cơm ăn. Cơm từ thiện có giới hạn chứ không phải nồi cơm Thạch Sanh ăn bao nhiêu cũng không hết. Những người còn cách kiếm cơm, còn tâm tư ăn diện thì chưa thực sự rơi vào đường cùng", một người nhận xét.
"Mình thấy cơm từ thiện chỉ đúng nghĩa khi được trao cho những người không còn sức lao động hoặc hoàn cảnh khó khăn quá thôi. Chứ thanh niên sức dài vai rộng hay người còn sơn móng tay, ăn diện thì đâu có thừa mà cho. Bác này nặng lời là không đúng nhưng có lẽ do gặp quá nhiều người như vậy rồi nên bức xúc. Lòng tốt cũng cần đặt đúng chỗ, khỏe mạnh thì tự làm tự hưởng, đừng tranh với những người khó khăn hơn. Mỗi người nhường nhau một chút cho qua khó khăn này", một bạn khác cũng đồng tình.
Hiện, đoạn clip vẫn đang thu hút sự chú ý của nhiều người.
Theo Phạm Trang (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)