Thông tin trên được bác sĩ Nguyễn Hoài Nam chia sẻ tại cuộc gặp báo chí về tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM chiều tối 16/7.
Theo ông Nam, tính đến hôm nay, số ca mắc Covid-19 tử vong tại TP là 142 ca, chiếm 0,75% tổng số ca bệnh. Nguyên nhân số ca tử vong những ngày qua liên tục tăng vì khả năng biến chứng nặng của chủng Delta rất nhanh. Hơn nữa, các ca tử vong đa số là người lớn tuổi, có bệnh nền. Có một vài trường hợp xuất hiện ở nhóm người ít tuổi hơn, xoay quanh nhóm 60 tuổi.
Bác sĩ Nam khẳng định, hiện ngành y tế TP cố gắng kéo giảm tỷ lệ này bằng cách thiết lập bệnh viện điều trị Covid-19 theo mô hình tháp 4 tầng. Tầng thứ nhất là các F0 không triệu chứng sẽ khỏi theo thời gian. Tầng 2, các F0 có triệu chứng nhẹ, chỉ ho, sốt, đau họng. Tầng thứ 3 là những người có thêm bệnh nền. Tầng thư 4 để điều trị cho bệnh nhân nặng, nguy kịch tại Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2 với công suất 1.000 giường.
Theo báo cáo của UBND TP.HCM, tính từ ngày 9/7 đến 6h ngày 15/7, TP có tổng cộng 9.454 ca mắc Covid-19 được Bộ Y tế công bố. Tính từ 6h ngày 15/7 đến 6h ngày 16/7, TP ghi nhận 2.506 trường hợp dương tính với nCoV. Trong đó, 1.332 trường hợp trong khu phong tỏa; 17 trường hợp phơi nhiễm nghề nghiệp; 8 trường hợp khi tầm soát cộng đồng; 268 trường hợp tầm soát, sàng lọc tại bệnh viện, cơ sở y tế và 5 trường hợp là thuyền viên nhập cảnh, đã được cách ly.
Về lý do số ca F0 liên tục tăng trong những ngày qua, bác sĩ Nam cho biết, hiện nay TP thực hiện phương án tầm soát diện rộng để tách triệt để F0 ra khỏi cộng đồng, nhằm sớm kiểm soát được dịch, đưa cuộc sống trở lại bình thường. "Nếu người dân thực hiện tốt tinh thần Chỉ thị 16 thì thời gian tới, TP có niềm tin sẽ khống chế được dịch bệnh và số ca cũng sẽ có xu hướng giảm", ông Nam cho biết.
Bác sĩ Nam cho biết, việc F0 tăng nhanh trong thời gian qua đã dẫn đến tình trạng quá tải tại các bệnh viện dã chiến mà TP đã thành lập để thu dung điều trị Covid-19. Hơn nữa, các bệnh viện dã chiến được thành lập ở các khu tái định cư nên còn gặp nhiều khó khăn.
Thời gian qua,TP đã phối hợp với các sở ngành để mở rộng bệnh viện dã chiến, đồng thời chuyển đổi công năng các bệnh viện nên số giường hiện có 20.000 giường. Tuy nhiên, do số ca dương tính còn tăng, vì vậy TP đã có kế hoạch mở rộng 50.000 giường bệnh.
Ngoài các bệnh viện dã chiến hiện tại, thời gian tới, TP đang tiếp tục tận dụng các khu tái định cư, nhà thi đấu, trường đua… để tận dụng xây dựng bệnh viện dã chiến. Khi cần thiết, có thể chuẩn bị 5-7 ngày là xong.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, tình hình dịch bệnh kéo dài, số ca F0 tăng nhanh, vì vậy, lực lượng y bác sĩ tại TP phải đảm đương nhiệm vụ nặng nề nên họ đã thấm mệt.
Hiện TP cần thêm 10.000 nhân viên y tế để phục vụ cho công tác phòng chống dịch Covid-19. Bộ Y tế đã phân bổ cho TP.HCM hơn 3.000 nhân viên y tế đến từ các tỉnh, thành. Họ đang thực hiện lấy mẫu, điều tra truy vết, nhiệm vụ trong bệnh viện dã chiến….
Ngoài ra, ngành y tế cũng sẽ vận động sinh viên ở các trường đại học trong TP tình nguyện tham gia chống dịch để giảm tải cho các y bác sĩ.
Chỉ còn 6 ngày nữa, TP sẽ kết thúc thời gian cách ly xã hội theo Chỉ thị 16. Bác sĩ Nam cho biết, trong thời gian ngắn đó chưa chắc TP có thể tách được hết F0 ra khỏi khu dân cư hay không, nhưng cả ngành y tế đang cố gắng. Ông cũng mong người dân hãy cùng đồng tâm, hiệp lực để giúp ngành y tế nhanh giành thắng lợi cuộc chiến này.
Theo Tú Anh (Vietnamnet.vn)