Nhằm từng bước khôi phục lại hoạt động vận tải hành khách đường bộ phù hợp với công tác phòng, chống dịch COVID-19 các địa phương nơi đi và nơi đến; đáp ứng nhu cầu cấp thiết đi lại của người dân, góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi kinh tế - xã hội, Sở Giao thông vận tải TP.HCM dự thảo phương án tổ chức hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh theo tuyến cố định giữa TP.HCM và các tỉnh, thành phố.
Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề nghị Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố xem xét, góp ý hoàn chỉnh dự thảo phương án; đồng thời báo cáo UBND tỉnh, thành xem xét chỉ đạo về việc này.
Theo Sở Giao thông vận tải TP.HCM, đơn vị mong nhận được văn bản phản hồi của Sở Giao thông vận tải các tỉnh, thành phố trước ngày 15/10 và cùng phối hợp chặt chẽ trong quá trình triển khai thực hiện.
Về điều kiện, đối với hành khách đi từ TP.HCM, phải đáp ứng điều kiện đã tiêm ít nhất một mũi vaccine được 14 ngày hoặc giấy xác nhận là người khỏi bệnh COVID-19 (dưới 6 tháng) của cơ quan có thẩm quyền và kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (theo phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên) được thực hiện trong vòng 72 giờ (kể từ khi lấy mẫu) trước khi lên xe.
Đối với hành khách đến TP.HCM, phải đáp ứng điều kiện có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 (theo phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên) được thực hiện trong vòng 72 giờ (kể từ khi lấy mẫu) trước khi lên xe.
Hành khách phải thực hiện khai báo y tế trước khi lên xe; không tham gia chuyến đi khi có các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng,…
Trường hợp hành khách chưa đủ điều kiện tiêm chủng vaccine theo quy định của Bộ Y tế đi cùng người thân trên chuyến xe phải đáp ứng các điều kiện nêu trên trừ yêu cầu tiêm đủ liều (2 mũi) vaccine phòng COVID-19. Trên xe phải thực hiện đeo khẩu trang, sát khuẩn tay thường xuyên, hạn chế tiếp xúc.
Khi kết thúc chuyến xe, trong quá trình di chuyển từ bến xe về nơi cư trú, lưu trú, hành khách phải luôn thực hiện 5K, sử dụng ứng dụng PC-COVID, hạn chế dừng và không tiếp xúc nơi đông người. Chủ động thông báo với chính quyền địa phương nơi cư trú, lưu trú.
Bên cạnh đó, hành khách cần tự theo dõi sức khoẻ tại nơi cư trú, lưu trú ít nhất 7 ngày (theo quy định cụ thể của từng địa phương) kể từ ngày về địa phương và luôn thực hiện 5K; nếu có dấu hiệu bất thường về sức khỏe như ho, sốt, khó thở, đau rát họng, mất vị giác... thì báo cho cơ quan y tế để theo dõi và xử trí theo quy định.
Về điều kiện đối với người điều khiển phương tiện và nhân viên phục vụ đi cùng, đã tiêm đủ liều vaccine (thẻ xanh trên Sổ Sức khoẻ điện tử/PC-COVID hoặc giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine của cơ quan có thẩm quyền cấp) hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 trong vòng 6 tháng.
Những người này cũng phải có kết quả xét nghiệm âm tính SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR hoặc xét nghiệm nhanh kháng nguyên âm tính trong vòng 72 giờ trước khi lên xe. Khi trên xe, cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19.
Sau chuyến xe (kết thúc hành trình), người điều khiển phương tiện và nhân viên phục vụ đi cùng nếu thực hiện chuyến khứ hồi trong ngày thì không bắt buộc xét nghiệm khi quay lại điểm đi, thực hiện 5K, tự theo dõi sức khỏe cho đến chuyến xe tiếp theo. Nếu có biểu hiện các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng… thì thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để xử lý theo quy định.
Còn trường hợp người điều khiển phương tiện và nhân viên phục vụ phải lưu trú tại địa phương của bến xe đến; nếu cư trú tại địa phương, thực hiện 5K, tự theo dõi sức khỏe cho đến chuyến xe tiếp theo, khi có biểu hiện các triệu chứng ho, sốt, khó thở, đau mỏi cơ, đau rát họng… thì thông báo ngay cho cơ quan y tế địa phương để xử lý theo quy định.
Nếu lưu trú tạm thời thì đơn vị kinh doanh vận tải phải bố trí nơi lưu trú đảm bảo phòng, chống dịch cho người điều khiển phương tiện và nhân viên phục vụ đi cùng.
Trong trường hợp chuyến xe có người điều khiển phương tiện, nhân viên phục vụ đi cùng, hành khách dương tính với SARS-CoV-2, thực hiện theo các văn bản hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và của Bộ Y tế.
Về các đơn vị cung ứng dịch vụ vận tải, là các đơn vị vận tải đã đăng ký tham gia khai thác các tuyến vận tải hành khách cố định. Thực hiện các biện pháp, điều kiện và yêu cầu theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.
Bên cạnh đó, các đơn vị vận tải hoạt động trên địa bàn TP.HCM phải đảm bảo quy định tại Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động giao thông vận tải an toàn trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, trong đó mật độ người tập trung trên phương tiện vận tải (bao gồm nhân viên phục vụ và người điều khiển phương tiện) không quá 50% sức chứa của phương tiện (không áp dụng đối với xe giường nằm). Đồng thời có phương thức thanh toán không dùng tiền mặt và vệ sinh, khử khuẩn phương tiện sau mỗi chuyến xe.
Ngoài ra đối với các bến xe khách cũng thực hiện các biện pháp, điều kiện và yêu cầu theo quy định của Bộ Giao thông vận tải. Ngoài ra thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch theo quy định của Ban chỉ đạo phòng chống dịch.
Về lộ trình khai thác:
Giai đoạn 1, từ ngày 1/11 đến ngày 15/11: tần suất khai thác tối đa từ 3 đến 5 chuyến/ngày; riêng các tuyến có tần suất khai thác hơn 100 chuyến ngày trước khi có dịch bệnh thì tần suất tối đa không quá 15 chuyến/ngày.
Bến xe khách thông tin đến hành khách, bán vé trực tuyến hoặc trực tiếp khi hành khách đủ điều kiện;
Số lượng hành khách được chở trên phương tiện phải đảm bảo giãn cách, không quá 50% số ghế cho phép theo công suất thiết kế (không áp dụng đối với xe giường nằm).
Giai đoạn 2, từ ngày 15/11 đến 30/11: tần suất khai thác tối đa 10 chuyến/ngày theo nhu cầu đi lại của hành khách; riêng các tuyến có tần suất khai thác hơn 100 chuyến ngày trước khi có dịch bệnh thì tần suất tối đa không quá 30 chuyến/ngày.
Giai đoạn 3, sau ngày 30/11 đến hết tháng 12/2021: tổ chức khai thác vận tải hành khách không quá 50% tần suất khai thác của các tuyến (đã được chấp thuận khai thác trước thời gian thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg).
Giá vé hành khách được bán theo giá kê khai theo quy định.
Theo Tứ Quý (Nhịp Sống Việt)