Sở Y tế TP.HCM mới đây đã có văn bản gửi tới Sở Lao động, Thương binh và Xã hội; Ban Quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp thành phố; Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố; Trung tâm Y tế quận, huyện.
Theo đó, nhằm chủ động phòng, chống và hạn chế mức thấp nhất sự lây lan của dịch bệnh, Sở Y tế đề nghị các đơn vị khuyến cáo cơ sở lao động hạn chế sử dụng máy lạnh hoặc quạt hơi nước làm mát trong thời điểm có dịch Covid-19.
Văn bản cũng nêu rõ, các cơ sở lao động phải đảm bảo xà phòng, nước rửa tay cho người lao động. Khi có các triệu chứng ho, sốt, sổ mũi..., người lao động cần chủ động nghỉ làm, báo cáo cho người quản lý hoặc nhân viên y tế để có biện pháp xử lý. Nếu cơ sở lao động xuất hiện nhiều người có triệu chứng viêm hô hấp cần báo cáo ngay cho ngành y tế địa phương để giám sát, xử lý kịp thời.
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng phòng Công tác xã hội kiêm điều hành khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi Đồng 1 TP.HCM, virus corona sẽ suy yếu ở nhiệt độ ấm áp, nhất là trên 25 độ C. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là TP.HCM và các địa phương có khí hậu nóng khác sẽ không có nguy cơ.
Người dân có thể tận dụng yếu tố nhiệt độ để làm giảm sức mạnh của virus như tránh ở trong các phòng kín có nhiệt độ quá lạnh, hạn chế bật điều hòa có nhiệt độ dưới 25 độ C, nhà cửa nên mở cửa thông thoáng.
TS Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư City of Hope, California, Mỹ, cho biết trong một nghiên cứu năm 2011, virus SARS trên bề mặt nhẵn có khả năng tồn tại trong hơn 5 ngày ở nhiệt độ 22-25 độ C, độ ẩm 40-50% (đây là môi trường phòng máy lạnh).
Tuy nhiên, khả năng sống của virus bị giảm nhanh chóng ở nhiệt độ và độ ẩm cao hơn (ví dụ, khi nhiệt độ lên 38 độ C và độ ẩm trên 95% làm khả năng sống của virus giảm hơn 1.000 lần).
Thiên Bình (Nguoiduatin.vn)