Hai công trình được đặt tại số 8 Nguyễn Trung Trực và Thương xá Tax (góc ngã tư Pasteur – Lê Lợi, đối diện Sài Gòn Center) phục vụ miễn phí cho người dân, du khách. Đây là những nhà vệ sinh công cộng được đầu tư xây dựng mới hoàn toàn từ nguồn xã hội hóa, gồm một buồng vệ sinh dùng chung và ki-ốt quản lý đặt tại mặt tiền.
Hai nhà vệ sinh công cộng này được trang bị các cảm biến, tự động hoàn toàn người dùng không cần chạm. Ngay cả việc lấy giấy hay bỏ rác vào thùng cũng được tự động hóa, người dùng chỉ cần đưa tay lại gần để chọn các chức năng là giấy tự động đưa ra, thùng rác tự động mở…
Ngoài ra, nhà vệ sinh còn được trang bị hệ thống loa hướng dẫn và phát nhạc nhẹ, màn hình camera để quan sát tài sản bên ngoài, hệ hống lau - sấy sàn, hút mùi, xịt khử khuẩn, khử mùi tự động.
Bà Thái Hoa, Việt kiều Canada ngạc nhiên về sự tiện lợi, hiện đại của công trình: “Lần đầu tiên tôi thấy ở Việt Nam có một nhà vệ sinh đúng là hiện đại. Đặc biệt, bên trong rất là sạch sẽ, rất tuyệt vời”.
Ông Lê Văn Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam khẳng định, đây là nhà vệ sinh đạt chuẩn quốc tế và hạn chế tối đa tình trạng tắc nghẽn bồn cầu vì được trang bị công nghệ nghiền nát trước khi xả thải.
“Tất cả những loại rác gây tắc nghẽn bồn cầu mà lâu nay chúng ta thường vướng phải nơi công cộng như giẻ, băng,... thì trong vòng 2 giây sẽ được máy nghiền nát thành bọt nước hay cặn bùn trước khi đưa ra hệ thống xử lý tập trung. Hệ thống tự hoại trên là giải pháp rất tốt, giảm thiểu tình trạng tắc nghẹt bồn cầu trong quá trình sử dụng, không cần phải đào hầm tự hoại, tiết kiệm mặt bằng”, ông Lê Văn Hiệp nói.
Theo tính toán của Hiệp hội Nhà vệ sinh Việt Nam, TP.HCM cần khoảng 1.000 nhà vệ sinh công cộng. Trong năm 2023, Hiệp hội sẽ cùng các đơn vị thực hiện xã hội hóa xây dựng 200 công trình tương tự và đến năm 2025 sẽ xây dựng xong khoảng 500 nhà vệ sinh./.
Theo Tỷ Huỳnh (Vov.vn)