Chiều 9/7, Trung tâm báo chí TP.HCM đã tổ chức buổi cung cấp thông tin sau ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, tham dự buổi cung cấp thông tin có đại diện của các lãnh đạo Sở, ngành trên địa bàn thành phố.
Mở đầu buổi họp báo, đại diện Sở Công thương cho biết trước thời điểm giãn cách theo Chỉ thị 16, người dân tập trung mua sắm ở các hệ thống phân phối rất là cao dẫn đến tình trạng quá tải tạm thời, nhiều gian hàng trống... Tuy nhiên, hôm nay, việc nguồn cung đã được đảm bảo, lượng hàng rất là nhiều.
"Đến giờ này thì các siêu thị vắng, hàng hóa thì dồi dào, hôm nay không có tình trạng hàng hóa trống quầy", đại diện Sở Công thương nói.
Trước câu hỏi của PV về những khó khăn trong quá trình mua hàng hóa của người dân, nhất là có đến 148 chợ truyền thống, 3 chợ đầu mối trên địa bàn thành phố tạm ngưng hoạt động, đại diện Sở Công thương chia sẻ.
"Việc hơn 50% chợ truyền thống ở thành phố đóng cửa đã ảnh hưởng đến sự cung ứng hàng hóa, đặc biệt là phân khúc cho người có thu nhập trung bình, thấp, chỉ mua thực phẩm hàng ngày chứ không có điều kiện dự trữ. Về vấn đề này, Sở Công thương cũng có một số giải pháp để hỗ trợ người dân.
+ Một là địa phương phải tổ chức lực lượng tiếp nhận do các doanh nghiệp thị trường cung cấp (Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên...) để phân phối cho người dân.
+ Hai là khi chợ đóng cửa, địa phương phải rà soát để kiếm mặt bằng gửi đến Sở Công thương để có thể đặt hàng lưu động...".
Liên quan đến việc thời gian qua, một số mặt hàng tươi sống, rau củ quả có giá tăng cao, ngoài những lý do khách quan (giá xăng dầu, việc vận chuyển, thời gian vận chuyển...), ở một số chợ truyền thống, trước nhu cầu của người mua, một số tiểu thương đã tăng giá, Sở Công thương cho biết sẽ tăng cường kiểm soát, xử lý nếu có hiện tượng tăng giá bán hàng.
"Bây giờ việc cung ứng hàng hóa dồi dào, sức mua giảm thì giá cả sẽ giảm. Hôm nay, người mua không có, hàng hóa còn nhiều nên khó mà tăng giá", đại diện Sở Công thương nói.
Ngoài ra, Sở Công thương cũng có những chia sẻ liên quan đến việc vận chuyển hàng hóa về TP.HCM gặp nhiều khó khăn. Ở thời gian trước, TP.HCM sẵn sàng giải cứu rất nhiều nông sản của các địa phương nhưng không hiểu lý do tại sao, có một số địa phương lại tạo ra sự khó khăn trong việc lưu thông hàng hóa về thành phố.
Theo Văn Tiên (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)