TPHCM: Gần 90.000 F0, nguy cơ vượt ngưỡng chịu đựng của y tế

08/12/2021 13:50:39

Số ca nhiễm mới đang tăng cao, Sở Y tế TPHCM cảnh báo nguy cơ ca bệnh vượt ngưỡng chịu đựng của hệ thống điều trị.

Sáng 8/12 tại cuộc họp trực tuyến với Trung tâm Y tế và UBND các quận huyện và thành phố Thủ Đức, BS Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết: “Sau hơn 2 tháng nới lỏng giãn cách, số ca mắc mới liên tục tăng ở hầu hết các quận huyện, số ca nặng, tử vong cũng tăng”.

Khi ca mắc mới tăng cao, tỷ lệ bệnh nặng nhiều, ca tử vong sẽ cao hơn. Cụ thể, giai đoạn thấp điểm, tử vong vì COVID-19 tại thành phố chỉ còn 26 ca nhưng đến nay có ngày hơn 90 ca tử vong. Trước thực tế trên, Sở Y tế đang đánh giá lại các biện pháp triển khai trong công tác phòng chống dịch.

Thông tin trên Tiền Phong, BS Nguyễn Hữu Hưng cho biết, số F0 đang quản lý trên địa bàn thành phố tính đến ngày 8/12 khoảng 90.000 trường hợp. Ngưỡng chịu đựng trong chăm sóc, điều trị F0 trên địa bàn TPHCM là 120.000 F0, dịch đang có xu hướng gia tăng, nếu quá mức trên sẽ dẫn đến quá tải gây khó khăn cho điều trị. Ngành y tế đang tập trung triển khai các biện pháp khống chế F0 thấp dưới ngưỡng chịu đựng càng thấp càng tốt để kiểm soát được dịch bệnh.

BS Hữu Hưng nói: “Trên cơ sở phân tích các trường hợp tử vong cho thấy, tỷ lệ tử vong nhiều nhất là lứa tuổi trên 50; ngay cả những người trẻ tuổi nếu mắc bệnh nền cũng là nguyên nhân đưa đến tử vong rất cao, hầu hết người tử vong có bệnh nền. Mặc dù số liệu công bố tỷ lệ tiêm vắc xin rất cao ở từng thời điểm, tuy nhiên rất nhiều người tử vong chưa được tiêm hoặc chưa tiêm 2 liều đầy đủ”.

Xác định nhiệm vụ bảo vệ nhóm nguy cơ là hành động khẩn cấp phải thực hiện. Sở Y tế đã đề xuất và được UBND TPHCM phê duyệt kế hoạch thực hiện chiến dịch bảo vệ nhóm nguy cơ.

Ngành y tế đang phối hợp với các địa phương lập danh sách ưu tiên chăm sóc, theo dõi cho những người trên 65 tuổi, người bệnh nặng nằm liệt giường, người bệnh thận, bệnh phổi mạn tính… Danh sách lập đến đâu sẽ triển khai tiêm nhắc lại vắc xin đến đó để tăng cường bảo vệ cho người thuộc nhóm nguy cơ. Chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ sẽ thực hiện từ nay đến hết tháng 12/2021.

TPHCM: Gần 90.000 F0, nguy cơ vượt ngưỡng chịu đựng của y tế
Hệ thống điều trị của ngành y tế đang bắt đầu rơi vào tình trạng quá tải

Cũng trong sáng nay, tại kỳ họp thứ 4, HĐND TP HCM khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng cũng đã trả lời nhiều câu hỏi của đại biểu về chất lượng tuyến y tế cơ sở.

Chia sẻ lo lắng của đại biểu, Giám đốc Sở Y tế cho biết hiện nay số nhân viên y tế trên một vạn dân của thành phố thấp nhất cả nước với 2,31 người trên vạn dân, so với cả nước là 7 người trên vạn dân.

"Bình thường tuyến y tế cơ sở đã có những hạn chế thì khi dịch bùng phát điều này càng bộc lộ rõ" – ông Tăng Chí Thượng nói.

Trong năm nay, số nhân viên y tế ở cơ sở nghỉ cũng rất nhiều. Theo ông có nhiều lý do nhưng dễ nhìn thấy nhất là họ bị kiệt sức sau nhiều tháng liền tham gia chống dịch, thêm nữa thu nhập thấp.

Trước tình trạng đó, Sở Y tế TP HCM có xây dựng đề án và có tờ trình gửi đến Thường trực UBND TP HCM, trong đó đề xuất nhiều chính sách để giữ chân nhân lực tuyến y tế cơ sở.

Đầu tiên là chính sách "giữ chân" với việc trước mắt là hỗ trợ thu nhập với mức từ 4 đến hơn 6 triệu đồng/tháng.

TPHCM: Gần 90.000 F0, nguy cơ vượt ngưỡng chịu đựng của y tế - 1
Giám đốc Sở Y tế Tăng Chí Thượng

Theo ông Tăng Chí Thượng, từ năm 2015, TP HCM đã có quyết định 06 hỗ trợ thu nhập cho nhân lực tuyến cơ sở nhưng vẫn còn thấp, chỉ dưới 1 triệu đồng/tháng.

Đầu việc thứ 2 là làm sao thu hút nhân viên y tế đến công tác tại trạm y tế. Ông Tăng Chí Thượng nói ngành y tế đã trao đổi và làm việc với Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch để gỡ bài toán này với một cơ chế rất mới.

Quy định bác sĩ mới tốt nghiệp sẽ về bệnh viện thực hành để có chứng chỉ hành nghề trong vòng 18 tháng. Để thu hút nhân lực về trạm y tế, ông Tăng Chí Thượng cho biết ngành y tế đã kiến nghị thay vì về bệnh viện thì về thực hành tại trạm y tế với thời gian 12 tháng. Chưa hết, khi về thực hành tại trạm y tế, bác sĩ mới tốt nghiệp không phải đóng tiền mà còn được thành phố hỗ trợ một phần chi phí với mức 1,5 lần lương tối thiểu.

"Nếu cơ chế này được thông qua, ước tính mỗi năm sẽ có 500 bác sĩ được tăng cường xuống trạm y tế. Việc này có lợi cả đôi bên" – Giám đốc Sở Y tế nêu quan điểm.

Đầu việc thứ 3 là tăng định biên cho trạm y tế. Theo quy định hiện nay tối thiểu là 5 người, tối đa là 10 người. Nhưng một điều bất hợp lý là ở TP HCM dân số ở các phường, xã rất khác nhau, có nơi rất đông dân lên đến 170.000 dân.

Ông Tăng Chí Thượng cho rằng về lâu dài Quốc hội nên xem xét, điều chỉnh lại biên chế theo quy mô dân số chứ không phải địa giới hành chính, lý tưởng nhất là 1 trạm y tế trên 1 vạn dân. Còn trước mắt, Sở Y tế sẽ kiến nghị tăng biên chế lên từ 10 đến 20 người.

"Nếu các chính sách này được thông qua, chắc chắc các trạm y tế sẽ tuyển dụng được nhân lực"- Giám đốc Sở Y tế thành phố khẳng định.

 

Ngọc Trâm (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật