Đề xuất giữ 300 tỉ xử phạt vi phạm giao thông
Sau khi báo cáo về tình hình ùn tắc giao thông ở TP.HCM, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Lê Văn Khoa thay mặt lãnh đạo đã đưa ra nhiều chính sách đột phá để TP giảm tình hình ùn tắc giao thông.
Đáng chú ý, TP kiến nghị cho phép nghiên cứu cơ chế phụ thu đối với một số ngành, lĩnh vực kinh doanh trên địa bàn TP phù hợp với tình hình thực tế. Nguồn thu này không phải điều tiết về Trung ương và không đưa vào tính cân đối ngân sách vào đầu thời kỳ ổn định. Còn thu loại gì, thu phí ra sao TP.HCM sẽ báo cáo chi tiết.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc làm việc đầu cầu Hà Nội |
TP cũng kiến nghị cho phép nghiên cứu phương án xây dựng, quản lý thu một số loại phí đối với hoạt động dịch vụ ở một đô thị lớn mà hiện nay chưa được pháp luật ban hành. Nguồn thu này không phải điều tiết về T.Ư và không đưa vào cân đối ngân sách vào đầu thời kỳ ổn định.
Kiến nghị Thủ tướng cho phép TP được trích lại 100% tiền thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông và nguồn thu do cơ quan thuế, hải quan thực hiện để có điều kiện đầu tư mới phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nhằm kéo giảm tai nạn giao thông, giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn thành phố.
Hiện nay bình quân mỗi năm TP thu xử lý vi phạm giao thông khoảng 300 tỉ đồng.
Triển khai nhanh dự án giao thông
Về kiến nghị về cơ chế, chính sách, ông Khoa kiến kiến nghị Thủ tướng chấp thuận cơ chế áp dụng cho một số công trình cấp bách, kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông khu vực Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, cảng Cát Lái và khu vực cửa ngõ, trung tâm TP.
|
Đầu cầu TP.HCM do Bí thư Đinh La Thăng chủ trì |
Cụ thể, đối với các dự án đầu tư từ nguồn vốn ngân sách thành phố: Chấp thuận chủ trương triển khai thực hiện theo lệnh khẩn cấp, cấp bách và cho phép UBND TP chỉ định thầu đối với một số dự án thuộc Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2016 - 2020 (đã được duyệt chủ trương đầu tư công trung hạn 2016 - 2020). Bốn dự án đó là xây dựng đường nối Trần Quốc Hoàn - Cộng Hòa; tuyến đường nối từ trung tâm Cát Lái đến đường vành đai 2; xây dựng cầu vượt qua đảo Kim Cương (Q.2); xây dựng cầu vượt ở ngã 6 Công trường Dân Chủ.
Chấp thuận cho UBND TP triển khai các dự án thuộc Chương trình giảm ùn tắc giao thông, giảm tai nạn giao thông giai đoạn 2016 - 2020 (đã được duyệt chủ trương đầu tư công trung hạn 2016 - 2020) ngay sau khi dự án được phê duyệt (không phụ thuộc thời điểm phê duyệt trước ngày 31.10 năm trước).
TP cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo đẩy nhanh các thủ tục nghiên cứu xây dựng tuyến đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đồng bộ tiến độ xây dựng hoàn thành sân bay Long Thành.
TP kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ GTVT đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc đưa đoạn tuyến đường sắt Bình Triệu - Hòa Hưng lên cao để xóa bỏ các giao cắt giữa đường sắt và đường bộ trong nội đô.
Đối với Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, trong quá trình thực hiện điều chỉnh quy hoạch cần phối hợp chặt chẽ với TP.HCM để triển khai đồng bộ các giải pháp kết nối với hệ thống giao thông thành phố.
37 điểm thường xuyên ùn tắc
Trong năm 2016, trên địa bàn TP có 37 vị trí thường xảy ra ùn tắc giao thông. Các tuyến đường thường xảy ra ùn tắc giao thông thuộc các khu vực như: Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (các tuyến Trường Sơn, Trần Quốc Hoàn, Hoàng Văn Thụ, Cộng Hòa, Trường Chinh, Nguyễn Văn Trỗi, Nguyễn Kiệm); cảng Cát Lái (Đồng Văn Cống, Mai Chí Thọ, Nguyễn Thị Định, Xa Lộ Hà Nội); khu vực trung tâm TP (các tuyến Pasteur, Lý Tự Trọng, Lê Thánh Tôn, Tôn Đức Thắng – Nguyễn Hữu Cảnh, Nguyễn Văn Cừ,...); các tuyến đường kết nối từ ngoại ô vào nội đô TP (Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Hữu Thọ, Phạm Hùng, Quốc lộ 50, Cộng Hòa, Quang Trung, Nguyễn Kiệm...).
|
Cảnh sát giao thông xử lý một điểm ùn tắc ở TP.HCM trưa 22.1 |
Nguyên nhân ùn tắc là do TP còn thiếu Chương trình phát triển đô thị nhằm đảm bảo kết nối thống nhất, đồng bộ các định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đô thị; làm cơ sở pháp lý để quản lý, phát triển đô thị TP.HCM phù hợp với các định hướng phát triển hệ thống đô thị Việt Nam, Chương trình đô thị quốc gia.
Năng lực khai thác của hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông hiện hữu chưa cao. Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội, chưa đồng bộ theo quy hoạch. Dịch vụ vận tải hành khách công cộng chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa có vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn.
Hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về trật tự an toàn giao thông còn hạn chế. Ý thức tham gia giao thông của một bộ phận người dân chưa cao. Lượng tăng dân số cơ học tăng nhanh qua từng năm nhưng chưa có giải pháp kiểm soát…
Ngày 25.1, Bộ Quốc phòng giao 21 ha đất để mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất Bộ trưởng GTVT Trương Quang Nghĩa cho biết sân bay Tân Sơn Nhất tắc cả ngoài lẫn trong. Do đó thứ 4 này (ngày 25.1), Bộ Quốc phòng sẽ giao 21 ha đất trong sân bay Tân Sơn Nhất để mở rộng sân bay. Diện tích đất này dự tính sẽ xây dựng nhà ga có thể bảo đảm nhu cầu vận chuyển 10 triệu hành khách/năm. Tuy nhiên điều ông Nghĩa lo lắng là nếu xây dựng nhà ga sẽ tăng áp lực cho giao thông TP khi lượng khách sẽ tăng lên. Thượng tướng Nguyễn Phương Nam, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, cho hay diện tích 21 ha nói trên là đất của Lữ đoàn không quân 918 và Trung đoàn không quân 917. Dự kiến 2 đơn vị này sẽ được đưa về Biên Hòa (Đồng Nai). Về sân golf rộng 157 ha nằm trong sân bay, thượng tướng Phương Nam cho biết Bộ Quốc phòng sẽ lấy ý kiến của Bộ GTVT và Bộ KHĐT để có hướng phù hợp. |