Tối 30/6, thông tin từ Sở Y tế TP.HCM cho báo Gia đình & Xã hội biết, tính từ ngày 18/5 (ngày mà Bệnh viện Vinmec Central Park phát hiện ca mắc Covid-19 đầu tiên của đợt dịch lần thứ 4), đã có 459 trường hợp mắc Covid-19 được phát hiện từ nhiều bệnh viện trên địa bàn thành phố.
Thực tế cho thấy các bệnh viện đang gặp nhiều khó khăn trước tính chất lây lan rất nhanh của chủng Delta của virus SARS-CoV-2.
Hiện tại có 55/130 bệnh viện trên địa bàn thành phố đã có trường hợp F0 đến khám bệnh, chữa bệnh. Trong số đó, đa số được bệnh viện phát hiện chủ động nhưng cũng có một số bệnh viện phát hiện bị động dẫn đến sự lây lan mầm bệnh trong bệnh viện.
Theo Tuổi Trẻ Online, hậu quả là đã có những bệnh viện phải phong tỏa (Bệnh viện quận Tân Phú, Bệnh viện Nam Sài Gòn, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới) và mới đây là trường hợp của Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch và Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn.
Đối với Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, một thân nhân ở quận Bình Tân, TP.HCM là người nuôi bệnh của một bệnh nhân đang điều trị tại khoa B4 (khoa lao kháng thuốc) được phát hiện mắc Covid-19 và đã lây lan sang 24 người khác là thân nhân và bệnh nhân của khoa B3 và B4 ở cùng một khối nhà. Hiện bệnh viện phải tạm phong tỏa khu vực điều trị nội trú bệnh lao để rà soát lại toàn bộ các khoa, phòng khác (tất cả cho kết quả xét nghiệm âm tính lần 1).
Đối với Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, qua tầm soát xét nghiệm phát hiện 10 trường hợp mắc Covid-19 là nhân viên, người lao động tại bệnh viện (nhân viên bảo vệ, phòng tài chánh kế toán). Hiện bệnh viện đã tạm phong tỏa toàn bộ bệnh viện để rà soát, kiểm tra xét nghiệm lại toàn bộ nhân viên bệnh viện.
Trước tình hình này, Sở Y tế TP.HCM yêu cầu tất cả bệnh viện phải siết chặt hơn nữa các giải pháp nhằm đảm bảo an toàn và hạn chế thấp nhất nguy cơ lây lan dịch bệnh trong bệnh viện.
Tổng hợp
Theo T.Hà (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)