TP.HCM đã có 16 bệnh nhân COVID-19 tử vong, trong một ngày ghi nhận đến 533 ca nhiễm

02/07/2021 18:28:28

Từ 6 giờ ngày 1/7 đến 6 giờ ngày 2/7, TP.HCM ghi nhận 533 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, trong đó có 2 trường hợp phơi nhiễm và 42 trường hợp phát hiện khi khám sàng lọc tại 15 bệnh viện.

Thông tin này được cho biết trong cuộc họp giao ban trực tuyến của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM tình hình dịch bệnh diễn ra trên địa bàn, diễn ra ngày 2/7.

Cụ thể theo báo cáo của Sở Y tế TP.HCM, tính từ ngày 27/4 đến 18 giờ ngày 1/7, TP.HCM có 4.345 ca nhiễm trong cộng đồng được Bộ Y tế công bố.

Có 16 bệnh nhân tử vong, chiếm tỷ lệ 0,38%.

Từ 6 giờ ngày 1/7 đến 6 giờ ngày 2/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) ghi nhận 533 trường hợp dương tính SARS-CoV-2.

Trong đó, 460 trường hợp tại khu cách ly, khu phong tỏa, cách ly tại nhà đều xác định được nguồn nằm trong các chuỗi lây nhiễm trước đó.

2 trường hợp phơi nhiễm, là dân quân trực khu phòng tỏa ở quận 5, TP Thủ Đức và 42 trường hợp phát hiện khi khám sàng lọc tại 15 bệnh viện.

TP.HCM đã có 16 bệnh nhân COVID-19 tử vong, trong một ngày ghi nhận đến 533 ca nhiễm
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại cuộc họp.

Các chuỗi lây nhiễm đáng lưu ý tại TP.HCM hiện nay là chuỗi dịch tại nhà máy Công ty Nidec Sankyo ở Khu công nghệ cao, TP Thủ Đức; Chuỗi dịch tại công ty có trụ sở ở tòa nhà trong hẻm 42 đường Ung Văn Khiêm, phường 25, quận Bình Thạnh (tổng cộng 21 ca); Chuỗi dịch phát hiện tại Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch với 25 bệnh nhân; Chuỗi cửa hàng Satra Food (quận 5) ghi nhận tổng cộng 10 ca dương tính;

Ngoài ra còn có chuỗi liên quan chợ đầu mối Hóc Môn, chợ Sơn Kỳ, chợ Tân Hương, chợ Bình Điền...

Về công tác xét nghiệm, từ 26/5 đến hết ngày 30/6/2021 qua rà soát số liệu, đã lấy 1.408.106 mẫu xét nghiệm PCR (tại các khu cách ly, khu phong tỏa, các tòa nhà, khu dân cư, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao...).

Bao gồm 24.458 mẫu F1 (23.599 mẫu âm tính, 859 mẫu chờ kết quả); 202.834 mẫu F2 (171.210 âm tính, 31.615 đang chờ kết quả).

Có gần 1.2 triệu mẫu tiếp xúc khác và mở rộng xét nghiệm.

Thực hiện test nhanh: đã sử dụng 128.520 test, cấp sẵn cho các quận huyện 169.055 test.

Ngành y tế TP.HCM nhận định, do tác nhân gây bệnh là chủng vi rút Delta có đặc tính lây nhiễm mạnh nên đợt dịch này đã bùng phát và lây lan trong gia đình, hàng xóm, nơi làm việc.

Biến thể này được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xem là có khả năng lây lan nhanh, có khả năng giảm hiệu quả bảo vệ của vắc xin.

Theo đó, trong khi một người mắc bệnh chủng cũ trung bình sẽ lây cho 2-4 người khác thì chủng biến thể Alpha có thể lây cho đến 7 người khác. Còn chủng biến thể Delta ước tính có thể lây nhiễm nhiều hơn biến thể Alpha từ 40-60%.

Thành phố đang trải qua 2 đợt dịch từ ngày 26/5 đến 14/6 với sự bùng phát của chuỗi dịch điểm nhóm truyền giáo Phục hưng và từ 15/6 đến nay với nhiều chuỗi dịch trong cộng đồng.

Hiện nay tình hình dịch còn diễn biến phức tạp trên địa bàn. Các ca nhiễm trong cộng đồng vẫn tiếp tục được phát hiện từ các trường hợp có triệu chứng đến khám ở các cơ sở khám, chữa bệnh.

Mỗi ngày có từ 25-62 ca khám phát hiện qua khám sàng lọc, tổng cộng đã có 530 trường hợp phát hiện trong bệnh viện. Đây là những ca chỉ điểm từ đó tiến hành truy vết lại các ổ dịch ở các khu nhà trọ, cơ sở sản xuất, chợ đầu mối…

TP.HCM đã có 16 bệnh nhân COVID-19 tử vong, trong một ngày ghi nhận đến 533 ca nhiễm - 1
Nhân viên y tế lấy trước giờ lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại một khu chợ ở TP.HCM.

Tại cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu ngành chức năng các quận, huyện, TP Thủ Đức phân các nhóm nguy cơ thành: Nhóm nguy cơ rất cao – Nhóm nguy cơ cao – Nhóm nguy cơ đến từng phường xã, khu phố để tăng cường lực lượng đến các điểm nóng, nhanh chóng kiểm soát, khống chế dịch bệnh.

Thực hiện giãn cách triệt để trong công tác lấy mẫu xét nghiệm, điều phối để người dân đến lấy mẫu trong những khung giờ nhất định và sẵn sàng phương án trong tình huống có F0. 

Đồng thời phối hợp chặt chẽ với bộ phận điều phối của Sở Y tế để cân đối số lượng xét nghiệm phù hợp với năng lực tại địa phương.

Ngoài ra, cần tăng cường năng lực truy vết.

Hiện nay, số lượng bệnh nhân COVID-19 điều trị tăng rất nhanh, TP.HCM đã chuẩn bị phương án 10.000 giường điều trị.

Thành phố đã và đang nhận được sự ủng hộ của các doanh nghiệp trên địa bàn để triển khai phương án này và có thể mở rộng thêm về quy mô giường bệnh.

Theo Hoàng Lê (Pháp Luật & Bạn Đọc)