Miệng cống sai thiết kế
Đại diện Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TPHCM (gọi tắt là Trung tâm chống ngập) cho hay, sau những dấu hiệu bất thường như một số điểm ngập do mưa sau khi cải tạo hệ thống thoát nước lại có hiện tượng tái ngập, trong đó có nhiều điểm nằm trong khu vực đã được kiểm soát triều như lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè; lưu vực rạch Lăng, rạch cầu Sơn… Mới đây, UBND TPHCM giao một đơn vị chuyên môn tổ chức khảo sát tìm hiểu nguyên nhân. Kết quả khảo sát các điểm ngập của đơn vị chuyên môn cho thấy, với hơn 1.000 miệng cống tại những nơi ngập nặng, đa số miệng cống đều làm sai thiết kế Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN 07-2: 2016/BXD) do Bộ Xây dựng ban hành ngày 1/2/2016. Theo đó, ngập do tổ hợp mưa lớn, triều cao vượt mức thiết kế chỉ chiếm xấp xỉ 14% đến hơn 28%; còn ngập khi mưa nhỏ chiếm từ 50% đến gần 68% với tiêu chuẩn cống thoát nước đáp ứng vũ lượng tuần tự 95mm, 85mm, 75mm trong 3 giờ.
Đại diện Trung tâm chống ngập cho biết, có 3 lý do kỹ thuật khiến nước ngập tràn đường trong khi mưa nhỏ và triều thấp. Đó là: Miệng cống nghẹt, nước mưa không xuống cống được; xuống cống được nhưng nước mưa không thoát được ra sông, kênh do lòng cống bị nghẽn và nước sông không dâng cao nhưng miệng xả nước ra sông bị lấp, kẹt.
“Toàn TPHCM hiện có khoảng 70.000 miệng cống thu nước mưa mặt đường. Miệng cống thu nước tại nhiều khu vực ở TPHCM hiện nay đã không còn phù hợp với hệ số chảy tràn, do thực tế địa hình đã bị bê tông hóa”, đại diện Trung tâm chống ngập nói.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, một số chuyên gia đồng tình và cho rằng chỉ cần trả lại đúng thiết kế miệng cống theo quy chuẩn thì miệng cống dù không ngăn được rác nhưng TPHCM sẽ giảm ngập và xác định được nguyên nhân nước ngập tràn đường là do đâu, ở chỗ nào…
Theo Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường, các tuyến cống thoát nước tại TPHCM trước kia xây dựng theo Quyết định số 752/2001/QĐ-TTg được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2001 (còn gọi là Quy hoạch 752). Theo thiết kế nói trên, nếu mưa có vũ lượng trên 85 mm thì cống cấp 3 sẽ tràn. Cao trình mực nước thiết kế của các tuyến cống theo quy hoạch 752 là +1,32 mét. Tuy nhiên, từ năm 2006, tại TPHCM xuất hiện hàng chục trận mưa với vũ lượng trên 85 mm. Từ năm 2008, đỉnh triều cường thường đạt mức rất cao (trên 1,5 m) và không ngừng phá kỷ lục, năm sau cao hơn năm trước. Đến nay, triều cường ở TPHCM đã lập kỷ lục mới là 1,72 m tại trạm Nhà Bè, cao hơn cao độ thiết kế của quy hoạch 0,4 m.
Trong khi đó, TPHCM đã làm được gần 4.200 km/6.000 km cống thoát nước theo Quy hoạch 752.
Lún 5-10 mm/năm
Dù đã trang bị siêu máy bơm nhưng rốn ngập Nguyễn Hữu Cảnh vẫn thất thủ sau những cơn mưa lớn đầu mùa. Theo ông Cường, hệ thống thoát nước đường Nguyễn Hữu Cảnh nằm trong vùng địa chất yếu nên đã hư hỏng. Cống bị gãy mối nối và bồi lắng cát, không đảm bảo thiết kế ban đầu dẫn đến không thoát nước được. “Cao độ mặt đường rất thấp, tình trạng lún càng làm mặt đường thấp hơn, không đảm bảo thoát nước. Lưu vực này rộng gần 30 ha (trừ khu Tân Cảng) với vũ lượng mưa theo tần suất như hiện nay lẽ ra phải xây hệ thống cống hộp 2,5 m x 2,5 m, nhưng TPHCM chỉ xây cống 1,5 m x 1,5 m nên không đảm bảo thoát nước”, ông Cường nói.
Theo PGS.TS Lê Văn Trung, Chủ nhiệm Bộ môn Hệ thống thông tin Tài nguyên và Môi trường, Đại học Bách khoa, Phó Chủ tịch Hội Trắc địa – Bản đồ TPHCM, kết quả giám sát lún mặt đất từ năm 2010 đến 2017 cho thấy nhiều khu vực trước đây không bị ngập triều nhưng do mặt đất bị lún và sự dâng cao của mực nước biển nên nay bị ngập do triều cường. “Kết quả đo thủy chuẩn mặt cắt các tuyến đường năm 2010 cũng cho thấy phần lớn các tuyến đường ngập triều đều phân bố tại những khu vực bị ảnh hưởng lún”, ông Trung nói. Chuyên gia này cho biết, kết quả phân tích bằng kỹ thuật INSAR vi phân cho thấy tình trạng lún đất diễn ra tại các huyện Bình Chánh, nam quận Bình Tân, quận 8, tây quận 7, tây bắc quận 2, đông quận 12, tây nam quận Thủ Đức, tây bắc huyện Nhà Bè... với mức 5-10 mm/năm.
“Tình trạng lún đã làm sai lệch cao độ chuẩn vì qua kiểm tra của Bộ TN&MT có 4/11 mốc độ cao hạng I có dấu hiệu sụt lún cục bộ, dẫn tới sai số độ cao đo kiểm tra chênh so với độ cao gốc từ 0,2m tới 0,6m. Điều này ảnh hưởng không nhỏ đến khả năng triển khai các dự án chống ngập của TPHCM. Có những tuyến đường khu dân cư mới làm cao độ 2 m nhưng thực tế chỉ đạt 1,4 m dẫn tới bị ngập nước. Tiêu chuẩn thoát nước và chống ngập của thành phố cần phải tính đến ảnh hưởng đồng thời của sự hạ thấp mặt đất và sự dâng cao của mực nước biển dâng”, ông Trung lưu ý.
Làm việc với Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong mới đây về chương trình đột phá về giảm ngập nước sau 2,5 năm thực hiện, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó giám đốc Trung tâm chống ngập, cho rằng, cần khoảng 96.000 tỷ đồng để hoàn thành Quy hoạch 752 và 1547, trong đó từ nguồn ngân sách TPHCM là 6.338 tỷ đồng; nguồn vốn ngân sách Trung ương là 588 tỷ đồng; nguồn vốn xã hội hóa là 21.865 tỷ đồng...
Tuy nhiên, theo đại diện liên danh tư vấn quốc tế Sweco-Sudio Niho (đơn vị tư vấn rà soát quy hoạch chống ngập), 2 quy hoạch trên hiện nay không còn phù hợp bởi nhiều thách thức mới đang đặt ra như hiện tượng lún đất, nước biển dâng do biến đổi khí hậu...
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm chống ngập, trong năm 2016 và 2017, TPHCM đã giải quyết được tình trạng ngập do mưa tại 15 tuyến đường trục chính. Năm 2018, TPHCM tiếp tục triển khai các dự án để giải quyết 7 tuyến đường khác. Ngoài ra, TPHCM đã giải quyết 4/9 tuyến đường ngập do triều và đã khởi công dự án Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1) theo hình thức đối tác công-tư, dự kiến hoàn thành ngày 26/6/2019.
Theo Huy Thịnh (Tiền Phong)