TP.HCM chuyển vị trí công tác hơn 1.500 người

07/01/2017 09:31:00

UBND TP.HCM vừa có báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2016 gửi các cơ quan trung ương và TP.

UBND TP.HCM vừa có báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2016 gửi các cơ quan trung ương và TP.

Nhóm cảnh sát PCCC vòi tiền doanh nghiệp ở Q.Bình Tân, TP.HCM ngày 25-11-2015 đã bị giáng cấp, chuyển công tác - Ảnh: nhóm PV CT-XH

Theo đó, năm 2016 có 37 quận huyện, sở ngành báo cáo thực hiện chuyển đổi vị trí công tác 1.573 trường hợp cán bộ, công chức chức danh tư pháp - hộ tịch, văn hóa - xã hội, kế toán, thủ quỹ, xây dựng, địa chính - nhà đất, thủ kho thuộc các ngành hải quan, tư pháp, thanh tra xây dựng, quản lý thị trường.

Có 1.159 đơn vị được kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức. Từ đây, phát hiện bốn trường hợp vi phạm quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp đã bị xử lý.

Ngoài ra, qua kiểm tra, giám sát nội bộ đã phát hiện, chuyển Công an TP điều tra, xử lý hai vụ việc có dấu hiệu “tham ô tài sản” là vụ bà Trần Thị Lê (thủ quỹ Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP) có dấu hiệu chỉnh sửa số lượng hồ sơ trong thông báo nộp phí, làm giả thông báo nộp phí, giả chữ ký nhân viên thông báo nộp phí nhằm thay đổi nội dung việc thu phí, lệ phí gây thất thoát tiền nhà nước và vụ làm thất thoát thuốc tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương.

Các đơn vị trực thuộc Công an TP xử lý kỷ luật 12 cán bộ cảnh sát sai phạm.

Qua thông tin phản ánh của báo Tuổi Trẻ về việc cán bộ cảnh sát phòng cháy chữa cháy Q.Bình Tân vòi vĩnh làm dịch vụ, đã xử lý kỷ luật với hình thức giáng cấp bậc hàm từ trung úy xuống thiếu úy và một trường hợp khiển trách, bố trí công tác khác. Xử lý liên đới trách nhiệm hạ một bậc thi đua năm 2016 đối với lãnh đạo phòng, đội ba trường hợp.

Theo đánh giá của UBND TP, thời gian qua công tác phòng chống tham nhũng đã có những chuyển biến tích cực nhưng chưa đáp ứng yêu cầu ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng; vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu... của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức.

Người dân, doanh nghiệp vẫn chưa thực sự hài lòng kết quả cải cách hành chính nói chung và cải cách thủ tục hành chính nói riêng trên một số lĩnh vực nhà đất, xây dựng, quy hoạch dự án đầu tư.

Đặc biệt, hành vi tham nhũng “vặt” trong giải quyết thủ tục hành chính một số lĩnh vực gây bức xúc, ảnh hưởng niềm tin của người dân đối với chính quyền.

Luân chuyển cán bộ chỉ là một giải pháp phòng ngừa tham nhũng

Ngày 6-1, trao đổi với Tuổi Trẻ về việc thực hiện chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng, ông Nguyễn Quang Huy - trưởng Ban nội chính Thành ủy Hà Nội - khẳng định: “Vừa qua, trong thực hiện thực tế đã có hiệu quả tích cực”.

Dù vậy, theo ông Huy, việc chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ chỉ là một trong những giải pháp tổng thể trong phòng chống tham nhũng. “Không phải chỉ một giải pháp này là làm được tất cả, vì chương trình phòng chống tham nhũng đòi hỏi phải thực hiện tổng thể tám giải pháp, trong đó có giải pháp chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ” - ông Huy nói.

Theo ông Nguyễn Đức Chung - chủ tịch UBND TP Hà Nội, trong thực hiện công tác phòng chống tham nhũng năm 2016, Hà Nội đã chuyển đổi vị trí công tác của 180 cán bộ.

XUÂN LONG

 

Một số vụ việc có dấu hiệu tham nhũng được chuyển sang cơ quan điều tra

Vụ mua bán hai căn nhà số 146 Nguyễn Văn Trỗi và số 223 Hoàng Văn Thụ, Q.Phú Nhuận.

Việc quản lý, bố trí và hợp thức hóa cho các hộ tại tầng trệt, lửng, lầu, lầu 2 thuộc căn nhà số 250 và trệt, lửng của căn nhà số 252 Lê Thánh Tôn, P.Bến Thành, Q.1.

Vụ ông Thi Danh - trưởng Ban bồi thường giải phóng mặt bằng Q.Tân Phú - với hành vi tham ô số tiền 54 tỉ đồng.

Vụ Nguyễn Ngọc Mai Phương - kế toán trưởng Trường THCS Giồng Ông Tố - có hành vi tham ô số tiền 7 tỉ đồng.

Vụ Võ Thanh Tùng, kế toán trưởng Trường tiểu học Lam Sơn, với hành vi cố ý làm trái quy định trong quản lý tài chính để rút tiền ngân sách chi xài cá nhân với số tiền 2,2 tỉ đồng...


Theo Mai Hoa (Tuổi Trẻ)