Bác sĩ Diêu Hà Lam, Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Quận 2 (TP.HCM) cho biết, chiều 21/8 nơi đây vừa tiếp nhận cấp cứu cho một trường hợp cháu bé nguy kịch vì sặc sữa thương tâm.
Bé gái 40 ngày tuổi, là con của chị M.T.N.C. (20 tuổi, ngụ quận 9, TP.HCM) nhập viện vào lúc 13h30 trong tình trạng thở ngáp, tím tái, niêm nhạt, mạch yếu và dọa ngưng thở, giảm oxy máu.
Khai thác bệnh sử, trước đó không lâu chị C. đang cho con bú thì bé bất ngờ sặc sữa, nôn trớ, lả người rồi lâm dần vào tím tái, tay chân không còn cựa quậy.
Ekip bác sĩ trực lập tức tiến hành hút đờm nhớt và sữa từ miệng bé ra, đặt nội khí quản, hỗ trợ máy thở và dùng thuốc vận mạch cho bé.
Sau 30 phút sơ cứu, vì cả Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Nhi đồng 2 đều không đủ máy thở, buộc lòng các bác sĩ phải ký giấy chuyển bé gái đến Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (huyện Bình Chánh) trong tình trạng suy hô hấp.
Suốt thời gian trên xe, nhân viên y tế liên tục bóp bóng trợ tim cho bé. Tuy nhiên khi vừa đến cổng bệnh viện tuyến trên, bé đã ngưng tim.
"Các đồng nghiệp tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố sau khi tiếp nhận đã đưa bé ngay vào cấp cứu tích cực. Tuy nhiên tiên lượng bé rất xấu, khó có thể nói trước điều gì sẽ xảy ra" - bác sĩ Lam thông tin.
Theo bác sĩ, đây không phải là lần đầu tiên có trường hợp trẻ nguy kịch vì sặc sữa nói riêng và hóc dị vật nói chung. Trước đó vào tháng 3/2018, một bé trai 21 ngày tuổi ở Tiền Giang cũng đã tử vong sau khi sặc sữa lúc bú mẹ.
Thậm chí có trường hợp mẹ dùng gạc rơ lưỡi cho con khi bú no khiến bé gái 2 tháng tuổi sặc sữa nguy kịch.
"Phụ huynh khi thấy trẻ sặc sữa cần sơ cứu nhanh nhất bằng hai cách. Một là dùng miệng của mình đưa vào miệng trẻ để hút thật mạnh đàm nhớt từ miệng và mũi bé tống ra ngoài.
Hai là dùng phương pháp sơ cứu hóc dị vật Heimlich bằng cách vỗ từ lưng hoặc ép vào cơ hoành, mục đích tạo ra một áp lực lớn đột ngột trong đường hô hấp đẩy dị vật ra ngoài" - bác sĩ Lam hướng dẫn.
Theo Hoàng Lê (Helino)