Tại buổi họp báo định kỳ về công tác phòng chống dịch trên địa bàn vào chiều 7-10, ông Phạm Đức Hải, Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP HCM, cho biết tính đến 18 giờ ngày 6-10, TP có 403.997 trường hợp mắc bệnh được Bộ Y tế công bố.
Ông Hải nhấn mạnh số ca bệnh nặng đang thở máy tại TP HCM ngày càng giảm mạnh. Cụ thể, ngày 3-10 có 724 trường hợp, đến ngày 6-10 còn 631 trường hợp. Đối với bệnh nhân phải đặt ECMO, ngày 2-10 có 19 trường hợp; trong các ngày 3, 4, 5, 6-10, mỗi ngày có 18 trường hợp.
Số bệnh nhân nhập viện tiếp tục thấp hơn số bệnh nhân xuất viện trong những ngày qua. Cụ thể, ngày 3-10 có 1.449 người nhập viện, 2.743 bệnh nhân xuất viện; đến ngày 6-10 có 1.206 người nhập viện, 2.740 xuất viện. Số ca tử vong những ngày gần đây liên tục dưới 2 con số. Ngày 6-10, TP có 92 trường hợp tử vong (tổng số tử vong cộng dồn từ ngày 1-1 đến nay là 15.525). TP đang điều trị 20.905 bệnh nhân, trong đó có 1.735 trẻ dưới 16 tuổi.
Trả lời phóng viên về việc hiện tại có bao nhiêu quận, huyện tại TP HCM kiểm soát được dịch, ông Phạm Đức Hải cho biết ngày 4-10, 17 quận, huyện và TP Thủ Đức được đề nghị công bố kiểm soát được dịch, sau đó có thêm quận 4, quận Bình Thạnh và huyện Hóc Môn. Như vậy, đến ngày 6-10, 19 quận, huyện và TP Thủ Đức được đề nghị kiểm soát được dịch bệnh; còn huyện Bình Chánh và quận Bình Tân chưa được đề nghị.
Cũng tại buổi họp báo, thông tin về số liệu chi hỗ trợ người gặp khó khăn do dịch Covid-19 đợt 3, ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP HCM, cho biết đến nay, TP đã chi hỗ trợ cho hơn 2,3 triệu người. Trong đó, 3 quận có tỉ lệ chi trả cao nhất, đạt trên 90% là Phú Nhuận, quận 5 và quận 1.
Theo ông Lâm, với tiến độ này, từ nay đến cuối tuần, các địa phương tại TP HCM sẽ vượt trên 50% và sẽ hoàn thành nhiệm vụ chi trả theo tiến độ đến 15-10.
Theo bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM, TP đã chuẩn bị từ rất lâu cho tình huống lực lượng chi viện chống dịch rút về. Hằng ngày, Sở Y tế tổ chức giao ban với các tầng điều trị để nâng cao năng lực điều trị của từng bệnh viện và từng cá nhân.
Trong quá trình giao ban, các bên học tập lẫn nhau về việc chuyển tuyến giữa 3 tầng điều trị. Bên cạnh đó là tập huấn và đào tạo. Toàn bộ nhân viên ngành y tế khi tham gia điều trị Covid-19 đều được các bệnh viện tập huấn, đào tạo để sẵn sàng tiếp nhận công việc khi các đội ngũ chi viện rút về.
Bà Mai cho biết Sở Y tế và các sở, ngành đang tham mưu cho UBND TP HCM theo hướng tái cấu trúc ngành y tế. Các bệnh viện cấp TP cũng như quận, huyện sẽ được trả lại công năng theo đúng lộ trình.
Các bệnh viện dã chiến, khu cách ly F0 đang được trưng dụng từ các trường học sẽ nhanh chóng thu gọn khi hết người cách ly. Tuy nhiên, tại các quận, huyện sẽ thành lập bệnh viện dã chiến thu dung để chăm sóc F0 có triệu chứng hay không đủ điều kiện cách ly điều trị tại nhà.
Về các bệnh viện thuộc tầng 2, 3, TP sẽ tái cấu trúc lại. Đặc biệt, các Trung tâm Hồi sức Covid-19 tại các Bệnh viện dã chiến số 13,14,16 sẽ chuyển đổi thành bệnh viện 3 tầng gồm tầng 1, 2, 3 ngay trong nội viện để kịp thời điều trị bệnh theo tình trạng của bệnh nhân.
"Ngành y tế sẽ củng cố chất lượng điều trị của các hệ thống để đảm bảo tối thiểu 900 giường hồi sức (ICU) có đủ máy thở, monitor và 3.000 giường thở ôxy để đáp ứng các tiêu chí của Bộ Y tế" - bà Mai nhấn mạnh.
Theo Hải Yến (Nld.com.vn)