Theo Sở Giao thông Vận tải TP HCM, dự án cầu đường sắt Bình Lợi mới và cải tạo luồng sông Sài Gòn, đoạn từ cầu Bình Lợi (TP HCM) tới cảng Bến Súc (tỉnh Bình Dương) sẽ hoàn thành vào cuối năm.
Việc nâng cấp luồng Sài Gòn và xây cầu Bình Lợi giúp cho tàu có trọng tải lớn ra vào các cảng được thuận lợi, lưu thông hàng hóa trong vùng Đông Nam Bộ.
Được khởi công hồi tháng 4/2015 với tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, dự án đường thủy đầu tiên của cả nước thực hiện theo hợp đồng BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao). Bộ Giao thông Vận tải đã đồng ý cho Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Lợi (chủ đầu tư dự án) thu phí để hoàn vốn.
Ông Vũ Đức Cúc, đại diện chủ đầu tư cho biết, việc thu phí chỉ áp dụng với những phương tiện có tải trọng 300 tấn trở lên, nên không ảnh hưởng đến người dân sử dụng phương tiện nhỏ vận chuyển hàng hóa trên sông Sài Gòn mỗi khi qua cầu Bình Lợi.
Giá khoảng 70 đồng/tấn/km trong 20 năm 9 tháng, dự kiến thu được 1.100 tỷ đồng. Mức giá này được cho là rẻ hơn nhiều so với đường bộ (bình quân khoảng 240 đồng/tấn/km).
Sở GTVT đã đề nghị chủ đầu tư đưa ra dự thảo phương án tài chính và phương án thu phí mới để UBND TP HCM phản biện trước khi chính thức đưa vào thực hiện. Bởi trước đó Bộ Tài chính có thông tư cho phép Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Lợi thu phí nhưng hiện đã có Luật Phí và Lệ phí nên phải điều chỉnh cho đúng quy định.
Giám đốc Sở GTVT Bùi Xuân Cường khẳng định, quan điểm của Sở là tập trung tinh thần để xã hội hóa, hoặc thu hút được nguồn vốn ngoài nhà nước đối với các công trình giao thông thủy vì ngân sách thành phố đang thiếu.Vấn đề là làm sao để thu hút được nhà đầu tư cho giao thông thủy.
Cũng theo ông Cường, nếu thí điểm dự án trên thành công sẽ thu hút được các nhà đầu tư tham gia việc hoàn thiện hạ tầng giao thông thủy theo hình thức BOT cũng như các hình thức xã hội hóa khác. "Tuy nhiên, tất cả các bài toán đều đứng trên chi phí và lợi ích của người dân cũng như doanh nghiệp", ông Cường nói.
Theo Hữu Nguyên (VnExpress.net)