Theo lãnh đạo TP HCM, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên chậm tiến độ sẽ ảnh hưởng lớn đến uy tín của nhà nước với các nhà đầu tư nước ngoài.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị lãnh đạo TP HCM phân tích những mặt nổi bật, tồn tại và thảo luận để có quyết sách cụ thể, nhất là các chính sách phát triển, xử lý giải quyết.
"Thành phố phát triển được thì cả nước phát triển tốt, nếu thành phố có gì trở ngại sẽ ảnh hưởng phát triển chung", thủ tướng nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì buổi làm việc với lãnh đạo TP HCM. Ảnh: Đức Huy. |
Phó chủ tịch thường trực UBND TP HCM Lê Thanh Liêm kiến nghị Chính phủ bổ sung vốn ODA cấp phát từ ngân sách Trung ương cho 2 dự án trọng điểm của thành phố giai đoạn 2017-2020 là tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên (hơn 29.500 tỷ đồng) và dự án Cải thiện môi trường nước thành phố, lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi - Tẻ, giai đoạn 2 (hơn 8.500 tỷ đồng).
Theo ông Liêm, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ bố trí cho thành phố 11.517 tỷ đồng cho 2 dự án (7.500 tỷ cho tuyến metro số 1 và hơn 4.000 tỷ cho dự án cải thiện môi trường nước) - chỉ đáp ứng được 39% tổng nhu cầu vốn ODA của thành phố. Với số vốn trên, thành phố rất khó hoàn thành tiến độ 2 dự án đúng thời gian quy định.
"Hiện, khối lượng thi công các dự án đang đúng tiến độ cam kết nhưng không đủ vốn để bố trí. Các nhà thầu thi công nhiều lần đề nghị thanh toán nếu không sẽ ngưng thi công. Việc này cũng ảnh hưởng lớn đến uy tín của Nhà nước đối với các nhà đầu tư nước ngoài nói chung", ông Liêm nói.
Dự án Metro Bến Thành - Suối Tiên có tổng vốn 2,49 tỷ USD (hơn 47.000 tỷ đồng) được khởi công tháng 8/2012. Dài gần 20 km, tuyến đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP HCM) và huyện Dĩ An (Bình Dương). Trong đó 2,6 km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17 km trên cao (11 nhà ga).
Hiện, đoạn trên cao đã cơ bản hoàn thành, đoạn ngầm được gấp rút thi công để kịp đưa vào sử dụng toàn tuyến theo kế hoạch vào năm 2020.
Ngoài ra, ông Liêm cũng kiến nghị một số cơ chế khác tạo thuận lợi cho thành phố phát triển như: thủ tục tiếp nhận dự án hỗ trợ kỹ thuật không hoàn lại; tiếp nhận khoản vay 200 triệu Euro của Ngân hàng Đức cho dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 (Bến Thành - Tham Lương); sử dụng nguồn vốn từ việc cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp của thành phố; hỗ trợ từ ngân sách trung ương để đầu tư các dự án quan trọng giai đoạn 2017-2020…
Đại diện UBND thành phố cũng kiến nghị Thủ tướng đồng ý cho TP HCM đăng cai Seagames 31 vào năm 2021. "Thành phố đã làm việc với Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cũng ủng hộ", ông Liêm nói.
Về kết quả tình hình kinh tế xã hội của thành phố, ông Liêm cho biết kinh tế thành phố tiếp tục tăng trưởng, cao hơn so cùng kỳ. Tổng sản phẩm nội địa (GRDP) tăng 7,76% (cùng kỳ tăng 7,47%); tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt hơn 451.000 tỷ đồng, tăng 10,3%; du lịch tăng trưởng tốt, số khách quốc tế đến thành phố đạt 2,8 triệu khách, tăng 14,7%, doanh thu đạt 53.617 tỷ đồng, tăng 12%...
Tuy nhiên, ông Liêm cũng nhìn nhận thành phố còn một số tồn tại cần phải tập trung khắc phục như: môi trường kinh doanh, sức cạnh tranh của nền kinh tế tuy có cải thiện nhưng chưa đạt yêu cầu, phát triển thị trường gặp nhiều khó khăn; tăng trưởng chủ yếu dựa vào đóng góp của yếu tố vốn và lao động; phát triển công nghiệp hỗ trợ còn chậm; tiềm năng du lịch chưa được phát huy; việc đổi mới khoa học công nghệ trong quản lý, sản xuất còn hạn chế; công tác quản lý đất đai còn nhiều bất cập...
Theo Hữu Công (VnExpress.net)